Đến lúc bỏ hạn mức tín dụng?
Hạn mức tín dụng là một trong những công cụ hành chính rất ít nơi trên thế giới còn áp dụng. Thay vào đó, chúng ta nên tuỳ thuộc vào khả năng và quyết định riêng của từng ngân hàng dựa trên cơ sở năng lực của họ.
- 12-07-2017Luật sư "mách nước" người dân khi tiếp cận dịch vụ tín dụng tiêu dùng
- 11-07-2017Tín dụng tiêu dùng: Kẻ tiên phong là người chiến thắng
- 10-07-2017Ước tính đến hết tháng 6/2017, tín dụng tăng gần 8%
Tại hội thảo “Chính sách tài chính tiền tệ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2017” do Bộ KH&ĐT tổ chức sáng nay (14/7), TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, rủi ro tài chính tiền tệ ở mức cao do tác động của thế giới như việc FED có thể tăng lãi suất thêm 1 lần nữa vào năm 2017 và 2 lần năm 2018.
Trong khi đó, việc theo đuổi mục tiêu tăng trưởng ở mức cao trong ngắn hạn và thiếu các động lực tăng trưởng bền vững sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro với kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính ngân hàng trong dài hạn.
Theo đó, TS. Cấn Văn Lực cho rằng cần triển khai các giải pháp hỗ trợ như mở rộng tăng trưởng cung tiền và tín dụng ở mức hợp lý, từ 16%-18% trong năm 2017, phối hợp chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá đảm bảo mặt bằng lãi suất giảm nhẹ, kiểm soát mặt bằng giá cả,...
Đáng chú ý, chuyên gia đề xuất nên xem xét giảm bớt các phương pháp hành chính, trong đó có việc bỏ hạn mức tín dụng.
“Việc giao chỉ tiêu tín dụng đối với các nhà băng rõ ràng là một biện pháp hành chính. Chúng ta nên điều hành theo cơ chế thị trường, tức bỏ hạn mức này, thay vào đó sẽ kiểm soát chặt chẽ các nhà băng bằng hệ số an toàn vốn CAR. Bởi, tử số của hệ số này chính là vốn chủ sở hữu và mẫu số là tín dụng và đầu tư, theo đó, kiểm soát được hệ số này thì sẽ khả thi hơn và không mang tính hành chính quá nhiều”, ông Lực giải thích.
Qua khảo sát, chuyên gia cho biết, hạn mức tín dụng là một trong những công cụ hành chính rất ít nơi trên thế giới còn áp dụng. Thay vào đó, chúng ta nên tuỳ thuộc vào khả năng và quyết định riêng của từng ngân hàng dựa trên cơ sở năng lực của họ.
Được biết, từ năm 1994, NHNN đã thực hiện hạn mức tín dụng cho 4 NHTM quốc doanh. Sau đó, việc áp dụng hạn mức được mở rộng sang NHTM cổ phần và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn nhằm hạn chế tốc độ cho vay, để kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, do bản chất của hạn mức tín dụng là công cụ điều hành mang tính hành chính, can thiệp trực tiếp và chỉ được phân bổ đối với một số NHTM, nên phần nào hạn chế tính công bằng trong cạnh tranh. Đồng thời, hạn mức này cũng không được điều chỉnh một cách linh hoạt theo tín hiệu thị trường, đã làm ảnh hưởng đến việc đáp ứng nhu cầu về vốn cho nền kinh tế. Do đó, đến năm 1998, NHNN đã quyết định không sử dụng hạn mức tín dụng như là một công cụ thường xuyên trong điều hành chính sách tiền tệ, mà chỉ dùng khi cần hạn chế sự gia tăng tín dụng nhanh chóng, dẫn tới nguy cơ lạm phát cao.
Sau hơn 13 năm được dỡ bỏ, đến năm 2011, công cụ này lại được NHNN sử dụng trong điều hành. Nguyên nhân là do cuộc khủng hoảng hồi 2009 đẩy tăng trưởng tín dụng quá nóng, có những lúc tỷ lệ tín dụng/GDP lên tới 158%, mất kiểm soát về lạm phát nên đến năm 2011, Nhà điều hành đã bắt đầu áp dụng hạn mức tín dụng trở lại.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, khi tình hình đã cơ bản ổn định trở lại, chuyên gia cho rằng, việc bỏ biện pháp này là một trong những lựa chọn đáng bàn.
BizLIVE