Deal đầu tiên của Shark Tank mùa 7: Bị chê khó cạnh tranh với bún, phở, miến, cháo, chàng trai bán mì ramen 109.000 đồng/bát vẫn gọi vốn thành công 2,5 tỷ từ Shark Bình và Shark Phi Vân
"Làm mì ramen đông lạnh với giá cao như vậy rất khó cạnh tranh với bún, phở, miến, cháo của Việt Nam, mà kể cả mì ramen đã xuất hiện nhiều quán có giá thành thấp hơn", Shark Minh Beta hoài nghi tiềm năng của startup mới mở được 1 quán mì ramen trong Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 1.
Startup xuất hiện đầu tiên trên Shark Tank Việt Nam mùa 7 tập 1 là Seichou Machi Ramen – startup mang ước mơ bình dân hóa bát mì ramen tại thị trường Việt Nam.
Năm 2019, trở về Việt Nam sau 4 năm học tập và làm việc tại Nhật Bản, Nguyễn Văn Duy và Đặng Hồng Nhung nhận thấy món mì ramen - vốn xuất hiện mọi ngóc ngách tại Nhật Bản với giá phổ cập - lại được bán tới 150.000 – 200.000 đồng/bát tại Việt Nam.
Tính toán sử dụng nông sản Việt để hạ giá thành, hai nhà đồng sáng lập thuê một gian hàng 13 m2 tại phố chợ Hòe Nhai, Hà Nội, bán bát mì ramen với giá 55.000 đồng/bát (giá thành hiện giờ ở mức 89.000 – 109.000 đồng/bát).
Hiện Duy và Nhung đã có một nhà hàng 90m2 bán mì ramen thủ công, đồng thời nghiên cứu cho ra đời mì ra men đông lạnh, thuộc dòng ready-to-eat, chỉ cần hâm nóng là sử dụng được.
Xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam, Seichou Machi Ramen muốn gọi vốn 2,5 tỷ đồng đổi lấy 12,5% cổ phần, nhằm mở thêm nhà hàng mì thủ công và phân phối mì đông lạnh.
Shark Hưng thấy tiềm năng nhưng không rót vốn, Shark Minh Beta nghi ngờ khả năng cạnh tranh với bún, phở, miến, cháo thuần Việt
Nhung giới thiệu sản phẩm mì ramen đông lạnh của Seichou Machi Ramen thuộc dạng mì tươi được cấp đông lạnh, vị rất gần với mì thủ công bán tại các nhà hàng. Sản phẩm lưu trữ trong ngăn đông từ 1 - 1,5 tháng, có giá từ 50.000 - 55.000 đồng/bát.
Bên cạnh lo ngại tính cạnh tranh về chất lượng món ăn với các quán bán mì ramen sử dụng nguyên liệu thuần nhập khẩu từ Nhật, Shark Minh Beta phân tích cả 2 dòng sản phẩm chính của startup này ông đều thấy khó.
"Với quán mì thủ công - physical store (quán vật lý), tôi thấy khó scale khi theo ý bạn mì phải tươi và làm thủ công tại chỗ. Để thành chuỗi và có tiềm năng tăng trưởng lâu dài, tôi thấy khá khó".
"Hướng làm mì ramen đông lạnh với giá cao như vậy rất khó cạnh tranh với bún, phở, miến, cháo của Việt Nam, mà kể cả mì ramen đã xuất hiện nhiều quán có giá thành thấp hơn", Shark Minh nghi ngại và từ chối đầu tư.
Cho rằng sản phẩm đông lạnh, đóng gói tiện dụng đang là xu hướng, nhưng vốn không có nhiều kinh nghiệm và hiểu biết trong thị trường này nên Shark Hưng cũng từ chối đầu tư.
"Mồi ngon" với Shark Bình sau Bánh mì Xin Chào, Shark Phi Vân hứa hẹn sẽ ký hợp đồng nhượng quyền master tới 1 triệu USD/quốc gia
Chia sẻ trước hội đồng đầu tư, Duy cho biết vốn đầu tư của Machi Ramen ở mức 3,6 tỷ đồng, đầu tư một quán hết chừng 600 - 800 triệu đồng. Mỗi tô mì thủ công bán ra ở mức 89.000 - 109.000 đồng, Cost of good sold- chi phí giá thành - chiếm 28 - 30%.
Startup cũng đã đầu tư 500 triệu đồng cho xưởng sản xuất mì đông lạnh, công suất 300 sản phẩm/ngày, có thể mở rộng tới 1.000 sản phẩm/ngày. Duy cho biết đã có nhà đầu tư Nhật quan tâm. Anh dự kiến sẽ gọi 1,5 triệu USD tiếp theo từ nhà đầu tư Nhật.
Bày tỏ hứng thú với startup mảng F&B này, Shark Bình cho biết deal năm ngoái của ông với Bánh mì Xin Chào rất thành công. Với thế mạnh của NextTech trong bán hàng D2C (Direct to Consumer - bán hàng trực tiếp tới người dùng cuối), vị cá mập muốn offer 2,5 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần để sau này "dắt tay nhau cùng đi Nhật gọi vốn".
Trong khi đó, với thế mạnh của mình, Shark Phi Vân bày tỏ muốn scale Machi Ramen thành chuỗi.
"Ramen đang hot ở tất cả các nước. Tôi thấy được tiềm năng của một chuỗi ramen giá bình dân dành cho phân khúc mass", Shark Vân nói. Chị offer mức đầu tư 2,5 tỷ đồng cho 35%, đồng thời hứa hẹn ký 1 hoặc 2 hợp đồng nhượng quyền quốc tế master cho cả quốc gia, mỗi deal sẽ khoảng từ 500.000 USD tới 1 triệu USD.
Mong muốn có sự đồng hành của cả vị cá mập mạnh về kênh phân phối lẫn cá mập nhượng quyền, startup chốt deal thành công với Shark Phi Vân và Shark Bình, với mức đầu tư 2,5 tỷ đồng đổi lấy 25% cổ phần.
An ninh tiền tệ