Đề xuất tăng thuế nhập khẩu thép của Mỹ có thể là con dao 2 lưỡi
Việc Bộ Thương mại Mỹ đề xuất tăng mạnh thuế thép và nhôm nhập khẩu nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Mỹ phát triển - một điều không thể chối cãi. Vấn đề ở chỗ các đề xuất này có thể gây ra những hệ quả không mong muốn khiến nền kinh tế bị tổn thất.
Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ sáu tuần trước gửi bản đề xuất tăng thuế nhập khẩu nhôm và thép đồng thời hạ hạn ngạch nhập khẩu. Ông Trump sẽ phải đưa ra quyết định cuối cùng trong tháng 4 năm nay.
Cả hai kim loại này đều quan trọng đối với ngành sản xuất ô tô, máy bay và nhiều ngành khác. Lượng nhập khẩu thép hàng năm của Mỹ chiếm khoảng 1/3 trong số 100 triệu tấn thép tiêu thụ. Đồng thời, trong tổng số 5,5 triệu tấn nhôm được sử dụng mỗi năm thì có tới 90% từ nhập khẩu. Chính vì lượng nhập khẩu quá lớn nên nhiều nhà máy sản xuất thép và nhôm Mỹ buộc phải đóng cửa.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ lượng nhôm và thép nhập khẩu giảm bao nhiêu nếu ông Trump thực hiện đề xuất của Bộ Thương mại. Đồng thời, liệu rằng công suất của các nhà máy trong nước có đủ bù đắp lượng nhôm, thép nhập khẩu bị thiếu hụt cũng là câu hỏi lớn đặt ra cho ngành công nghiệp nước này.
Viện Thép và Quặng sắt Mỹ biểu dương đề xuất tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép đồng thời tuyên bố các nhà máy sẽ tăng sản lượng để lấp đầy "khoảng trống" mà nhôm, thép nhập khẩu để lại.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi về tuyên bố này. Họ chỉ ra rằng thép và nhôm nhập khẩu chiếm quá nhiều thị phần tại Mỹ, đặc biệt là đối với các sản phẩm ống thép. Điều này khiến các nhà máy trong nước gặp khó khăn trong việc bù đắp lượng thép bị thiếu hụt. Hơn thế nữa, một nhà máy chuyên sản xuất một sản phẩm thép như thép tấm (được dùng trong công nghiệp sản xuất ô tô) sẽ rất khó chuyển sang sản xuất các sản phẩm thép khác như thép ống.
Philip Gibbs, chuyên gia phân tích đến từ công ty KeyBanc Capital Markets nhận định: "Nguyên liệu nhập khẩu đóng vai trò quan trọng, nhất là đối với các nước xuất khẩu dầu khí do nhu cầu sử dụng thép ống để lắp đặt ống dẫn dầu rất lớn".
Bộ Thương mại Mỹ cho biết có khoảng 10 lò nung sản xuất thép nóng chảy đã đóng cửa từ năm 2000. Ngoài ra, 8 lò luyện nhôm cũng đã đóng cửa hoặc giảm sản lượng kể từ đầu năm 2015, theo Hiệp hội Nhôm. Ngay cả cơ quan này cũng khẳng định Mỹ buộc phải nhập khẩu một số loại nhôm. Đồng thời, Hiệp hội Nhôm cũng tỏ ra khá thận trọng đối với đề xuất tăng thuế và cho rằng đề xuất chỉ nên nhắm vào Trung Quốc chứ không phải Canada và Liên minh châu Âu (EU) bởi nhôm nhập khẩu từ các quốc gia này đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất các ngành công nghiệp còn lại của Mỹ.
Vì vậy, các công ty Mỹ vẫn phải nhập khẩu nhôm và thép ngay cả khi đề xuất tăng thuế của Bộ Thương mại được thông qua. Điều này dẫn đến giá nhôm và thép nhập khẩu sẽ trở nên đắt đỏ hơn. Giá nhôm, thép trong nước cũng từ đó mà tăng do chịu áp lực từ thị trường kéo theo các sản phẩm khác như ôtô, thiết bị điện cũng tăng giá và họ sẽ phải đối mặt với nguy cơ để mất thị phần vào tay các đối thủ nước ngoài.
Ông Philip Gibbs nhận định: "Nếu anh áp thuế nhập khẩu, anh có thể nghĩ rằng mình đang làm rất tốt nhiệm vụ bảo vệ việc làm trong nước. Tuy nhiên, cuối cùng, các công ty sẽ chuyển hết hoạt động sản xuất sản phẩm và linh kiện sang nước ngoài".
Ngay cả một số một số thành viên Quốc hội- những người quản lý các bang có nhà máy thép hoặc nhôm, cũng bày tỏ quan ngại về mức thuế quan mới. Tại cuộc họp Nhà Trắng diễn ra đầu tuần trước, cả phe Cộng hòa và Dân chủ đều kêu gọi ông Trump thận trọng trong quyết định đối với thép và nhôm nhập khẩu.
"Thưa ngài Tổng thống, tôi nghĩ chúng ta nên thận trọng trong hành động, chúng tôi sản xuất thép và nhôm tại Missouri nhưng chúng tôi cũng phải nhập khẩu rất nhiều các sản phẩm này", thượng nghị sĩ Roy Blunt, thành viên đảng Cộng hòa Missouri phát biểu tại cuộc họp.
Một mối quan ngại khác mà Mỹ cũng đang phải đối mặt đó là lệnh thuế quan mới có thể gây ra chiến tranh thương mại và động thái trả đũa từ các nước khác. Nhiều nước có thể nâng thuế nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ. Ông Kevin Brady, đại biểu đảng Cộng hòa bang Texas nói: "Tôi cho rằng tất cả mọi người trong căn phòng này đều ủng hộ ý kiến rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm cho việc thừa sản lượng. Tuy nhiên, mức thuế quan mà ông Trump đang xem xét lại "lợi bất cập hại"".
Người đồng hành