ĐHCĐ AMD Group: Tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần, đặt mục tiêu doanh thu 1.500 tỷ đồng năm 2017
Theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua, AMD Group đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2017 là 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng.
- 26-06-2017Chủ tịch HĐQT AMD Group đã mua 5 triệu cổ phiếu
- 23-06-2017AMD Group trình phương án chào bán gần 130 triệu cổ phiếu giá 10.000 đồng, tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần
- 13-06-2017AMD: Tạo hướng đi mới cho ngành đá Việt Nam
Ngày 29/06/2017, CTCP Đầu tư và Khoáng sản AMD Group (AMD) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2017.
Báo cáo về kết quả đạt được trong năm 2016, lãnh đạo AMD Group cho biết doanh thu công ty đạt 1.445 tỷ đồng, tăng 115,5% so với cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận trước thuế đạt 58,3 tỷ đồng, đạt 83% so với kế hoạch đặt ra.
Trong năm 2016, AMD đã tiến hành việc chuẩn bị, hợp tác và đưa một số dự án lớn vào triển khai trong 5 lĩnh vực chính. Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu:
Đầu tiên là Dự án mỏ và nhà máy núi Loáng tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Đây là dự án được thiết kế theo mô hình thân thiện môi trường, với tổng mức đầu tư 218 tỷ đồng, áp dụng công nghệ khai thác và sản xuất đá tiên tiến nhất hiện nay.
Hai là Dự án Tổ hợp ươm tạo Công nghệ và Đào tạo Nguồn nhân lực chất lượng cao tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm có diện tích 2,2 ha. Đây là dự án trọng điểm của AMD Group, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 500 tỷ đồng.
Ba là Dự án Trung tâm thể thao Pháp Việt có diện tích 2,2 ha tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dự án đã được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư và đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng.
Thứ tư là các dự án tư vấn – đào tạo – nghiên cứu. AMD Group sở hữu Viện Quản lý và Phát triển Châu Á (AMDI) là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và tư vấn về quản lý và phát triển. Năm 2016, AMDI đã giải ngân và triển khai những dự án lớn đồng thời đẩy mạnh việc phát triển các dự án, hợp đồng mới.
Năm 2017 đặt mục tiêu doanh thu 1.500 tỷ đồng, tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần
Năm 2017, AMD Group lên kế hoạch đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng các mỏ và hoàn thiện lắp đặt dây chuyền sản xuất đá tự nhiên tại Thanh Hóa nhằm tăng công suất khai thác, sản xuất và đầu tư, phát triển hệ thống phân phối đá tự nhiên AMDSTONE ra thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu; phát triển và bảo vệ thương hiệu AMDSTONE, hoạch định chiến lược phù hợp nhu cầu thị trường và chiến lược cạnh tranh hiệu quả.
Các dự án Tổ hợp ươm tạo công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực, dự án Trung tâm thể thao Pháp Việt tại phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và nhiều dự án khác được đẩy mạnh; quản trị tốt các rủi ro trong các hoạt động đầu tư.
Theo kế hoạch được ĐHĐCĐ thông qua, AMD Group đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm 2017 là 1.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng.
Để hoàn thành các mục tiêu năm 2017, HĐQT trình Đại hội cổ đông xem xét, thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ thông qua phương án phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu với số lượng cổ phần dự kiến phát hành tối đa 129,76 triệu cổ phần, với mức giá 10.000 đồng/cp, tương ứng tổng giá trị 1.298 tỷ đồng. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ AMD Group sẽ lên tới 1.946 tỷ đồng, gấp 3 lần hiện tại.
Thứ hai là phương án sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ đầu tư giai đoạn 2 mỏ và nhà máy đá tại núi Loáng và núi Bền; xây dựng nhà máy tại núi Ác Sơn, Thanh Hóa; xây dựng thêm nhà máy ở Khu công nghiệp Hoàng Long và đầu tư triển khai kênh phân phối, hệ thống bán hàng, showroom trên khắp cả nước. Phần còn lại sẽ tập trung góp vốn hợp tác đầu tư dự án Tổ hợp ươm tạo công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực với AMDI, đầu tư dự án Trung tâm thể thao Pháp Việt,…
Ngoài ra, ĐHĐCĐ AMD Group 2017 đã thông qua việc bầu mới Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2017-2022, bao gồm các thành viên: ông Nguyễn Tiến Đức, ông Nguyễn Tiến Dũng, bà Vũ Đặng Hải Yến, ông Nguyễn Thiện Phú, ông Lã Quý Hiển và bà Võ Thị Thùy Dương với tỷ lệ đồng thuận là 99,87%; thành viên Ban Kiểm soát là bà Trần Thị Tố Dung, bà Nguyễn Thị Thu Thảo, bà Hoàng Thị Thu Hằng.
Khẳng định vị thế thương hiệu đá tự nhiên AMD Stone
Tại đại hội, có cổ đông đã đặt câu hỏi “Thương hiệu đá AMD Stone, gần đây đã có nhiều khách hàng quan tâm, tuy nhiên chưa phải là thương hiệu được ưa chuộng với Thị trường trong nước, vậy Công ty đã có kế hoạch mở rộng thị trường như thế nào?”
Ông Nguyễn Tiến Đức – Chủ tịch HĐQT AMD Group cho biết sản phẩm Đá tự nhiên của AMD là sản phẩm đặc biệt không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Công ty xác định thị trường trong nước và xuất khẩu đều rất tiềm năng.
Để phát triển thị trường trong nước, công ty đã có những chiến lược kinh doanh cụ thể, xác định phân khúc mục tiêu tiềm năng, mở rộng thị trường qua các qua 4 kênh phân phối: các chủ đầu tư lớn, các Dự án nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, các nhà thầu thi công xây dựng, các Công ty thiết kế, các đại lý phân phối Vật liệu xây dựng và cả bán lẻ.
Công ty đã tham gia 2 Hội chợ VietBuild tại Hà Nội vào tháng 3 và tháng 5 năm 2017 và Hội chợ VietBuild tại TP Hồ Chí Minh vào tháng 6. Qua các Hội chợ trên Sản phẩm Đá tự nhiên của AMDSTONE đã được người tiêu dùng biết đến và đánh giá cao. Hầu hết các chủ đầu tư lớn như: Tập đoàn FLC, Tập đoàn SUN Group, Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Tập đoàn T&T đều đang lên thiết kế đưa các sản phầm của AMD vào công trình.
Trí Thức Trẻ