Dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 39 tỷ USD trong năm 2021
Ngành dệt may Việt Nam đặt mục tiêu trong năm nay sẽ hướng tới xuất khẩu đạt 39 tỷ USD.
- 05-01-2021Nhiều tiềm năng hợp tác dệt may giữa Việt Nam và Ấn Độ
- 14-12-2020Dệt may và da giày có nhiều cơ hội bứt phá sau dịch Covid-19
Đây là mức kế hoạch cao tương đương với năm 2019, nhanh hơn thị trường chung từ 9 tháng đến 2 năm.
Trong năm 2020, ngành dệt may Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi các yếu tố bên ngoài, như đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại Mỹ -Trung Quốc, xu hướng bảo hộ mậu dịch, nước Anh rời khỏi EU… Do đó, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt khoảng 35 tỷ USD.
Riêng Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) năm 2020 có doanh thu hợp nhất đạt 15.516 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch; lợi nhuận hợp nhất đạt 628,9 tỷ đồng, đạt 164,8% kế hoạch.
Theo dự báo, thị trường dệt may phục hồi nhu cầu về mức của năm 2019, sớm nhất là quý II/2022 và chậm nhất là quý IV/2023. Chính vì vậy, 2021 vẫn còn là năm thị trường dệt may tiếp tục khó khăn.
Đáng chú ý, trong năm nay, nhiều đặc điểm mới của chuỗi cung ứng sẽ được thiết lập như: xu thế giảm giá chi phối toàn thị trường; hàng hóa dệt may đơn giản thay thế hàng thời trang, dẫn tới nhiều năng lực sản xuất dư thừa nhưng năng lực mới lại thiếu hụt; mô hình kinh doanh online, giảm trung gian, đòi hỏi quản trị và giao tiếp số với toàn bộ các thành phần của chuỗi cung ứng…
Theo dự báo, thị trường dệt may phục hồi nhu cầu về mức của năm 2019, sớm nhất là quý II/2022 và chậm nhất là quý IV/2023. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Vinatex kiến nghị, để đạt được mục tiêu ngành dệt may đã đề ra trong năm 2021, bên cạnh quyết tâm của doanh nghiệp, Chính phủ tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, lãi suất; đồng thời tiếp tục giảm lãi suất vay dài hạn, vì năm 2021 bắt đầu vào chu kỳ đầu tư đáp ứng các yêu cầu mới hậu COVID-19, cũng như đầu tư sản xuất nguyên liệu phục vụ đáp ứng quy tắc xuất xứ của các FTA.
Đặc biệt, Chính phủ cần có chính sách cụ thể cho phát triển công nghiệp hỗ trợ dệt may, kể cả không gian phát triển và các điều kiện kích thích phát triển. Các địa phương ủng hộ ngành dệt may phát triển trên nguyên tắc bền vững, sản xuất sạch mà doanh nghiệp dệt may phải tuân thủ theo quy ước toàn cầu của chuỗi cung ứng.
Chính phủ tiếp tục chỉ đạo tiết giảm được chi phí ngoài sản xuất, nhất là các chi phí logistics thông qua quy hoạch mạng lưới logistics quốc gia, cùng các chi phí thuế quan khác.
Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả các FTA thông qua hướng dẫn sớm nhất các quy trình đáp ứng Quy tắc xuất xứ, có cổng thông tin tra cứu lợi ích từ các FTA.
VTV