MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dệt may Việt Nam: Áp lực từ ngưng trệ sản xuất, thiếu lao động

Dệt may Việt Nam: Áp lực từ ngưng trệ sản xuất, thiếu lao động

Tiêm đủ vaccine trong thời gian sớm nhất cho người lao động là kiến nghị của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành cũng như Hiệp hội Dệt May. Đây cũng là chìa khoá gần như duy nhất để giải quyết triệt để khó khăn của ngành dệt may nói riêng cả các doanh nghiệp sản xuất nói chung.

Việc giữ nhịp sản xuất nhằm đảm bảo tiến độ cung ứng đơn hàng đã ký trở nên thách thức, đối diện rủi ro dịch chuyển đơn hàng ngày càng gia tăng. Chạy đua trong việc tiêm vaccine được nhiều doanh nghiệp rốt ráo mong chờ thực hiện để sớm đưa đi vào hoạt động, đảm bảo năng lực sản xuất.

Tăng trưởng tốt nửa đầu năm

Rất nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã nhận đơn hàng lấp đầy cho cả năm 2021 và hầu hết đều ghi nhận kết quả kinh doanh nửa đầu năm tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ (một phần vì nền so sánh năm ngoái thấp). Động lực thúc đẩy chính là xu hướng đơn hàng đã tăng trưởng trở lại, phần lớn các khách hàng đều gia tăng lượng đơn hàng của mình nhằm phục vụ cho nhu cầu bị nén lại trước đó của các thị trường xuất khẩu lớn như Mỹ, Nhật và EU, Hàn Quốc...Các đơn hàng theo đó phục hồi mạnh về cả số lượng lẫn giá bán. Các doanh nghiệp ngành may cũng có thêm nhiều dự án tăng công suất (như MSH, TCM, TNG…), qua đó gia tăng năng lực sản xuất, các doanh nghiệp sợi, dệt vì vậy cũng được nâng cao đơn hàng.

Ngoài đường cầu tăng lên, còn có cả yếu tố dịch chuyển cung, do nhóm các nước xuất khẩu dệt may lớn như Ấn Độ, Bangladesh, Camphuchia bị dịch bệnh hoành hành trên quy mô lớn, doanh nghiệp không thể hoạt động, trong khi ở Việt Nam đến hết tháng 4, tình hình kiểm soát dịch bệnh khá tốt, doanh nghiệp có thể phát huy hết tốc lực cho sản xuất. Vì vậy, nhiều hãng thời trang trên thế giới dịch chuyển sản xuất qua Việt Nam, đơn hàng dồi dào giúp nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.

Kết quả thực tế cho thấy, trong quý 2, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã CK: VGT) báo lãi kỷ lục 390 tỷ đồng, gấp 3,3 lần so với cùng kỳ nhờ đơn hàng tăng mạnh. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinatex đạt 7.085 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế 591 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với nửa đầu năm 2020, LNST công ty mẹ là 292 tỷ đồng.

Tương tự, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (mã CK: TNG) báo lãi ròng quý 2 tăng vọt lên mức 61 tỷ đồng, gần gấp đôi cùng kỳ. Nhờ diễn biến tích cực chung kể trên và bản thân TNG cũng tập trung khai thác, tăng tỷ trọng các khách hàng FOB (Doanh nghiệp khi nhận đơn đặt hàng từ khách hàng, sau khi cắt may và hoàn thiện sản phẩm thì chỉ cần vận chuyển hàng lên tàu ở cảng là hết trách nhiệm) và tập trung các sản phẩm kỹ thuật cao qua đó có biên lợi nhuận tốt hơn.

CTCP Sản xuất Kinh doanh và Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (mã CK: GIL) sau nửa đầu năm đã hoàn thành 71% kế hoạch doanh thu và vượt 3% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế cả năm 2021, với doanh thu thuần tăng 30%, đạt 2.122 tỷ đồng và lãi ròng tăng 82%, ghi nhận 186 tỷ đồng.

May Sông Hồng (mã CK: MSH) cũng tăng trưởng ấn tượng trong quý 2 với doanh thu thuần 1.207 tỷ đồng, tăng 5% và lợi nhuận sau thuế 124 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu công ty đạt 2.153 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, lãi ròng hơn 216 tỷ đồng, tăng 76%.

Dệt may Việt Nam: Áp lực từ ngưng trệ sản xuất, thiếu lao động - Ảnh 1.

Với doanh nghiệp ngành sợi, CTCP Sợi Thế Kỷ (mã CK: STK) báo kết quả kinh doanh cải thiện đáng kể với doanh thu bán hàng quý II/2021 đạt 510 tỷ đồng, hoàn thành 87% so với kế hoạch quý, tăng 102% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 6 tháng, doanh thu ghi nhận 1.077 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ, tỷ lệ sợi tái chế đạt 56,48% trên doanh thu.

Về phần mình, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (mã CK: TCM) báo lãi ròng quý 2 giảm 27% do cước vận chuyển và giá vốn đồng loạt tăng. Luỹ kế 6 tháng, đơn vị này ghi nhận tăng 11% về doanh thu (1.924 tỷ đồng) và lợi nhuận 121 tỷ đồng, nhích tăng 5%.

Nhiều khó khăn nửa cuối năm

Mặc dù đối mặt với nhiều thách thức do dịch bệnh Covid 19, nhưng hoạt động xuất khẩu của hầu hết các nhóm hàng 7 tháng đầu năm nay đều đạt mức tăng trưởng tích cực. Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May cho biết, ngành dệt may Việt Nam trong 7 tháng đầu năm đạt kim ngạch xuất khẩu 22,858 tỷ USD, tăng 50,22% so với cùng kỳ 2020, vượt Bangladesh, chỉ xếp thứ 2 sau Trung Quốc về xuất khẩu mặt hàng dệt may trên thế giới.

Nhưng, đến tháng 8, các doanh nghiệp dệt may bắt đầu gặp nhiều khó khăn.

Dệt may Việt Nam: Áp lực từ ngưng trệ sản xuất, thiếu lao động - Ảnh 2.

Dịch bệnh bùng phát tại các tỉnh, thành phố phía nam - khu vực có số lượng lớn doanh nghiệp dệt may đang hoạt động - khiến ngành dệt may chật vật trong việc duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, chi phí logistics, chiếm khoảng 9% giá thành sản phẩm dệt may của Việt Nam, đang tăng rất mạnh. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, giá thuê container hiện đã tăng gấp 3-4 lần so với năm ngoái. Đó là chưa kể, hàng loạt đơn hàng sản xuất ra gần đây vì thiếu container xuất khẩu dẫn tới ách tắc lưu thông, chậm tiến độ giao hàng cho đối tác, khách hàng.

Việc giá cước vận tải tăng cũng sẽ tạo áp lực giảm giá mua hàng, đây là rủi ro ngoại vi doanh nghiệp chỉ có thể tìm cách hạn chế tối đa ảnh hưởng. Đối với lĩnh vực may mặc gia công, đa phần xuất khẩu FOB không phải lo việc thuê vận chuyển nên việc có thể làm để chia sẻ khó khăn với khách hàng chính là đảm bảo thời gian giao hàng khi thực trạng lùi thời gian khởi hành, tăng thời gian quá cảnh của các hãng tàu là tương đối phổ biến hiện nay và đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại Việt Nam như hiện nay.

Dự báo cho những tháng cuối năm, Bộ Công thương nhìn nhận, đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của Việt Nam như điện tử, dệt may và da giày..., tín hiệu tốt là các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu đều trong đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng, cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng xuất khẩu mới. Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh phức tạp tại Việt Nam hiện nay, các doanh nghiệp đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác, đến khi dịch được kiểm soát, việc nối lại các mối quan hệ kinh doanh sẽ rất khó khăn.

Ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT TCM cho biết, đơn hàng nhiều doanh nghiệp đã full hết năm 2021, điều lo lắng nhất là sản xuất theo yêu cầu “3 tại chỗ” có nhiều cái khó cho doanh nghiệp và tiến độ giao hàng cho khách hàng. Dự kiến Thành phố cũng sẽ sửa đổi mô hình “2 tại chỗ”.

Dệt may Việt Nam: Áp lực từ ngưng trệ sản xuất, thiếu lao động - Ảnh 3.

Báo cáo mới nhất của TCM cho biết doanh thu tháng 7/2021 đạt 14.487.827 USD, lợi nhuận sau thuế 672.933 USD. Do tình hình dịch bệnh phức tạp, công ty thực hiện làm việc giãn cách nên năng suất lao động không đạt kế hoạch, dẫn đến biên lợi nhuận gộp không cao so với cùng kỳ. Doanh thu lũy kế 7 tháng đạt 95.626.917 USD, cao hơn 9% so với cùng kỳ năm 2020, hoàn thành 53,3% kế hoạch năm 2021. Lợi nhuận lũy kế sau thuế đạt 5.764.748 USD, thấp hơn 6% so với cũng kỳ năm ngoái và tương ứng với 46,7% kế hoach năm.

Theo TCM, năm nay do không có đơn hàng khẩu trang cộng thêm tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, công nhân phải làm việc giản cách, năng suất không cao nên biên lợi nhuận gộp của mảng garment giảm so với năm ngoái, bù lại mảng sợi được cải thiện hơn so với cùng kỳ nên nhìn chung kết quả kinh doanh 7 tháng cũng đạt được tương đối so với các đơn vị dệt may cùng ngành.

Bà Nguyễn Phương Chi, Giám đốc Chiến lược STK cho biết, đơn hàng vẫn đang tốt, nhu cầu tốt, nhưng đúng là thách thức hiện nay của ngành may là đáp ứng khả năng sản xuất. Với Sợi Thế Kỷ, các đơn hàng vẫn đủ, Công ty đã nắm bắt cơ hội để thúc đẩy và phát triển thêm mạng lưới khách hàng hiện hữu, khách hàng mới để nhận thêm đơn hàng, linh hoạt thực hiện chính sách bán hàng với giá bán phù hợp nhằm duy trì biên độ price gap ổn định.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May cho biết cho biết, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía nam đã khiến phần lớn các nhà máy may mặc tại các địa phương này phải đóng cửa do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ”.

Dệt may Việt Nam: Áp lực từ ngưng trệ sản xuất, thiếu lao động - Ảnh 4.

Các doanh nghiệp còn hoạt động phải giảm 50%-60% số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, nguồn cung nguyên phụ liệu đứt gãy, đồng thời phát sinh nhiều chi phí để thiêt lập các biện pháp phòng chống dịch, xét nghiệm, tiêm chủng cho người lao động. Doanh nghiệp phải đối với áp lực lớn là nhiều lao động đã chuyển về quê do sợ bị lây lan dịch bệnh. Chi phí vận tải biển quốc tế tăng cao cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng theo đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây khó khăn. Các quy định chống dịch được thực hiện thiếu thống nhất tại các địa phương đang gây khó cho các doanh nghiệp.

Với ngành thâm dụng lao động như dệt may, chẳng hạn như Tổng công ty CP May Việt Tiến với quy mô 36.000 lao động, nếu tình trạng dịch bệnh kéo dài thì các doanh nghiệp không thể đủ nguồn lực để duy trì trạng thái như hiện nay. Chính vì lượng công nhân quá lớn, không thể đảm bảo điều kiện an toàn cũng như chi phí hỗ trợ, nên hầu hết các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phải ngưng hoạt động. Hiện trung bình mỗi doanh nghiệp dệt may có từ một nghìn đến vài chục nghìn công nhân. Nếu phải bố trí chỗ ăn ở cho số lượng công nhân quá lớn như thế thì rất khó. Hơn nữa, biên lợi nhuận của ngành dệt may rất mỏng nên việc phát sinh chi phí sẽ bào mòn lợi nhuận doanh nghiệp.

Tiêm đủ vaccine trong thời gian sớm nhất cho người lao động là kiến nghị của hầu hết các doanh nghiệp trong ngành cũng như Hiệp hội Dệt May. Đây cũng là chìa khoá gần như duy nhất để giải quyết triệt để khó khăn của ngành dệt may nói riêng cả các doanh nghiệp sản xuất nói chung.

Theo Thạch Lam

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên