Dệt may Gilimex (GIL) rót thêm hơn trăm tỷ vào 2 công ty bất động sản
Về GIL, Công ty hiện hoạt động chính trong mảng dệt may và mở rộng sang lĩnh vực BĐS, đặc biệt là BĐS khu công nghiệp. Tại cuộc họp ngày 5/11, ban lãnh đạo GIL cho biết hiện tại Công ty đã trở lại hoạt động bình thường với công suất 100%.
HĐQT CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) vừa thông qua chủ trương góp thêm vốn 80 tỷ đồng vào CTCP Đầu tư Mỹ Khang và 46 tỷ đồng vào CTCP Bất động sản Hưng Khang. Nếu hoàn tất, GIL sẽ nâng sở hữu tại 2 công ty con lên trên 99,99% vốn.
Mục đích rót thêm vốn cũng nhằm bổ sung vốn lưu động cho 2 đơn vị này. Trong đó, Mỹ Khang hiện có vốn điều lệ 5 tỷ đồng, còn Hưng Khang có vốn điều lệ 14 tỷ đồng. Cả 2 doanh nghiệp đều kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.
Về GIL, Công ty hiện hoạt động chính trong mảng dệt may và mở rộng sang lĩnh vực BĐS, đặc biệt là BĐS khu công nghiệp. Tại cuộc họp ngày 5/11, ban lãnh đạo GIL cho biết hiện tại Công ty đã trở lại hoạt động bình thường với công suất 100%.
Nếu tình trạng giãn cách xã hội không xảy ra thêm một lần nữa thì dự báo lợi nhuận quý 4 sẽ trở lại mức bình thường trước dịch. Triển vọng tới năm 2022, kết quả kinh doanh sẽ tăng trưởng tốt hơn năm nay.
Kỳ vọng đến hết năm 2022, mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ được bàn giao 460 ha đất sạch và có những khách hàng đầu tiên. Doanh nghiệp cũng đang chờ chính quyền Bình Dương cấp phép cho các dự án khách sạn khu công nghiệp sau khi tỉnh trở lại hoạt động bình thường.
Ngoài ra, mảng robotic vẫn đang được phát triển và được đánh giá là rất tiềm năng.
Một nội dung đáng chú ý là việc cổ đông GIL đã thông qua phương án phát hành 16,8 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng tỷ lệ phát hành 38,89%. Giá phát hành là 35.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu về dự kiến khoảng 588 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng lên mức 600 tỷ đồng.
Cổ phiếu phát hành riêng lẻ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm. Nguồn vốn thu được dự kiến sẽ được dùng để góp vốn vào các công ty con, công ty liên kết; thanh toán nợ vay Ngân hàng Quân Đội (MBBank); thưởng người lao động; và trả tiền nhà cung cấp.
Gilimex cũng đã công bố danh sách 34 nhà đầu tư tham gia đợt chào bán riêng lẻ này, phần lớn là cổ đông cá nhân hiện hữu.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu GIL sau phiên tăng kịch trần lên mức đỉnh mới 73.200 đồng/cổ phiếu (phiên 7/11) đã quay đầu điều chỉnh; chốt phiên 2/12 tại mức 66.3.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tăng 112% kể từ đầu năm.
Trước đó, GIL đã công bố BCTC quý 3 với việc doanh thu giảm 31% so với cùng kỳ xuống 629 tỷ đồng, chủ yếu do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Kết quả, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm mạnh 79% xuống còn hơn 18 tỷ đồng – mức lãi theo quý thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị