MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may tìm chỗ dựa ở sân nhà

Dệt may tìm chỗ dựa ở sân nhà

Ngành dệt may đang chật vật giành lại vị thế trên sân nhà trong lúc xuất khẩu vẫn chưa khả quan

Kim ngạch xuất khẩu dệt may trong tháng đầu năm tiếp tục giảm mạnh tới 38,5% so với cùng kỳ năm ngoái, với 2,6 tỉ USD. Triển vọng từ thị trường thế giới vẫn chưa có nhiều sáng sủa, buộc các doanh nghiệp (DN) may mặc tăng tốc đầu tư nghiên cứu phát triển sản phẩm, mở rộng hệ thống phân phối, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, tiếp thị nhằm gia tăng sự hiện diện tại thị trường trong nước.

Tăng tốc mở rộng

Là một trong số ít DN tạo dựng được uy tín thương hiệu tại thị trường nội địa với hơn 20 nhãn hiệu thời trang thương hiệu May10 Expert, May10 Classic, Eternity GrusZ, Cleopatra..., năm 2022, Tổng Công ty May 10 đã mở rộng thêm quy mô và năng lực sản xuất, khánh thành dự án mở rộng năng lực sản xuất Xí nghiệp May Hưng Hà và Xí nghiệp May Bỉm Sơn. Đồng thời ra mắt 2 dòng sản phẩm mới phục vụ thị trường trong nước là DeTheia (dòng sản phẩm cao cấp dành cho nữ giới) và Generos (dành cho giới trẻ, phân khúc khách hàng hiện đại), bước đầu được khách hàng đón nhận tích cực. Ông Thân Đức Việt, tổng giám đốc, cho hay tổng công ty vẫn đang nỗ lực hoàn thiện các sản phẩm, dịch vụ để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm tốt nhất. Đến nay, sản phẩm của May 10 đã có mặt tại 60 cửa hàng, trung tâm thời trang và hơn 200 đại lý trên toàn quốc. Năm 2023, May 10 tiếp tục duy trì và nâng tỉ trọng hàng hóa tiêu thụ trong nước.

Tổng Công ty CP May Việt Tiến cũng vừa khai trương đưa vào hoạt động Trung tâm Viettien Mall tại quận 12, TP HCM hồi cuối năm 2022. Khác với chuỗi cửa hàng Viettien House bày bán sản phẩm các thương hiệu của Việt Tiến, Viettien Mall bán các sản phẩm của các công ty con và cả những thương hiệu quốc tế thuộc nhiều phân khúc như hàng công sở, dạo phố, quần áo thể thao, hoạt động dã ngoại, đồ mặc trong nhà... Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT tổng công ty, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tự tin chất lượng sản phẩm của Việt Tiến đã bắt nhịp xu thế thời trang của thế giới nói chung, khẳng định vị thế, uy tín trên toàn cầu cũng như thị trường trong nước.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, Tổng Giám đốc Việt Thắng Jean (VitaJean), cho hay mức tăng trưởng doanh thu nội địa khoảng 300% trong năm 2022 đang thôi thúc quyết tâm "đánh" mạnh về sân nhà của DN. Theo ông, hiện doanh thu từ nội địa chỉ chiếm vài % tổng doanh thu nhưng trong lúc các thị trường xuất khẩu bị đình trệ, nguồn thu từ nội địa giúp DN trang trải nhiều chi phí. "Công ty đặt mục tiêu nâng thị phần nội địa từ 2%-3% hiện nay lên 5% trong năm 2023 và sẽ đạt 7% trong năm 2024" - ông Việt thông tin.

Tại thị trường phía Bắc, những thương hiệu thời trang Paul Downer, DGC, S.Pearl, HeraDG, Forever Young… của Tổng Công ty Đức Giang tiêu thụ khá tốt. Chuỗi cửa hàng may đo veston thương hiệu Smart Suits Tailor Shop của DN này cũng đã khẳng định được chỗ đứng và xây dựng tệp khách hàng riêng. Trước đó, DN này đã đầu tư mạnh cho khâu sản xuất, hợp tác với nước ngoài để tiếp thu kỹ năng chuyển giao công nghệ quản lý sản xuất, phát triển sản phẩm mới, thay vì chỉ tập trung cho thị trường xuất khẩu.

Dệt may tìm chỗ dựa ở sân nhà - Ảnh 1.

Sản xuất hàng dệt may tại Tổng Công ty May Việt Tiến. Ảnh: TẤN THẠNH

Nhiều thách thức

Dù vậy, "làn sóng" về lại sân nhà của nhiều DN may mặc xuất khẩu lại đang vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu thời trang nổi tiếng nước ngoài đã sớm "bám rễ" tại Việt Nam lẫn hàng nhập khẩu. Một số hãng thời trang lớn trên thế giới như Chanel, Mango, Zara, H&M, Uniqlo, Topshop, CK, Nike… đã nhanh nhạy chiếm lĩnh những mặt bằng đẹp ở các trung tâm thương mại sầm uất ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Một số thương hiệu từ Hàn Quốc và Ý cũng đã chính thức tham gia cuộc đua thị phần tại thị trường được đánh giá lên đến hàng tỉ USD.

Mới đây, Uniqlo công bố kế hoạch khai trương cửa hàng mới tại tỉnh Bình Dương trong mùa xuân/hè năm 2023. Trước đó, thương hiệu này đã liên tiếp khai trương 3 cửa hàng mới tại Hà Nội cuối năm 2022.

Các DN may mặc nội địa dù tự tin cả về năng lực sản xuất, thiết kế, chất lượng sản phẩm lẫn sự am hiểu thị trường, thị hiếu tiêu dùng… nhưng với tiềm lực tài chính mỏng, nền tảng tại thị trường nội địa còn yếu và đặc biệt là tâm lý tiêu dùng của một bộ phận không nhỏ người dân ưa thích thời trang thương hiệu ngoại, các thương hiệu thời trang nội sẽ rất vất vả nếu muốn gia tăng thị phần một cách nhanh chóng.

Số liệu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho thấy năm 2022, tăng trưởng mảng kinh doanh trong nước của Vinatex đã tăng 40% so với năm 2021.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của kinh tế khiến sức mua giảm dần những tháng cuối năm 2022, dẫn đến doanh thu của nhiều thương hiệu tốt, hệ thống phân phối phủ khắp toàn quốc như Việt Tiến, May 10... bị giảm. Không ít DN phải giảm số cửa hàng, hạn chế mở mới mà quy về những địa điểm nhất định để tối ưu vận hành, chi phí, đưa ra mức giá sản phẩm đủ sức hấp dẫn so với thu nhập của người tiêu dùng.

Chủ tịch Vitas Vũ Ðức Giang cho biết các DN nội đang tiếp cận thị trường 5 tỉ USD ở "sân nhà" bằng cách thay đổi và ứng dụng nhiều phương thức để thiết kế mẫu sản phẩm, quảng bá nhãn hàng… Vitas đang sát cánh cùng các DN, phối hợp các tổ chức quốc tế triển khai các chương trình hỗ trợ DN về quản trị, chuyển đổi xanh, công nghệ mới, xây dựng thương hiệu... nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng hóa và phát triển thị trường.

Cần chuẩn bị kỹ

Ông Phạm Văn Việt cho hay hiện nay người tiêu dùng có xu hướng chuộng những sản phẩm đáp ứng tiêu chí thời trang, chất lượng, giá cả phù hợp hơn là chọn thương hiệu. Do đó, để cạnh tranh, DN buộc phải đa dạng dòng sản phẩm, phải nghiêu cứu kỹ khách hàng trong nước và có sự chuẩn bị nguồn tài chính lớn để duy trì hoạt động trong khoảng 3-5 năm đầu phát triển hệ thống. "Việt Nam được đánh giá là thị trường năng động đang lớn mạnh với dân số trẻ, các chuyên gia lưu ý các DN cần xem đây là thị trường chiến lược lâu dài, có chương trình nghiên cứu về thói quen tiêu dùng, sức mua... để tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu. Ngoài ra, cần tổ chức lại mạng lưới phân phối, tránh qua nhiều cấp trung gian và chọn hình thức tiếp cận thích hợp. Đặc biệt, thương mại điện tử là kênh bán hàng quan trọng mà DN cần tập trung đẩy mạnh" - ông Việt chia sẻ.

Theo Thanh Nhân

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên