MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đến 2020 có thể chỉ còn ba tập đoàn nhà nước

Theo Chính phủ, dự kiến đến 2020 chỉ còn ba tập đoàn kinh tế nhà nước là Dầu khí, Điện lực và Viettel...

Cả nước hiện còn hơn 500 doanh nghiệp nhà nước, dự kiến đến 2020 chỉ còn khoảng 150, chủ yếu là các công ty xổ số, công ích và ba tập đoàn Dầu khí, Điện lực và Viettel.

Đây là thông tin tại báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 .

Nhiều sai phạm

Hoàn thành ngày 24/5, báo cáo mới được gửi đến Quốc hội, phục vụ phiên giám sát tối cao về nội dung trên trong cả ngày 28/5.

Trong hơn 500 doanh nghiệp nhà nước (Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ) theo báo cáo, có 7 tập đoàn kinh tế, 57 tổng công ty nhà nước, 441 doanh nghiệp độc lập thuộc các bộ, ngành, địa phương.

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ còn hiện diện tại 11 ngành, lĩnh vực so với hiện diện trên 60 ngành, lĩnh vực vào năm 2001, đã tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh.

Chính phủ cũng cho biết, theo đề án cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt thì Bộ Quốc phòng chỉ giữ lại 17/88 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 12 công ty cổ phần có vốn góp trên 51% thực sự là các các doanh nghiệp cần thiết cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng.

Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng, doanh nghiệp nhà nước cơ bản thực hiện được vai trò là lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước điều tiết kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực xăng, dầu, điện, than, hàng không, viễn thông, đường sắt, hóa chất, sắt, thép, giấy, phân bón và nhiều mặt hàng thiết yếu đã đi đầu trong việc thực hiện chủ trương cắt giảm đầu tư, chi tiêu, không tăng giá bán sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, góp phần ổn định xã hội, ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Trong khi đó, đoàn giám sát của Quốc hội đánh giá: doanh nghiệp nhà nước chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế cũng như chưa thực hiện được nhiệm vụ dẫn dắt, thúc đẩy các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế khác phát triển, tạo động lực phát triển kinh tế.

Việc quản lý, sử dụng tài sản của doanh nghiệp (bao gồm quyền sử dụng đất) theo Chính phủ thì về cơ bản được thực hiện theo pháp luật quy định nhưng qua công tác thanh tra, kiểm toán nhà nước cho thấy vẫn còn sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng tài sản. Tập trung ở một số khâu như thủ tục đầu tư, mua sắm tài sản cố định không đúng quy định của Nhà nước, sai thẩm quyền, sai đối tượng cho phép, hạch toán không đúng nguồn dẫn đến phản ánh kết quả sản xuất kinh doanh không đúng bản chất thực tế; trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn đến vi phạm quản lý kinh tế và vi phạm pháp luật; huy động, quản lý, sử dụng vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả.

Chính phủ cũng dẫn lại nhận định tại báo cáo của Thanh tra Chính phủ là một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao.

Loạt vi phạm về đất đai

Trong những vi phạm, báo cáo của Chính phủ nêu khá đậm nét về đất đai.

Chính phủ giải thích, do lịch sử để lại nên các doanh nghiệp nhà nước được giao quản lý và sử dụng số lượng diện tích đất rất lớn.

Nhưng, kết quả kiểm toán nhà nước giai đoạn 2011-2016 cho thấy có nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước và doanh nghiêp nhà nước quản lý đất chưa chặt chẽ. Nhiều diện tích đất được sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, bị lấn chiếm, tranh chấp, chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính về đất đai với ngân sách Nhà nước.

Báo cáo nêu rõ, mặc dù pháp luật về đất đai đã có các quy định rà soát, lập phương án sử dụng đất trước khi thực hiện cổ phần hóa. Tuy nhiên, khi tiến hành cổ phần hóa, việc xây dựng và phê duyệt phương án sử dụng đất của toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt còn chậm, nhất là đối với các doanh nghiệp sử dụng đất tại nhiều địa phương đã ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.

Vẫn có một số doanh nghiệp sử dụng nhiều diện tích đất chưa hoàn thành được việc thống nhất phương án sử dụng đất trước khi cổ phần hóa. Một số địa phương chưa kiên quyết trong việc thu hồi đất của một số doanh nghiệp sử dụng không đúng mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai (Tp.HCM, thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa...).

Một số doanh nghiệp cổ phần hóa sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa đất vào sử dụng. Cụ thể như tại Tp.HCM vẫn còn một số trường hợp nhà, đất giao cho doanh nghiệp khi thực hiện sắp xếp, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước nhưng chưa phù hợp với quy hoạch, nên đã chấp thuận cho chủ đầu tư tiếp tục sử dụng trong khi năng lực tài chính yếu kém, dẫn đến việc thống nhất phương án sử dụng đất kéo dài, tiến độ sử dụng đất chậm.

Tại thành phố Hải Phòng vẫn còn một số doanh nghiệp cổ phần sử dụng đất không đúng mục đích theo mục đích sử dụng đất được xác định trong phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa. Có doanh nghiệp tự ý phân đất cho cán bộ, công nhân viên để ở, cho thuê lại hoặc bỏ hoang không sử dụng như: Công ty Cổ phần Xây dựng Ngô Quyền, Công ty Cổ phần Thương mại Minh Khai, Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị trường học Hải Phòng, Công ty Cổ phần Phát hành sách Hải Phòng...

Một số doanh nghiệp sau cổ phần hóa chậm hoàn thiện hồ sơ về đất đai. Cũng vẫn lại là Hải Phòng có tổng diện tích các doanh nghiệp sau cổ phần hóa đang quản lý, sử dụng là 799 ha, tuy nhiên đến nay mới cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 40% diện tích. Còn tại tỉnh Thanh Hóa từ năm 2001 đến nay vẫn còn 21/77 doanh nghiệp chưa lập hồ sơ sử dụng đất.

Theo Hà Vũ

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên