Đến 2030, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên 90%
Đến năm 2030, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên 90%
Tại Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên khoảng 90%.
- 13-01-2023Tiền lương tháng 13, tiền thưởng Tết có phải nộp thuế TNCN hay không?
- 13-01-2023Khởi động chạy đoàn tàu chuyên container Việt Nam - Kazakhstan
- 13-01-202388% công ty tại Việt Nam cho biết sẵn sàng tăng lương cho nhân viên
Ưu tiên phát triển các mặt hàng có quy mô và giá trị
Giai đoạn tới, mục tiêu hoạt động xuất nhập khẩu hướng đến là phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa theo chiều sâu. Chính vì vậy, tại dự thảo đề án Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ, đối với tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xác định tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao (điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ...) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Bên cạnh đó, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.
Trong đó, đối với nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, sẽ giảm dần xuất khẩu đối với khoáng sản quan trọng kể cả dưới dạng tinh quặng. Với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, mở rộng thị trường và thương hiệu hàng hóa của Việt Nam. Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, chất lượng cao và các sản phẩm công nghệ cao.
Đối với cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, dự thảo đề án cũng phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên khoảng 90%, trong đó tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghệ trung bình và cao tăng lên khoảng 70%.
Riêng với các nhóm hàng mới, Bộ Công Thương xác định rà soát các mặt hàng mới, có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu.
Tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu
Để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại, Bộ Công Thương xác định sẽ chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài.
Trong đó, đối với thị trường châu Á – châu Phi, duy trì tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao hơn so với nhập khẩu và kiểm soát nhập siêu từ các thị trường châu Á và đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, nông sản... Tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu có tiềm năng với các sản phẩm Halal sang các thị trường Hồi giáo và sản phẩm Kosher sang thị trường Do thái (Ấn Độ, các nước Nam Á khác và Trung Đông).
Song song với đó, thúc đẩy chuyển nhanh và mạnh sang thương mại chính ngạch đối với các nước có chung đường biên giới gắn với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại. Phấn đấu tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Á chiếm khoảng 46-47% vào năm 2030.
Đối với thị trường châu Âu, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm duy trì vững chắc và mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường Đức, Pháp, Hà Lan, Anh, Italia, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu...
Cùng với việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng xác định sẽ đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn.
Tăng cường quản lý nhập khẩu linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm lợi ích hợp pháp và chính đáng của quốc gia và phù hợp với các cam kết quốc tế. Kiểm soát có hiệu quả gian lận thương mại và nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của doanh nghiệp phù hợp với các cam kết quốc tế. Ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến mà trong nước chưa sản xuất được.
VGP