Dệt may tiếp tục đối diện với thiếu đơn hàng, xuất khẩu sụt giảm
Không chỉ gặp khó khăn về số lượng đơn hàng, đơn giá hàng cũng bị giảm tới 40 - 50% khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may chật vật duy trì sản xuất đảm bảo mục tiêu xuất khẩu.
- 23-09-2022Dệt may tăng tốc xuất khẩu
- 22-08-2022Dệt may “ăn đong” đơn hàng
- 04-08-2022Thách thức nguồn lao động ngành dệt may
Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, triển vọng đơn hàng quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may Việt Nam không mấy khả quan. Thực tế số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25-50% so với quý II/2022, tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.
Ăn đong đơn hàng
Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM Phạm Xuân Hồng nhận xét, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may tăng trưởng chủ yếu rơi vào các tháng đầu năm. Nhưng từ tháng 7/2022 tới nay, các DN đang rất khó khăn, nhiều DN dệt may ở khu vực TP.HCM đang sụt giảm đơn hàng mạnh tập trung vào thị trường Mỹ, EU bởi sức ép lạm phát lớn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu.
"Không chỉ gặp khó khăn về số lượng đơn hàng, đơn giá hàng dệt may cũng bị giảm hơn 20%, thậm chí có đơn hàng giảm tới 40 - 50%. Trong 10 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu của đơn vị tăng khoảng 8% so cùng kỳ năm 2021, song các đơn hàng bị thiếu do đối tác dịch chuyển sang những thị trường có giá nhân công rẻ, thuế suất thấp như Bangladesh, Myanmar, châu Phi,...", ông Hồng cho biết.
Không chỉ gặp khó khăn về số lượng đơn hàng, đơn giá hàng dệt may cũng bị giảm.
Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, đối với Hugaco, ngược với 2 quý đầu năm lượng đơn hàng dồi dào, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 15 - 20%/tháng. Nhưng từ tháng 7/2022 trở đi, đơn giá và lượng hàng có xu hướng giảm dần, khiến DN đối diện với rất nhiều khó khăn.
“Phần lớn DN dệt may đang trong tình trạng “đói đơn hàng”, chỉ số ít DN uy tín, bảo đảm chất lượng, thời gian cung ứng sản phẩm tốt mới duy trì được ổn định sản xuất. Đơn hàng hiện có của DN đến hết tháng 11 và nửa tháng 12, số thiếu hụt còn lại có thể bù đắp bằng việc nhận đơn hàng nhỏ của Hàn Quốc và một số thị trường khác như Nhật Bản, Trung Quốc”, ông Dương chia sẻ.
Thiếu đơn hàng và giá trị xuất khẩu giảm sâu đang khiến nhiều DN dệt may khó khăn trong duy trì hoạt động sản xuất và giữ chân người lao động. Tổng Giám đốc Công ty CP Dệt lụa Nam Định Đào Văn Phương cho biết, thị trường dệt may năm nay có nhiều biến động, nhưng bằng sự linh hoạt trong công tác điều hành, dự kiến doanh thu của đơn vị vẫn duy trì như năm 2021, đạt khoảng 450 tỷ đồng, cổ tức dự kiến chia 20%. “Thời gian tới, đơn vị tiếp tục đầu tư, đổi mới thiết bị, nâng cao công tác quản trị,... nhằm hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh với các loại vải nhập khẩu”, ông Phương dự kiến.
Xác định khó khăn về thị trường, nguồn hàng cũng như quy mô và đơn giá đều giảm từ đầu quý III/2022, Tổng Giám đốc Công ty may Đáp Cầu Lương Văn Thư nhìn nhận, đơn hàng tại những thị trường chính như Mỹ, châu Âu năm nay đã giảm tới 50%. “Hiện DN đang rất nỗ lực, theo dõi sát sao sự chuyển động của thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may từ đó lập kế hoạch kinh doanh sao cho phù hợp”, ông Thư cho biết.
Cơ hội cho mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD
Thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay, nếu trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu dệt may ước đạt 35 tỷ USD, tương đương bình quân mỗi tháng đạt 3,7 - 3,8 tỷ USD. Nhưng dự kiến 3 tháng cuối năm, với tình hình lạm phát và lượng tồn kho tăng cao, ngành dệt may Việt Nam đối diện rất nhiều khó khăn về giá và đơn hàng sụt giảm, bình quân chỉ xuất khẩu được khoảng 3,1 - 3,2 tỷ USD/tháng.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Cao Hữu Hiếu đánh giá, ngay từ đầu quý III, lượng đơn hàng và giá có xu hướng giảm mạnh khiến DN dệt may gặp không ít thách thức trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, do nhận định tình hình và dự báo các tín hiệu của thị trường khá chính xác, nên lãnh đạo Tập đoàn đã định hướng, lưu ý các đơn vị sản xuất tình huống xấu từ sớm để có biện pháp đối phó.
Qua đó, doanh thu hợp nhất trong 9 tháng của Tập đoàn vẫn đạt 14.000 tỷ đồng, bằng 79% kế hoạch, lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 1.150 tỷ đồng, cao hơn 24% so kế hoạch. Mặc dù vậy, trong quý IV/2022, do lạm phát tăng cao và lượng tồn kho lớn tại các thị trường xuất khẩu chủ lực, khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN thời điểm cuối năm bị ảnh hưởng nặng nề, song Tập đoàn kỳ vọng ngành dệt may vẫn có cơ hội cán đích mục tiêu xuất khẩu 43 - 44 tỷ USD trong cả năm 2022.
Hiệp hội dệt may khuyến cáo các DN không nên quá lo lắng ký đơn hàng dài hạn với giá thấp.
Cùng với tình trạng sụt giảm đơn hàng, biến động tỷ giá cũng đang tác động nhiều chiều lên DN dệt may. Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, đồng USD tăng cao so với VND khiến DN xuất khẩu thu về USD và quy đổi sang VND có lợi. Ở chiều ngược lại, DN nhập khẩu nguyên phụ liệu lại đang bất lợi, đặc biệt trong bối cảnh ngành dệt may Việt Nam hiện đang nhập khẩu với tỷ lệ khá lớn nguyên phụ liệu, nhất là vải.
Ông Trương Văn Cẩm lưu ý, thời gian tới các DN trong ngành dệt may cần theo dõi sát tình hình, lựa chọn đơn hàng phù hợp, duy trì sản xuất, đảm bảo việc làm cho người lao động trong thời gian trước mắt; không nên quá lo lắng ký đơn hàng dài hạn với giá thấp.
“Đối phó với khó khăn, các DN có thể áp dụng nhiều giải pháp như cho người lao động nghỉ phép, giảm giờ làm thêm; DN tận dụng thời gian triển khai các chương trình theo yêu cầu của các thị trường xuất khẩu như xanh hoá, số hoá; đối thoại với đối tác để chia sẻ khó khăn, xây dựng mối quan hệ lâu dài, tin cậy…”, ông Cẩm khuyến cáo./.
VOV