Đến 20% dân số mang vi khuẩn não mô cầu, chuyên gia cảnh báo những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh
Theo các chuyên gia có 5-20% dân số chung là người lành mang vi khuẩn não mô cầu. Loại vi khuẩn này có tính lây truyền cao và gây ra căn bệnh viêm màng não quái ác có thể gây tử vong trong 24 giờ.
- 10-04-202110 thực phẩm bổ "vô địch về trí nhớ" và 7 món "não cá vàng" nên tránh xa
- 07-04-20214 loại thực phẩm là kẻ thù của bệnh nhồi máu não, ăn vào sẽ giảm bớt nguy cơ mắc đột quỵ
- 30-03-20214 thói quen xấu đẩy nhanh cơn nhồi máu não, đáng tiếc rất nhiều người mắc, làm tốt 3 điều thì mạch máu não sẽ biết ơn bạn
Ngày 15/4, Hội Y học Dự phòng Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm thông tin về viêm não Nhật Bản (VNNB) và viêm màng não do não mô cầu, diễn ra tại TP.HCM.
Đây cũng là hoạt động nhằm hưởng ứng Tuần lễ tiêm chủng Thế giới (24-30/04/2021) và Ngày Viêm màng não Thế giới (24/4/2021).
Buổi tọa đàm thông tin về viêm não Nhật Bản và viêm màng não do não mô cầu.
Tại buổi tọa đàm, TS.BS. Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội (Truyền nhiễm), Bệnh viện Nhi Trung Ương chia sẻ, viêm màng não do não mô cầu và VNNB là nỗi "ám ảnh" của cả người dân và nhân viên y tế. Bệnh VNNB chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Trong khi đó viêm màng não do não mô cầu có diễn tiến nhanh, có thể gây tử vong trong vòng 24 giờ.
Triệu chứng sớm của bệnh giống bệnh cúm nên là một thử thách cho việc chẩn đoán đúng bệnh ở giai đoạn mới mắc.
Theo TS Hải, thống kê tại BV Nhi Trung Ương cho thấy trong số các bệnh nhân mắc 2 căn bệnh trên, có 5% trường hợp tử vong, khoảng 40% bệnh nhi để lại di chứng.
Nếu tính cả những trường hợp xuất hiện di chứng sau 1-3 năm khỏi bệnh thì lên đến hơn 50% số bệnh nhân.
Đặc biệt nếu bệnh nhân có tình trạng nhiễm trùng huyết kèm theo thì tỉ lệ tử vong rất cao, khoảng 20-30%.
Đáng chú ý, có 5-20% dân số chung là người lành mang vi khuẩn não mô cầu. Trong khi đó loại vi khuẩn này có tính lây truyền cao và truyền từ người sang người qua giọt bắn hô hấp.
Việc tiếp xúc gần và lâu với người mang trùng như hôn hoặc hắt hơi/ho khiến vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể gây mắc bệnh.
Theo chuyên gia, vi khuẩn não mô cầu có thể cư trú ở vùng hầu họng tất cả lứa tuổi nên ai cũng có thể là bệnh nhân. Nhưng ở trẻ nhỏ và người già thì nguy cơ vi khuẩn xâm nhập lan tỏa cao hơn.
Cụ thể là đối tượng trẻ dưới 5 tuồi, thanh niên từ 14-20 tuổi, những người sống trong khu tập thể đông người và các cơ địa suy giảm miễn dịch.
"Hiện tại nhiều chung cư cao tầng được xây lên. Có những khoảng sân nhỏ dưới đất và phụ huynh thường cho trẻ tập trung rất đông để vui chơi.
Nếu chỉ 1 trẻ nhiễm bệnh thì dễ gây lây nhiễm cho nhiều trẻ khác" - TS.BS Hải nói.
Sân chơi dưới chung cư thường tập trung nhiều trẻ nhỏ.
Thống kê từ năm 2014-2018 của Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho thấy mỗi năm có 50-100 ca viêm màng não được báo cáo.
Có khảo sát cho biết, tại TP.HCM có khoảng 40% người lành mang vi khuẩn não mô cầu.
Ngoài tỉ lệ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời, 20% người bệnh viêm màng não do vi khuẩn não mô cầu sống sót cũng gánh chịu hậu quả nặng nề và vĩnh viễn.
Nói về căn bệnh VNNB, PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa, Giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TP.HCM cho biết bệnh gây hậu quả rất lớn.
Ác nghiệt là di chứng không xuất hiện ngay mà xảy ra muộn nhiều năm sau khi khỏi bệnh.
Di chứng ảnh hưởng tiêu cực đến thể chất và tinh thần bệnh nhân như: rối loạn vận động, co giật, rối loạn nhận thức hay ngôn ngữ.
Điều đáng nói là VNNB do virus gây ra nên không có phương pháp điều trị đặc hiệu. Cách tốt nhất có thể dự phòng chủ động bằng vaccine.
PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa, Viện Pasteur TP.HCM cho biết bệnh VNNB gây hậu quả rất lớn.
Từ 1977 Việt Nam đã có vaccine VNNB làm từ tế bào não chuột. Công nghệ sóng giảm độc lực trong điều chế vaccine giúp cho hệ miễn dịch con người ghi nhớ tốt hơn, giảm số liều tiêm ngừa VNNB chỉ còn 2 liều (1 liều cơ bản và 1 liều lặp lại).
Tuy nhiên nay có sự dịch chuyển tuổi nhiễm bệnh khi các ca bệnh đa số xảy ra ở trẻ lớn hơn 3 tuổi, vì cha mẹ không tiêm vaccine hoặc tiêm không đủ mũi cho con.
TS.BS Đỗ Thiện Hải cho biết thêm, sau 10 năm kể từ mũi tiêm cuối cùng, khả năng bảo vệ của vaccine đã giảm đi 50%.
Các chuyên gia khẳng định, đối với bệnh do não mô cầu và viêm não Nhật Bản, tiêm vaccine đầy đủ và đúng lịch chính là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất.
Phụ huynh cần tham khảo tư vấn của bác sĩ để lựa chọn vaccine phù hợp nhằm bảo vệ bảo thân và gia đình khỏi những hậu quả nặng nề mà bệnh gây ra.
Pháp luật và bạn đọc