MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may “đói” lao động

Dệt may “đói” lao động

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý III năm nay. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này lại đối mặt với nỗi lo mới, đó là thiếu lao động cho sản xuất.

Đơn hàng dồi dào, kết hợp với những lợi thế trên thị trường xuất khẩu đã giúp dệt may Việt Nam dần hồi phục. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng hơn 13%.

Tổng Công ty May 10 cần hơn 12.000 lao động, nhưng từ sau Tết Nguyên đán, khoảng 1.000 công nhân đã nghỉ việc. Trong khi, năng lực sản xuất của doanh nghiệp đạt 2 triệu sản phẩm 1 tháng. Dự kiến, lượng hàng được đặt sẵn trong quý III của công ty sẽ vượt quá năng lực sản xuất nếu doanh nghiệp không có khả năng tuyển đủ nhân sự.

"Đến hết quý I/2021, số lao động chúng tôi tuyển vào tương đương 10%, số lao động nghỉ việc cũng tương đương 10%, thậm chí là nhiều hơn", Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt cho hay.

"Hiện nay, lượng lao động dệt may nghỉ việc rất lớn. Trong khi đơn hàng thì nhiều, lao động thì thiếu", Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Vitas Vũ Đức Giang chia sẻ.

Với ngành may, công nhân sẽ cần ít nhất 6 tháng để học việc, khoảng thời gian dài nhưng mức lương lại thấp hơn với ngành nghề khác như: sản xuất điện tử hoặc cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, đặc thù công việc phải tăng ca cũng như môi trường dệt nhuộm có nhiều ảnh hưởng sức khỏe cũng là điều khiến ngành này khó hút nhân sự.

Đi kèm với mức đãi ngộ hấp dẫn, thậm chí giải pháp trước mắt đang được doanh nghiệp dệt may trong nước thực hiện là tuyển dụng lao động tay nghề thấp, kể cả không có tay nghề để vừa sản xuất, vừa đào tạo nhằm giải quyết các đơn hàng nhưng tình hình vẫn không mấy khả quan.

Theo chuyên gia, quan trọng hơn hết là các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng của cơ sở vật chất, đảm bảo sức khỏe cho công nhân để ngành này thu hút nhân sự trong bối cảnh dịch chuyển lao động như hiện nay; đồng thời tạo động lực để công nhân cống hiến sức lao động nhiều hơn cho doanh nghiệp.

Theo Hải Vân, Chu Linh

VTV.vn

Trở lên trên