Dép lê, những cuộc gặp kín và cách chọn startup để rót vốn chẳng giống ai của "tỷ phú liều ăn nhiều" Masayoshi Son
Mặc dù ông đã xây dựng được 1 nhóm gồm khoảng 200 người giúp ông tìm kiếm và thẩm tra các mục tiêu, Son vẫn trực tiếp gặp mặt từng nhà sáng lập của mỗi công ty mà quỹ Vision nhắm đến trước khi quyết định đầu tư.
- 18-06-2018Ông chủ SoftBank tuyên bố sắp nghỉ hưu, nhà đầu tư lo "rắn mất đầu"
- 22-01-2018Chấp nhận để SoftBank trở thành cổ đông lớn nhất, Uber dẫn hổ vào nhà
- 14-11-2017Chuyện thật như đùa: Hôm qua Uber bảo chốt bán cổ phần cho Softbank, hôm nay Softbank tuyên bố chỉ đang cân nhắc, chưa 'chốt'
Cách đây 2 tuần, Masayoshi Son, tỷ phú Nhật Bản khiến thung lũng Silicon sửng sốt trong 18 tháng qua với những khoản đầu tư khổng lồ vào lĩnh vực công nghệ, đã tổ chức tiệc tối tại nhà hàng Trung Quốc Yomeiden bên trong tòa tháp Prince Park Tower của Tokyo.
Bữa tối diễn ra đúng dịp SoftBank World – hội nghị thường niên có khách mời là các khách hàng và nhà cung ứng của công ty. Tuy nhiên, những người tham dự bữa tối đặc biệt đều là lãnh đạo các startup đã nhận vốn từ Vision Fund, quỹ đầu tư trị giá 100 tỷ USD của Son.
Tỷ phú Nhật Bản phát đi 1 thông điệp tới các nhà sáng lập đang chăm chú dõi theo ông trên sân khấu: giờ các bạn đã là thành viên của 1 gia đình, có nghĩa là các bạn được kỳ vọng sẽ giúp đỡ lẫn nhau.
Theo nguồn tin từ những người tham dự bữa tối đó, Son đã khuyến khích những người nhận vốn của ông hãy làm việc cùng nhau, kể cả chia sẻ với nhau những thương vụ thuận lợi để có thể tăng trưởng nhanh hơn. Sau đó bữa tối biến thành 1 sự kiện networking giúp mọi người kết nối với nhau và bàn về những hợp đồng trong tương lai.
Son cũng thông báo rằng Vision Fund đã đạt được mức lợi suất đầu tư (ROI) đáng nể 60% trong năm đầu tiên tồn tại.
Cũng trong ngày hôm đó, Son cùng với các thành viên trong đội Vision Fund có cuộc gặp riêng tư kéo dài 45 phút – 1 tiếng với nhiều CEO. Son cập nhật thông tin và hối thúc họ hãy mở rộng hoạt động kinh doanh nhanh nhất có thể. Đều đặn hàng quý, Son đều tổ chức các cuộc gặp mặt như vậy ở nhiều nơi khác nhau tại Mỹ và Nhật Bản.
Với 100 tỷ USD trong tay, Vision Fund đã rót vốn vào khoảng 30 công ty. Khoản đầu tư nhỏ nhất cũng xấp xỉ 100 triệu USD, vào những công ty như Nauto và Brain Corp. Khoản lớn nhất là gần 10 tỷ USD rót vào Uber.
Cho đến nay thì chính bản thân Son vẫn là linh hồn của quỹ. Mặc dù ông đã xây dựng được 1 nhóm gồm khoảng 200 người giúp ông tìm kiếm và thẩm tra các mục tiêu, nhà sáng lập 60 tuổi của gã khổng lồ viễn thông SoftBank vẫn trực tiếp gặp mặt từng nhà sáng lập của mỗi công ty mà quỹ Vision nhắm đến trước khi quyết định đầu tư. Thường thì các nhà sáng lập sẽ nhận được 1 cuộc gọi nhắn nhủ: "Masa muốn gặp cậu vào ngày mai", và họ được mời tới Tokyo.
Những người hiểu biết về Son luôn nhận xét ở ông có 1 năng lượng cực lớn và khao khát đạt được thứ gì đó bằng mọi giá. Dường như tính cách của ông chịu tác động từ việc là 1 người gốc Hàn Quốc lớn lên ở Nhật Bản và bị kỳ thị, bắt nạt. Cuộc đời của Son có quá nhiều thăng trầm: từng là người giàu nhất thế giới năm 2000 trước khi mất 90% tài sản khi bong bóng vỡ. Được hỗ trợ bởi khoản đầu tư trúng lớn vào Alibaba, Son 1 tay gây dựng lại cơ đồ và một lần nữa lọt vào nhóm những người đàn ông giàu nhất thế giới. Hiện SoftBank có giá trị vốn hóa gần 100 tỷ USD.
Tuy nhiên, Vision Fund – với các cổ đông góp vốn lớn nhất là các quỹ đầu tư quốc gia Saudi Arabia và Abu Dhabi, cùng với những ông lớn như Apple, Hon Hai và Qualcomm – đã khuấy đảo giới công nghệ kể từ khi ra đời 1 năm trước.
Người đàn ông đi dép lê với tách trà trên tay
Son thường gặp các nhà sáng lập tại biệt thự của ông ở Woodside, California. Năm 2013, báo chí rộ lên thông tin Son vừa mua ngôi nhà này với giá 117 triệu USD, là 1 trong những ngôi nhà đắt đỏ nhất từng được mua ở Mỹ. Từ ngoài đường khó có thể nhìn thấy căn biệt thự. Khách sẽ đợi bên ngoài cổng và được vệ sĩ dẫn vào. Đến cửa, 1 vệ sĩ khác xuất hiện để đưa khách vào bên trong. Họ phải cởi giày để đi dép lê. Son chào đón các vị khách của mình bằng 1 cái cúi gập người đúng như truyền thống của Nhật Bản.
Mohit Aron, nhà sáng lập của công ty lưu trữ dữ liệu Cohesity, nhớ lại anh được dẫn vào 1 phòng họp được trang trí bằng những thứ đồ gỗ tinh xảo. Trên tường gắn 1 chiếc tivi lớn, Aron trình bày bài thuyết trình về công ty của mình trên đó.
Startup của Aron đã được thẩm tra trong vòng 2 tháng, trong đó người của Vision Fund chuyện trò với các lãnh đạo, chuyên gia phân tích, thành viên hội đồng quản trị và cả các khách hàng của công ty. Bài thuyết trình kéo dài khoảng 1 giờ đồng hồ của Aron là bước cuối cùng để Son ra quyết định. Son dành phần lớn thời gian để lắng nghe và cũng đưa ra một vài câu hỏi.
Aron đoán Son muốn tìm kiếm 1 nhà lãnh đạo công ty có tham vọng cực lớn. May cho Aron là Son hài lòng với câu trả lời của anh. Ông đập tay xuống bàn và nói "hãy cùng làm nào", sau đó bắt tay Aron và chào tạm biệt. Sau này Aron mới hiểu rõ tầm quan trọng của cái bắt tay trong văn hóa kinh doanh của người Nhật, hành động có ý nghĩa thỏa thuận đã đạt được.
Tháng trước Aron gặp lại Son 1 lần nữa, và tỷ phú Nhật Bản đã trở nên cởi mở hơn, đưa cho anh rất nhiều gợi ý về cách hợp tác với các công ty khác trong danh mục đầu tư của Vision.
Cách đầu tư mạo hiểm chẳng giống ai của Vision Fund
Trước khi Vision Fund gây tiếng vang, không nhiều người trong cộng đồng startup ở thung lũng Silicon biết đến Son. Nauto là một trong những công ty đầu tiên được Son đầu tư. Heck biết tin Son đang quan tâm đến công ty của mình thông qua Andy Rubin – cựu lãnh đạo Google giờ đang là 1 nhà đầu tư thiên thần.
"Tôi nhận được cuộc gọi của Andy vào khoảng 4 giờ chiều. Ông ấy nói hãy bỏ mọi việc qua 1 bên và ngày mai bay tới Nhật. Với lịch trình dày đặc các cuộc gặp với khách hàng, tôi đã lưỡng lự hỏi Andy đó có phải là điều nên làm hay không. Nhưng Andy nói rằng có những người sẵn sàng đợi cả cuộc đời để được gặp Masa. Vì thế tôi hủy mọi lịch trình và nhảy lên máy bay. Khoảng 1 hay 2 tiếng sau khi hạ cánh, tôi gặp Masa".
Giống như Aron, Heck hoàn toàn không quen với phong cách làm việc của Son. Anh đã mắc lỗi trang phục khi mặc 1 chiếc áo choàng với quần âu dù trước đó Rubin đã nhắc anh nên mặc quần bò. "Masa ăn mặc rất thoải mái, với đôi dép đi trong nhà và trên tay cầm 1 tách trà", Heck nhớ lại.
Hai người có cuộc thảo luận kéo dài 1 giờ đồng hồ trong căn phòng họp rộng lớn. Son nói về tính vi mô trong startup của Heck và tiềm năng nó có thể nhân rộng nhanh chóng ra sao. Ông chia sẻ những thành công và thất bại từ kinh nghiệm của bản thân. "Ông ấy đã "quay" tôi trong 1 giờ. Son muốn bạn đi càng nhanh càng tốt và bạn phải trở thành số một".
Cách đầu tư của Son khác xa so với hầu hết các nhà đầu tư mạo hiểm khác. Theo Dave Grannan, đồng sáng lập kiêm CEO của Light, công ty đã nhận 100 triệu USD từ Vision Fund tháng 7 năm ngoái, trong khi các quỹ khác đặt cược và hi vọng sẽ đào được một mỏ vàng, chiến lược của Son dường như lai giữa đầu tư mạo hiểm và 1 công ty truyền thống đang muốn đa dạng hóa. Quỹ đầu tư mạo hiểm truyền thống sẽ nghĩ rằng chỉ có 1 hoặc 2 công ty sống sót, số còn lại sẽ chết nhưng Son muốn mọi công ty đều hoạt động tốt. Và các startup trong danh mục có thể hỗ trợ lẫn nhau giống như trong 1 hệ sinh thái.
Đối với Grannan, điều đó có nghĩa là những chiếc camera độ phân giải cao của anh có thể được sử dụng trong ô tô của Uber, Ola, Grab và Didi Chuxing – tất cả đều đã nhận vốn đầu tư của Vision Fund.
Nhiều người lo ngại quy mô khổng lồ của Vision Fund sẽ khiến giá trị của các công ty công nghệ bị thổi phòng và dẫn đến bong bóng dot-com tiếp theo. Nhưng không có công ty đầu tư mạo hiểm nào thôi thúc mối quan hệ không ma sát giữa các startup trong danh mục như Vision và chính bản thân Softbank. Về lý thuyết thì đó là mối quan hệ win-win cho Son và các khoản đầu tư của mình - các công ty trong danh mục có thể chọn lựa khách hàng và đối tác, và Son sẽ hưởng lợi khi tất cả các công ty đều phát triển.
Quan điểm này xuất phát từ khái niệm keiretsu của Nhật Bản, cấu trúc trong đó các doanh nghiệp sở hữu cổ phần chéo của nhau để thuận tiện cho các kế hoạch phát triển dài hạn và phát huy khả năng hợp tác, tương trợ lẫn nhau. Tuy nhiên, keiretsu cũng có mặt xấu: có thể dẫn đến giảm khả năng, động lực cạnh tranh của các bên và rắc rối có thể lây lan trong toàn bộ hệ thống.