ĐHCĐ bất thường DongABank: Không thông qua phương án chào bán cổ phần để tăng vốn
Hội đồng quản trị DongA Bank cho biết sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước để NHNN Việt Nam xem xét cơ cấu lại ngân hàng theo phương án khác theo quy định của pháp luật.
- 29-09-2019DongA Bank "ráo riết" tìm lối đi
- 07-09-2019Từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, DongA Bank làm ăn thế nào?
- 30-05-2019Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm nhân sự ban kiểm soát DongA Bank
Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) vừa phát đi thông tin về đại hội cổ đông bất thường tổ chức hôm 12/10 vừa qua.
Ngân hàng cho biết, đại hội cổ đông đã không thông qua phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ theo quy định tại Điều 144 Luật Doanh nghiệp 2014 (Các nghị quyết của đại hội chỉ được thông qua khi có ít nhất 65% cổ phần có quyền biểu quyết có mặt tại đại hội tán thành - PV).
"Kết quả biểu quyết của Đại hội cổ đông với phương án chào bán cổ phần bổ sung vốn điều lệ sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của DongA Bank. Hoạt động của DongA Bank hiện nay ổn định, thanh khoản được đảm bảo" - thông báo của ngân hàng nêu rõ.
Hội đồng quản trị DongA Bank cho biết sẽ báo cáo Ngân hàng Nhà nước để NHNN Việt Nam xem xét cơ cấu lại ngân hàng theo phương án khác theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc cốt lõi khi thực hiện tái cơ cấu ngân hàng này là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo an toàn và hoạt động của ngân hàng Đông Á cũng như hệ thống ngân hàng.
Trước đó như chúng tôi đã phản ánh, DongA Bank bị NHNN đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ năm 2015. Đến năm 2016, ông Trần Phương Bình - Tổng giám đốc ngân hàng bị bắt vì liên quan đến Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm). Hiện TAND cấp cao tại TP.HCM đang xét xử phúc thẩm vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng Đông Á.
Sau khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, toàn bộ cổ đông ngân hàng không được chuyển nhượng cổ phần của DongA Bank. Trong trường hợp đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét việc chuyển nhượng cổ phần trên cơ sở đề xuất của Ban Kiểm soát đặc biệt. Ngân hàng cũng đã hoàn trả tiền các cổ đông đã nộp trong đợt ngân hàng tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm Sát Nhân dân Tối cao công bố vào ngày 12/10/2018, vốn điều lệ của DongA Bank tại thời điểm đó là 5.000 tỷ đồng với 100% cổ đông trong nước. Trong đó, cổ đông sáng lập chiếm 13,21% và cổ đông thường chiếm 86,79%. Nhóm gia đình ông Trần Phương Bình sở hữu 10,24% vốn điều lệ; nhóm CTCP vàng bạc đá quí Phú Nhuận (PNJ) chiếm 7,7%; nhóm CTCP Xây Dựng Bắc Nam 79 (của Vũ nhôm) chiếm 12,73%; Văn phòng Thành ủy TP HCM chiếm 12,79%.
Hoạt động của DongA Bank cũng ít được công bố rộng rãi đến thị trường. Trong thông cáo gần nhất, DongA Bank cho biết, kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, tổng huy động vốn từ khách hàng đạt 63.450 tỷ đồng tăng 2.595 tỷ đồng tương ứng tăng 4,3% so với đầu năm 2019; tăng 1.730 tỷ đồng tương ứng tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm của khách hàng đạt 50.903 tỷ đồng, tương ứng tăng 4,8% so đầu năm 2019.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, công tác thu hồi nợ có vấn đề cả gốc và lãi đạt 1.870 tỷ đồng, lũy kế từ thời điểm 8/2015 đến 6/2019 thu được 16.350 tỷ đồng. Các tỷ lệ chi trả luôn đáp ứng các yêu cầu và quy định của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể như: Tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 20,78%, tỷ lệ khả năng chi trả ngoại tệ 77,98%, tỷ lệ khả năng chi trả đối với Việt Nam đồng đạt 83,77%.
Trí Thức Trẻ