Nhiều tiền để làm gì: Dân Mỹ sử dụng phần lớn khoản trợ cấp Covid-19 để đầu tư chứng khoán
Theo cuộc khảo sát mới đây của Deustche Bank, khoản tiền từ gói cứu trợ Covid-19 tại Mỹ hầu hết được sử dụng để đầu tư chứng khoán.
- 09-03-2021Cổ phiếu giá trị 'hot' trở lại, chỉ số có thành tích bết bát nhất năm 2020 bất ngờ trở thành 'kẻ thắng' lớn trên TTCK châu Á
- 09-03-2021Thêm 1 tỷ phú đặt cược lớn vào Bitcoin, tin rằng đồng tiền này là "yếu tố cốt lõi trong cấu trúc mới của hệ thống tiền tệ"
Cuộc khảo sát trực tuyến có sự tham gia của 430 nhà đầu tư sử dụng các nền tảng đầu tư trực tuyến. Trong đó, 1 nửa số người trong độ tuổi 25-34 dự định chi 50% tiền hỗ trợ họ nhận được để đầu tư chứng khoán.
Theo đó, ngân hàng đầu tư của Đức thông báo rằng "một lượng lớn số tiền hỗ trợ Covid-19 sắp tới của Mỹ có thể sẽ ‘tìm đến’ thị trường chứng khoán". Tuy nhiên, Deutsche Bank cho biết, ngoài những người tham gia khảo sát, hầu hết người Mỹ nhận được khoản trợ cấp lại không có tài khoản giao dịch.
Trong khi đó, nhóm người từ 18-24 tuổi tham gia cuộc khảo sát lên kế hoạch sử dụng 40% tiền nhận được từ gói kích thích để đầu tư cổ phiếu. Những người từ 35-54 tuổi dự định sử dụng 37% số tiền để đổ vào thị trường chứng khoán. Những người trên 55 tuổi chỉ sử dụng 16% cho cổ phiếu.
Cuộc khảo sát – được chỉ đạo bởi chiến lược gia Parag Thatte và công bố hồi tháng trước, cho thấy rằng những người tham gia dự định sẽ đưa một phần lớn (37%) để đầu tư vào thị trường chứng khoán khi nhận được khoản hỗ trợ. Theo đó, dòng vốn chảy vào thị trường có thể có trị giá 170 tỷ USD.
Deutsche Bank lưu ý, số người được khảo sát ở độ tuổi dưới 34 và từ 34-54 là tương đương nhau, lần lượt có tỷ lệ là 41% và 37%. Trong khi đó, nhóm 55 tuổi là thấp nhất. Về mức thu nhập, nhóm đông người tham gia nhất kiếm được 50.000 đến 100.000 USD (34%), phù hợp với thu nhập trung bình ở Mỹ là 69.000 USD. Trong khi đó, hầu hết người tham gia có công việc toàn thời gian (59%) hoặc đã nghỉ hưu (12%).
Cuộc khảo sát này còn cho thấy những khoản hỗ trợ từ gói kích thích trong những tháng gần đây "phần lớn được sử dụng để đầu tư cổ phiếu". Đại đa số (72%) người được hỏi cho biết đang cân nhắc đầu tư và hơn 1 nửa (53%) cho biết họ sẽ đầu tư tiền từ gói kích thích vào thị trường chứng khoán. Cuộc khảo sát cho thấy, người trẻ tuổi có xu hướng rót tiền vào chứng khoán nhiều hơn.
Các nhà phân tích lưu ý rằng khoản tiền hỗ trợ vẫn chỉ là một phần nhỏ trong tổng số vốn đổ vào thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, họ dự đoán sự thay đổi sẽ diễn ra với đợt kích thích tiếp theo. Deutsche Bank cho hay: "Trong tương lai, những người tham gia khảo sát có kế hoạch đưa một phần lớn (37%) của khoản hỗ trợ để trực tiếp đầu tư cổ phiếu. Điều này sẽ tạo ra dòng vốn khá lớn."
Trong năm nay, nhà đầu tư nhỏ lẻ được coi là động lực chính cho sự hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ. Cuộc khảo sát cho thấy hơn 1 nửa số người được hỏi đã đầu tư cổ phiếu trong năm qua, chỉ chưa đến 1 nửa (45%) đầu tư lần đầu tiên.
Chiến lược gia Jim Reid của Deutsche Bank cho hay: "Đằng sau làn sóng đầu tư nhỏ lẻ trong năm nay là nhóm nhà đầu tư trẻ tuổi hơn, chưa có kinh nghiệp đầu tư và rất ‘liều’, không ngại sử dụng đòn bẩy." Ông nói thêm: "Xét về kế hoạch kích phát trực tiếp 405 tỷ USD của ông Biden (trước khi Thượng viện thông qua), thì sẽ có khoảng 150 tỷ USD chảy vào thị trường chứng khoán Mỹ."
Thị trường quốc tế sẽ theo dõi sát sao tiến độ của gói kích thích mới trong những ngày tới. Hôm thứ Bảy, Thượng viện đã thông qua dự luật trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát sẽ thông qua dự luật vào cuối tuần này và Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ ký thành luật trước khi các chương trình viện trợ thất nghiệp hết hạn vào ngày 14/3.
Hoạt động đầu tư nhỏ lẻ đã trở thành động lực phía sau những biến động gần đây đối với 1 số cổ phiếu bị bán khống mạnh tại Mỹ. Một số nhà đầu tư đã sử dụng Reddit để kêu gọi "thổi giá" một số cổ phiếu, khiến mức giá tăng chóng mặt làm một số quỹ phòng hộ đặt cược ngược lại thua lỗ nặng.
Tham khảo CNBC