MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn "mắc kẹt" phương án tài chính

30-11-2023 - 13:03 PM | Bất động sản

Đến thời điểm hiện tại, cao tốc 12.188 tỷ đồng BOT Bắc Giang đang mắc kẹt về phương án tài chính vì thu không đủ vận hành và trả lãi ngân hàng.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn mắc kẹt với phương án tài chính vốn

"Vỡ" hợp đồng cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

Được biết Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn kết hợp tăng cường Quốc lộ 1 có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, gồm 2 hợp phần, hợp phần Quốc lộ 1 dài 110 km thu phí từ tháng 6/2018 và hợp phần cao tốc dài 64km thu phí từ tháng 2/2020.

Trong đó, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) là đơn vị tài trợ nguồn vốn chủ yếu cho các dự án hạ tầng của Tập đoàn Đèo Cả.

Hiện các tài sản đảm bảo của dự án, bao gồm các quyền thu phí và toàn bộ nguồn thu từ các trạm thu phí, quyền tiếp nhận máy móc thiết bị, các động sản,… thuộc dự án đều được thế chấp tại Vietinbank. Thế nhưng, đáng tiếc là dự án không được triển khai như kỳ vọng dẫn đến vỡ phương án tài chính.

Cụ thể, tại hợp phần 1 tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500 đã được đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 6/2018. Dù dự án đã triển khai đúng tiến độ và lý ra được thu phí theo đúng hợp đồng đã ký.

Tuy nhiên, việc bỏ trạm thu phí Quốc lộ 1 tại Km24+800, khiến doanh nghiệp không được thu phí theo hợp đồng dự án ban đầu dẫn đến giảm nguồn thu khoảng 6.907 tỷ đồng trong cả vòng đời dự án.

Để bù đắp cho nhà đầu tư, tỉnh Lạng Sơn cam kết sẽ bố trí 2.000 tỷ đồng vốn ngân sách để hỗ trợ dự án nhưng đến nay khoản tiền này vẫn chưa được thực hiện.

Về hợp phần xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, Tập đoàn Đèo Cả đã đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 2/2020.

Phía chủ đầu tư cho biết, dù được thu phí, nhưng để hỗ trợ cho người dân trong địa phương xung quanh trạm thu phí Km93+160, nên đã áp dụng vé tháng, vé quý và xe miễn giảm cho hơn 4.200 phương tiện dẫn đến sụt giảm doanh thu thu phí khoảng 46,4% (84 tỷ đồng/năm). Trong 3 năm qua, nhà thầu sụt giảm ước chừng 250 tỷ đồng.

Để tháo gỡ những khó khăn này,  doanh nghiệp dự án (Công ty cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn) kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo UBND tỉnh Lạng Sơn làm việc với Ngân hàng VietinBank điều chỉnh cơ cấu nợ của dự án trong năm 2023 trên cơ sở nguồn thu thực tế hiện nay.

Đồng thời, tiếp tục giải ngân phần tín dụng còn lại không để dự án bị ách tắc; xem xét giảm lãi suất, giãn nợ để phù hợp với các khó khăn mà dự án đang gặp phải.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai sót

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều sai sót tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn như tình trạng giải ngân vốn vay và vốn góp chủ sở hữu chậm so với dự kiến, chưa cập nhật vào phương án tài chính thu nhập từ lãi tiền gửi phát sinh...

Cơ quan kiểm toán cho rằng, ngoài các hạn chế, sai sót chung trong quá trình đầu tư, cơ quan kiểm toán còn chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, BT.

Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2020 do Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh ký gửi Quốc hội chỉ rõ, Hợp đồng BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm ứng cho nhà đầu tư bằng 40%, tương ứng với giá trị phần vốn nhà nước do nhà đầu tư tổ chức thực hiện không đúng quy định.

Một số yếu tố trong phương án tài chính đã thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, song nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa điều chỉnh hợp đồng BOT.

Kiểm toán Nhà nước chỉ ra nhiều sai sót tại BOT cao tốc - Bắc Giang - Lạng Sơn

Tại dự án này, chi phí sửa chữa thường xuyên cũng chưa phù hợp định mức, chi phí trung tu và đại tu chưa phù hợp. Kiểm toán chỉ rõ, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chi phí thường xuyên tăng 0,34 tỷ đồng; chi phí trung tu tăng 41 tỷ đồng; chi phí đại tu tăng 77,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, còn tình trạng giải ngân vốn vay và vốn góp chủ sở hữu chậm so với dự kiến trong phương án tài chính; chưa cập nhật vào phương án tài chính thu nhập từ lãi tiền gửi phát sinh. Đơn cử, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, năm 2019 và 2020 là 10,9 tỷ đồng.

Kiểm toán cho biết thêm, khi dự án xuất hiện nhiều yếu tố thay đổi, ảnh hưởng đến tính khả thi dự án, các bên chưa xem xét, kịp thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh. Dù đã đưa dự án vào vận hành, nhưng các bên chưa thỏa thuận dự toán chi phí quản lý thu phí làm cơ sở thực hiện, chậm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng.

Theo Đinh Tịnh - Quang Minh

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên