Đến 04/10/2019, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 8,95%
Toàn nền kinh tế đang vay mượn các ngân hàng 7,85 triệu tỷ đồng...
Tham luận tại Hội nghị Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ ngày 11/10, đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong 9 tháng vừa qua NHNN đã điều hành đồng bộ và linh hoạt các công cụ CSTT để ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, ngoại tệ và kiểm soát lạm phát luôn duy trì ở mức thấp hơn mục tiêu do Quốc hội đề ra (khoảng 4%), góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ đầu năm 2019 đến nay, để tiếp tục góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, NHNN tiếp tục điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, thị trường tiền tệ; Chỉ đạo các TCTD cân đối vốn hợp lý, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Các NHTMNN và một số NHTMCP lớn cũng đã 2 lần công bố giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc áp dụng các chương trình cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, NHNN xây dựng định hướng tăng trưởng tín dụng hàng năm, có sự điều chỉnh theo thực tế, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân;
NHNN cũng quyết liệt triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân và doanh nghiệp như: (i) Chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay song vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, nâng cao khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm; (ii) kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ người dân, DN khắc phục khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng;
Đặc biệt, điểm sáng xuyên suốt hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng thời gian qua là đã tích cực phối hợp với các cấp chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên toàn quốc, gắn với nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương. Từ năm 2014 đến cuối quý 3 năm 2019, toàn quốc đã có gần 1.800 hội nghị, buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức, qua đó tháo gỡ khó khăn cho gần 240 nghìn lượt DN.
Nhờ triển khai đồng bộ các chính sách nêu trên, tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế trong những năm gần đây được duy trì ở mức khá cao: giai đoạn 2015- 2017 đạt 18-19%, 2018 đạt gần 14%, đến 04/10/2019 tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 7,85 triệu tỷ đồng, tăng 8,95%. Cơ cấu tín dụng tiếp tục dịch chuyển vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên là động lực của tăng trưởng kinh tế như: Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng, tăng 11,42% so với cuối năm 2018, tăng cao hơn mức tăng trưởng tín dụng chung với tỷ trọng gần 19% và trên 196 nghìn doanh nghiệp còn dư nợ; Tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu đạt khoảng 250 nghìn tỷ đồng, tăng 13,2%; Tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt hơn 31,7 nghìn tỷ đồng, tăng 22,04%; tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt gần 1,89 triệu tỷ, tăng 6%...
Tại vùng KTTĐ Bắc Bộ, tận dụng lợi thế là vùng kinh tế năng động của khu vực Đồng bằng sông Hồng, với cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại và đồng bộ, năng lực cạnh tranh cao và số lượng doanh nghiệp tăng trưởng mạnh, chiếm tới hơn 28% số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước, các tổ chức tín dụng trên địa bàn các tỉnh, thành phố vùng KTTĐ Bắc Bộ đã phát triển mạng lưới hàng nghìn chi nhánh, phòng giao dịch, tích cực huy động vốn để đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng với số dư huy động bình quân luôn gấp hơn 1,5 lần dư nợ tín dụng.
Tín dụng của khu vực KTTĐ Bắc Bộ những năm qua liên tục tăng và đến cuối tháng 9/2019 đạt 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 8,98% so với 31/12/2018 và chiếm khoảng 33,1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Trong đó, dư nợ đối với ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 35%; dư nợ đối với ngành thương mại và dịch vụ chiếm 61%, phù hợp với định hướng phát triển của khu vực, góp phần phát triển ngành công nghiệp-xây dựng, thương mại – dịch vụ, là các ngành trụ cột tăng trưởng và có mức tăng cao trong cơ cấu kinh tế của vùng.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ đã tổ chức gần 60 hội nghị đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp, qua đó các TCTD đã thực hiện giải ngân cho vay mới đạt khoảng 130 nghìn tỷ đồng cho gần 13 nghìn doanh nghiệp và một số đối tượng khác. Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã thực hiện các hình thức hỗ trợ khác như giảm lãi suất, nâng hạn mức cho vay cho 1.100 doanh nghiệp với tổng dư nợ được hỗ trợ gần 85 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đã tìm kiếm và dành nguồn vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, triển khai nhiều chương trình, sản phẩm, dịch vụ cho doanh nghiệp thuộc các ngành nghề thế mạnh, trọng tâm của khu vực vùng KTTĐ Bắc Bộ như: sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu của DNNVV, chương trình tài trợ chuỗi cung ứng, chương trình tín dụng cho DN siêu nhỏ, DN khởi nghiệp, gói sản phẩm ưu đãi tín dụng ngắn hạn dành cho khách hàng là Tập đoàn, Tổng Công ty, sản phẩm tín dụng tài trợ cho các ngành hàng thuộc lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất kinh doanh… với quy mô các chương trình lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, ngành ngân hàng đã tăng cường áp dụng công nghệ nhằm giảm bớt thủ tục vay vốn tạo thuận lợi cho các khách hàng doanh nghiệp trong tiếp cận vốn, chủ động nghiên cứu đầu tư các sản phẩm dịch vụ hiện đại, đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc giới thiệu, cung cấp các giải pháp tài chính hỗ trợ cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó giúp các doanh nghiệp phát huy lợi thế phát triển sản xuất kinh doanh.