MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Deal Vinamilk lần này lớn nhất Đông Nam Á năm 2016 nhưng có thể làm tốt hơn"

12-12-2016 - 11:35 AM | Doanh nghiệp

Nhiều người cho rằng, cuộc thoái vốn lần này của SCIC là thất bại lớn. Còn trên góc độ là những nhà tư vấn thực hiện thương vụ này, theo VinaCapital, có thể coi là một thành công trong điều kiện kinh tế Việt nam và tình hình chung hiện tại.

Chiều nay, phiên đấu giá mua cổ phần Vinamilk (VNM) mà SCIC thoái vốn sẽ chính thức được diễn ra tại Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSX). Thương vụ thoái vốn này cuối cùng ế đến 1/3, khác xa sự mong đợi sẽ “hot” hàng mà nhà đầu tư nghĩ trước đây.

Nhiều người cho rằng, cuộc thoái vốn lần này là thất bại lớn. Còn trên góc độ là những nhà tư vấn thực hiện thương vụ này, VinaCapital nói rằng: “Cốc nước có thể một người xem là vơi một nửa, người kia xem là đầy một nửa”, thương vụ thoái vốn Vinamilk, theo VinaCapital, có thể coi là một thành công trong điều kiện kinh tế Việt nam và tình hình chung hiện tại:

-Đây là deal lớn nhất Đông Nam Á trong năm 2016 và được thực hiện trong thời gian rất ngắn (2,5 tháng).

-Với mức giá 144.000vnd / cp thì đây cũng là 1 trong những thương vụ thoái vốn hiếm hoi tại Đông Nam Á có giá cao hơn thị trường – việc này phản ánh sự quan tâm của nhà đầu tư với VNM và doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong bối cảnh thị trường mới nổi đang rất không ổn định vì nhiều lý do chính trị / kinh tế mang tính toàn cầu. Mức giá này đã ngay lập tức mang lại lợi nhuận cho bên bán (SCIC) 6,7% trên giá thị trường (khoảng hơn 700 tỷ, với tỷ lệ mua 5,4%).

- Đây là 1 khoản đầu tư mới với dòng tiền mới đổ vào doanh nghiệp / thị trường, không phải là 1 khoản tái đầu tư từ lợi nhuận / cổ tức có sẵn trong nước.

Là một trong 3 nhà tư vấn đợt bán vốn lần này, VinaCapital đưa ra 3 điểm có thể làm tốt hơn.

- Thứ nhất: Cần có nhiều thời gian để tập trung vào các nhà đầu tư quốc tế.

- Thứ hai: Cần kỹ thuật bán vốn theo thông lệ quốc tế - book building.

- Thứ ba: Thủ tục ký quý/đặt cọc bằng ngoại tệ, linh hoạt hơn cho các nhà đầu tư.

Về giá, thời điểm báo cáo nghiên cứu được công bố thì giá cổ phiếu VNM giao dịch trên thị trường bình quân 3 tháng đạt trên 150.000 đồng/cổ phiếu và cổ phiếu VNM. Mức giá tối thiểu mà SCIC đưa ra phản ánh những giá trị cơ bản của công ty.

Bên tư vấn Morgan Standley cho rằng quy trình bán vốn lần này đã phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khác nhau của pháp luật và các quy định của Việt Nam. Đây cũng là rào cản lớn khiến đơn vị tư vấn chịu áp lực thời gian ngắn để thiết lập một quá trình xây dựng phù hợp tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì thế, lượng thầu tối thiểu và tối đa đã được thiết lập để đáp ứng thông lệ trong nước và quốc tế. Ngoài ra, đơn vị tư vấn cũng đã phải làm việc để các nhà đầu tư được ký quỹ bằng tiền USD chứ không chỉ là VND.

Morgan Standley cũng cho rằng bối cảnh thị trường hiện tại là một thách thức lớn đối với việc thoái vốn. Nhiều thị trường mới nổi bị ảnh hưởng môi trường vĩ mô và có hiện tượng rút vốn ròng mạnh mẽ. Tuy nhiên, sau tất cả những điều trên, thương vụ bán vốn lần này là thương vụ lớn nhất Đông Nam Á trong năm nay. Các nhà tư vấn khẳng định tin tưởng vào giá trị của Vinamilk và cũng sẽ rút kinh nghiệm, tư vấn cho các lần thoái vốn sau.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên