Đề xuất thoái vốn bất ngờ của Tổng Công ty Hàng hải tại nhiều cảng biển lớn
TPO - Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đề xuất, giai đoạn từ nay tới năm 2025 sẽ thoái vốn nhà nước nắm giữ tại công ty mẹ về mức 65%, giảm mức sở hữu tại một số cảng biển lớn về mức 51% tại cảng Cần Thơ, Quy Nhơn (Bình Định), Đà Nẵng, Cam Ranh (Khánh Hòa)…
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) vừa hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu tổng công ty giai đoạn 2021-2025, gửi lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị liên quan. Theo đề án, VIMC đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại công ty mẹ từ 99,4% vốn hiện nay xuống còn 65%.
Tuy nhiên, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (đại diện vốn nhà nước tại VIMC) cho rằng, cảng biển là cấu phần quan trọng của ngành hàng hải, là khâu đột phá chiến lược về hạ tầng. Do đó, cần ưu tiên đảm bảo hài hoà giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh, góp phần giữ vững độc lập, chủ quyền biển đảo, nên nhà nước vẫn cần nắm giữ.
Với khối doanh nghiệp thành viên VIMC đang khai thác các cảng biển, VIMC đề xuất giảm tỷ lệ sở hữu vốn của công ty mẹ tại các cảng này. Cụ thể, VIMC đề xuất giảm sở hữu vốn của công ty mẹ tại 5 cảng về mức 51% cổ phần, gồm: Cảng Cần Thơ (đang nắm 99% vốn), cảng Cam Ranh (đang nắm gần 81% vốn), cảng Quy Nhơn (hiện nắm 75% vốn), cảng Đà Nẵng (hiện nắm 75% vốn), cảng Cái Lân (Quảng Ninh, hiện nắm 56% vốn).
Riêng cảng Hải Phòng, VIMC đề xuất giảm tỷ lệ vốn sở hữu từ 92,5% hiện nay xuống còn 65% vốn; thoái toàn bộ vốn tại Công ty TNHH Vận tải hàng công nghệ cao (hiện nắm 56% vốn).
VIMC tiếp tục đề xuất thoái bớt vốn đang nắm giữ tại cảng Quy Nhơn sau khi mới thu hồi lại phần vốn đã thoái trước đó. Cảng Quy Nhơn tiếp tục mang lại lợi nhuận lớn cho VIMC.
Ủy ban quản lý vốn cho rằng, các doanh nghiệp thành viên của VIMC đang nắm các cảng biển lớn, quan trọng, làm ăn hiệu quả. Năm 2021, lợi nhuận trước thuế của khối doanh nghiệp cảng gần 2.600 tỷ đồng, chiếm 71% lợi nhuận hợp nhất của VIMC, tập trung các cảng như Sài Gòn, Quy Nhơn, Hải Phòng, Đà Nẵng.
Ủy ban vốn đề nghị VIMC có thoái vốn tại các doanh nghiệp cảng biển, nhưng chỉ giảm tỷ lệ sở hữu về mức 65% (thay vì 51% như VIMC đề xuất), gồm các cảng: Cần Thơ, Hải Phòng, Cam Ranh, Quy Nhơn, Đà Nẵng. Riêng cảng Cái Lân không tiếp tục thoái vốn. Năm 2021, các cảng biển này đều có lãi, như: Cảng Quy Nhơn lãi hơn 330 tỷ đồng, cảng Đà Nẵng lãi hơn 238 tỷ đồng, cảng Cam Ranh lãi 43 tỷ đồng, cảng Cái Lân lãi 5 tỷ đồng…
Riêng khối doanh nghiệp thành viên của VIMC trong lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ hàng hải và logistics, VIMC đề xuất thoái hết vốn tổng công ty đang nắm tại đa số các công ty này, gồm: Công ty CP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông (hiện VIMC nắm 49% vốn); Công ty CP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (hiện nắm hơn 47% vốn); Công ty CP Hàng hải Đông Đô (hiện nắm gần 49% vốn); Công ty CP Vận tải biển Hải Âu (hiện nắm hơn 26% vốn); Công ty CP Vinalines Nha Trang (hiện giữ gần 92% vốn); Công ty Liên danh khai thác container Việt Nam (hiện giữ 60% vốn); Công ty CP Hàng hải Sài Gòn (hiện giữ hơn 10% vốn).
Riêng Công ty CP Vận tải biển Vinaship (hiện VIMC nắm 51% cổ phần) và Công ty CP VIMC logistics Việt Nam (hiện nắm hơn 56% cổ phần), VIMC đề xuất thoái một phần, chỉ giữ lại 36% cổ phần.
Ủy ban quản lý vốn đồng thuận với đề xuất của VIMC về thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên trong lĩnh vực vận tải biển, dịch vụ hàng hải và logistics. Với khối doanh nghiệp vận tải biển, Ủy ban này cho rằng các đơn vị chủ yếu khai thác tàu chở hàng rời, tuổi thọ cao (bình quân trên 20 năm) nên chi phí hoạt động lớn, một số doanh nghiệp thua lỗ kéo dài, âm vốn chủ sở hữu.
Tiền Phong