Deutsche Bank: Lạm phát là "quả bom hẹn giờ" sẽ tàn phá kinh tế thế giới
Các biện pháp kích thích mạnh tay và những thay đổi mang tính căn bản trong nền kinh tế vĩ mô sẽ khiến Fed gặp nhiều khó khăn khi đối phó với lạm phát.
- 07-06-2021Lạm phát tăng nóng tạo ra cơn sốt điên cuồng ở Mỹ: Người dân chi gần 5.000 USD cho một chiếc xe đạp, nhưng vẫn không có hàng để mua
- 05-06-2021Áp lực lạm phát, bong bóng tài sản vẫn đè nặng nền kinh tế
- 03-06-2021Sự điên cuồng trong nền kinh tế Mỹ: Ô tô cũ đẩy lạm phát tăng nóng
- 31-05-2021Mỹ chắc chắn sẽ đối mặt với lạm phát?
Lạm phát sẽ không sớm biến mất mà nhiều khả năng sẽ dai dẳng và có thể dẫn đến 1 cuộc khủng hoảng trong những năm sắp tới, theo 1 cảnh báo mới đây của các chuyên gia kinh tế của ngân hàng Deutsche Bank.
Đối lập với quan điểm đồng thuận của các nhà hoạch định chính sách và phố Wall, ngân hàng Đức lại đưa ra 1 cảnh báo khá đáng sợ. Theo họ, sẽ là 1 sai lầm lớn nếu như chỉ tập trung vào các biện pháp kích thích mà bỏ qua những nỗi sợ về lạm phát, ít nhất là từ nay đến năm 2023.
Các chuyên gia của Deutsche đặc biệt chỉ trích Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và lộ trình chính sách mới mà Fed mà theo đó nước Mỹ chấp nhận mức lạm phát cao hơn để đổi lấy đà hồi phục kinh tế trọn vẹn và bao trùm. Dự định không thắt chặt chính sách cho đến khi lạm phát tăng một cách bền vững của Fed sẽ gây ra những tác động khủng khiếp.
"Hậu quả của việc trì hoãn kiềm chế lạm phát là các hoạt động kinh tế và thị trường tài chính sẽ bị gián đoạn nhiều hơn", chuyên gia kinh tế trưởng David Folkerts-Landau của Deutsche Bank viết. "Điều này sẽ tạo ra suy thoái sâu và khiến thị trường tài chính quốc tế lao đao, đặc biệt là tại các thị trường mới nổi".
Với cách tiếp cận hiện nay, Fed sẽ không tăng lãi suất hoặc thu hẹp chương trình mua tài sản cho đến khi "đạt được những tiến bộ rõ rệt hơn" trong quá trình tiến đến các mục tiêu đã đề ra về lạm phát và thị trường lao động. Nhiều quan chức của Fed cho rằng hiện các mục tiêu vẫn còn ở rất xa.
Tuy nhiên trong khi đó những chỉ số như giá tiêu dùng và chi tiêu tiêu dùng cá nhân đều đang ở trên mức mục tiêu lạm phát 2%. Các nhà hoạch định chính sách khẳng định đà tăng giá hiện nay chỉ là tạm thời và sẽ phai mờ ngay khi tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và những tác động từ đại dịch biến mất.
Nhóm chuyên gia của Deutsche Bank không đồng tình với điều này, cho rằng các biện pháp kích thích mạnh tay và những thay đổi mang tính căn bản trong nền kinh tế vĩ mô sẽ khiến Fed gặp nhiều khó khăn khi đối phó với lạm phát.
"Đến năm 2023 lạm phát sẽ xuất hiện rõ ràng. Mặc dù rất đáng ngưỡng mộ khi Fed chuyển sang ưu tiên các mục tiêu an sinh xã hội, phớt lờ nguy cơ lạm phát giống như chúng ta đang đặt một quả bom nổ chậm vào nền kinh tế toàn cầu. Tác động của quả bom này là rất lớn, đặc biệt tại các nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất", ông Folkerts-Landau nói.
Quan điểm trái ngược với phố Wall
Hầu hết phố Wall đều đồng tình với quan điểm của Fed và dự báo trong tương lai gần chính sách của Fed sẽ không thay đổi.
Jan Hatzius, chuyên gia kinh tế trưởng của Goldman Sachs, đưa ra những "lý do đủ mạnh" để ủng hộ Fed. Một trong số đó là dự đoán người lao động sẽ quay trở lại tìm kiếm việc làm trong những tháng tới, khi trợ cấp thất nghiệp đã hết và điều đó giúp giảm áp lực lên tiền lương. Theo ông, áp lực giá cả hiện nay chủ yếu đến từ "vai trò lớn chưa từng thấy của các yếu tố ngoại vi" mà sẽ sớm suy yếu. Do đó Fed hoàn toàn có thể tuân theo kế hoạch từ từ dỡ bỏ chính sách nới lỏng tiền tệ.
Deutsche Bank nhận định đó là 1 sai lầm lớn.
Đến nay Quốc hội Mỹ đã thông qua các gói kích thích có tổng trị giá 5.000 tỷ USD và Fed đã mở rộng gấp đôi bảng cân đối kế toán (lên gần 8.000 tỷ USD) sau khi liên tục mua tài sản. Mỹ sẽ tiếp tục kích thích kinh tế bất chấp GDP quý II được dự báo tăng trưởng khoảng 10% và thị trường lao động khởi sắc.
"Chưa có bao giờ cả chính sách tài khóa và tiền tệ đồng loạt được mở rộng nhiều đến vậy, và điều đó vẫn tiếp diễn trong khi sản lượng ở trên mức tiềm năng. Đó là lý do vì sao lần này câu chuyện lạm phát sẽ khác".
Nhóm chuyên gia của Deutsche nhận định làn sóng lạm phát sắp tới có thể giống với thời kỳ những năm 1970, thập kỷ mà mức lạm phát trung bình là 7% và nhiều lần lên đến mức 2 con số. Giá thực phẩm và năng lượng tăng cao cùng với việc chấm dứt kiểm soát giá là những nguyên nhân chính.
Chủ tịch Fed lúc đó là ông Paul Volcker đã nỗ lực kiềm chế lạm phát bằng cách tăng mạnh lãi suất, dẫn đến 1 cuộc suy thoái. Rất có thể kịch bản này sẽ lặp lại, đặc biệt trong bối cảnh thế giới ngập trong các gói kích thích như hiện nay.
Tham khảo CNBC