MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ CII: CII đã rút toàn bộ hơn 312 tỷ đồng vốn góp khỏi Năm Bảy Bảy

26-04-2016 - 11:21 AM | Doanh nghiệp

Lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (HOSE: CII) tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra tại TP.HCM cho biết trong năm 2016 dư nợ của CII sẽ giảm trên 2.000 tỷ đồng. Các năm trước CII toàn đi vay thêm để bổ sung vốn hoạt động, nhưng năm nay sẽ ngược lại.

9h Đại hội bắt đầu: Báo cáo kết quả kinh doanh 2015 và kế hoạch 2016

Tại ĐHCĐ lần này, HĐQT sẽ trình cổ đông thông qua việc thay đổi tỷ lệ sở hữu tại CII B&R. Theo đó, CII tạm thời giảm tỷ lệ sở hữu tại CII B&R xuống 49% trong năm 2016 và tùy tình hình thực tế sẽ tăng lại tỷ lệ sở hữu tại đây lên 51% hoặc cao hơn.

HĐQT trình cổ đông kế hoạch trích quỹ khen thưởng phúc lợi 4%, thù lao và hoạt động của HĐQT là 1% và chi trả cổ tức 16%. Đợt 1 cổ tức đã trả vào ngày 25/09/2015 với tỷ lệ 8% và đợt 2 trả vào ngày 20/11/2015.

Trong năm 2015, CII đã phát hành 1.006.400 cổ phiếu trên tổng số 2.006.400 cổ phiếu ESOP 2015. Tuy nhiên, trong nghị quyết đại hội đồng cổ đông và hồ sơ báo cáo kết quả phát hành CII không ghi rõ chi tiết mục đích phát hành thêm 6.400 cổ phiếu để bù đắp vốn. Do vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM chưa chấp thuận cho CII điều chỉnh 6.400 số lượng cổ phiếu chênh lệch này.

Tại đại hội, CII đã trình các cổ đông kế hoạch phát hành cổ phiếu đợt 2 của chương trình ESOP là 1.000.000 cổ phiếu. Trong đó, lần 1 phát hành 6.400 cho cho CBCNV theo chương trình ESOP dùng để bù đắp vốn, xử lý phần lệch vốn giữa thực góp và vốn trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Lần 2 phát hành 993.600 cp cho CBCNV theo chương trình ESOP.

Theo ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc CII, kết thúc năm tài chính 2015, CII đạt tổng doanh thu 3.094 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 806,3 tỷ đồng, tăng 107,7% so với năm 2014.

Hai mảng kinh doanh chính là xây dựng hạ tầng và thu phí giao thông đều tăng trưởng ổn định và tích cực với mức tăng tương ứng 32,3% và 32,5%. Điểm khác biệt trong kết quả kinh doanh của CII trong năm 2015 không đến từ mảng BT giao thông truyền thống, mà đến từ mảng hạ tầng nước.

Cụ thể, CII ghi nhận doanh thu từ mảng hạ tầng nước 420 tỷ đồng. Đây là khoản thu từ việc cung cấp vật tư thiết bị của Công ty Enviro. Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của mảng này rất khiêm tốn (khoảng 14%).

Tính đến cuối năm 2015, ngoài Enviro, CII còn nắm cổ phần chi phối tại các công ty chuyên khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch, như công ty CP Cấp nước Sài Gòn - Đankia, công ty CP Cấp nước Sài Gòn - Pleiku, công ty CP Cấp thoát nước Củ Chi, công ty CP Nước Sài Gòn - Cần Thơ, công ty CP Nước Tân Hiệp, Công ty TNHH MTV Cấp nước Long An, công ty CP Cấp nước Tân Hòa, công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ.

Tổng tài sản hiện đạt trên 15 nghìn tỷ đồng, tăng 67,5% so với năm 2014. Sau 5 năm, tổng tài sản của CII đã tăng với mức kỷ lục, từ trên 6.000 tỷ đồng lên con số hiện nay. Vốn điều lệ đạt 2.601 tỷ đồng, tăng 33,2% so với 2014.

Kế hoạch đề ra cho năm 2016 là doanh thu 3.020 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 847 tỷ đồng – tăng 5% so với năm 2015. ROE dự kiến 18,7% - tăng 10% so với năm 2015 và EPS dự kiến là 3.387 đồng/cp – tăng 14% so với năm 2015 và cổ tức 20%/năm.

Trong năm nay, công ty sẽ xúc tiến hình thành công ty CII Land nhằm hoàn thành quá trình tái cấu trúc công ty và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm như dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị Thủ Thiêm, dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, dự án cầu đường Bình Triệu 2, phần 2 giai đoạn 2, dự án mở rộng QL60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên (Bến Tre), dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận...

Được biết, chủ trương được thông qua trong năm 2015 của CII là nâng tỷ lệ sở hữu tại công ty Năm Bảy Bảy (NBB) lên 45% vào cuối năm 2015 và 51% vào tháng 6/2016. Tuy nhiên mới đây, ngày 28/3, HĐQT CII đã chấp thuận tạm thời giảm tỷ lệ sở hữu của công ty tại Năm Bảy Bảy xuống 19,99%.

Tính đến thời điểm kết thúc quý 1/2016, CII đã rút toàn bộ hơn 312 tỷ đồng vốn góp tại Công ty liên kết là công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy.

Đặc biệt, ông Bình nhấn mạnh rằng năm 2016 trở đi CII sẽ không tham gia bất kỳ một dự án BOT có quy mô nhỏ khoảng 1.000 tỷ đồng nữa, bởi tính cạnh tranh không cao. Trên thị trường hiện nay có nhiều nhóm nhà đầu tư đang cạnh tranh rất mạnh các loại hình dự án nhỏ này với tâm thế hưng phấn khi tham gia thị trường, do vậy CII không muốn đánh mất các lợi thế khác nên tìm kiếm các dự án lớn trên 10.000 tỷ đồng.

Các dự án bất động sản, theo ông Bình bắt đầu từ năm 2015 CII chính thức trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên khi bắt tay vào làm mới nhận ra thủ tục đầu tư bất động sản quá khó khăn nên bị chậm tiến độ. Hiện tại, dự án Marina Bay và Lake View thuộc khu chức năng số 3 khu đô thị mới Thủ Thiêm đã thực hiện xong quy hoạch 1/500 và đang triển khai lập tổng mặt bằng và phương án kiến trúc của một số lô đất trong dự án.

Công ty đã và đang tiếp xúc với các ngân hàng để đàm phán về khả năng phát hành trái phiếu đảm bảo thanh khoản – một sản phẩm tài chính mới có khả năng tạo đột biến trong việc huy động nguồn tiền nhàn rỗi trong dân.

Song song đó đó, CII tiếp tục đẩy mạnh công tác huy động vốn, nhất là triển khai một số phương thức huy động vốn mới. Hiện tại CII đã hình thành nên một danh mục các dự án đầu tư lớn sẽ được xúc tiền triển khai trong thời gian tới.

CII cũng sẽ liên hệ với các tổ chức tín dụng để hợp vốn tài trợ cho dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, tái cấu trúc nguồn vốn của một số dự án đã đi vào khai thác; Nghiên cứu vay vốn các ngân hàng nước ngoài để tìm nguồn vay với lãi suất thấp.

Doanh thu thuần quý 1/2016 của CII đạt hơn 93 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do phải ghi nhận giá vốn hàng bán gần 64 tỷ đồng, khiến CII chỉ đạt lãi gộp vỏn vẹn 29 tỷ đồng, giảm gần 66% cùng kỳ.

Hoạt động tài chính của CII cũng không mấy khởi sắc, khi doanh thu cũng giảm gần 7% đạt hơn 352 tỷ đồng, trong khi chi phí tài chính "nhảy " lên 82 tỷ đồng (quý 1/2015 chỉ hơn 6.5 tỷ đồng). Khoản nợ phải trả của công ty mẹ ghi nhận 4,441 tỷ đồng, giảm nhẹ 19% so với hồi đầu kỳ. Được biết trong BCTC hợp nhất năm 2015, khoản nợ phải trả của CII ghi nhận lên đến 10,430 tỷ đồng.

10h Thảo luận

Dự án ở Thủ Thiêm đang triển khai sẽ gây không ít áp lực cho các CNCNV, vậy CII có kế hoạch chia cổ phiếu ESOP cho nhân viên đối với dự án này hay không? Triển vọng hoàn thành kế hoạch 2016?

Ông Lê Quốc Bình: Đến thời điểm hiện nay, chúng tôi dám đảm bảo đến 90% sẽ hoàn thành kế hoạch hoạt động năm 2016 và khả năng hoàn thành luôn kế hoạch năm 2017 là trong tầm tay với mục tiêu lãi 1.000 tỷ đồng. Trong 4 tháng qua, do vướng những tháng Tết, do vậy đó là thời điểm "xấu nhất" với CII khi các hoạt động đều chững lại. Mặc dù có lãi quý 1/2016 từ công ty mẹ trên 200 tỷ đồng.

Dự báo, doanh thu từ các hoạt động tài chính năm 2016 sẽ tăng cao. Vào ngày 28/7/2016, CII sẽ mua cổ phiếu quỹ, khả năng thực hiện việc này đến nay là 99,99%. CII sẽ mua từ thị trường chứ không mua thủa thuận với bất kỳ một cổ đông nào nhằm tránh xung đột lợi ích.

Đối với dự án ở Thủ Thiêm, năm 2015 đã hoàn thành kế hoạch hơn 200%, và để khích lệ tinh thần nhân viên thì CII sẽ phát hành 1.000.000 cp ESOP, tuy nhiên phải hoàn thành thật tốt kế hoạch của năm nay.

Việc ứng trước 300 tỷ đồng cho công ty Tuấn Lộc và sẽ đầu tư thêm khoảng 300 tỷ đồng nữa, vậy mối quan hệ giữa CII và công ty này như thế nào? Nếu điều kiện hoạt động của CII tốt hơn, mức chi cổ tức năm 2016 có thể cao hơn 20% đươc không?

CII đã tạm ứng hợp đồng thi công cho dự án ở Thủ Thiêm 300 tỷ, song song đó CII cũng ký kết uỷ thác đầu tư một dự án hạ tầng khác với Tuấn Lộc là tuyến đường BOT Trung Lương - Mỹ Thuận. Đây là hai khoản tiền liên quan đến Tuấn Lộc rất rõ ràng.

Hiện chưa tiến hành mua cổ phiếu quỹ mà đã tính đến chuyện chia cổ tức là không hay lắm! Chúng ta không thể đem một công ty này so sánh với một công ty khác về mặt chi trả cổ tức, như vậy rất khập khiễn. Khi CII đề xuất mức chi trả 20%, khoảng 510 tỷ đồng, là một nỗ lực hết sức. Phần còn lại công ty phải tích luỹ để tái đầu tư, giúp tổng tài sản tăng lên nhiều trong tương lai.

Các dự án BĐS hiện nay của CII đang triển khai như thế nào? Việc tìm đối tác bán một phần đất tại Thủ Thiêm hiện nay ra sao?

Khi dính đến làm dự án BĐS thì vướng nhiều thủ tục mất thời gian. Điển hình như một dự án tại Điện Biên Phủ, đã vượt qua bước thẩm tra của Sở Xây dựng, và con đường phía trước còn khá dài. Vốn đầu tư cho dự án nay đã hơn 80 tỷ đồng.

CII sẽ không bao giờ có chuyện báo cáo dự án Thủ Thiêm mang lại lợi nhuận bao nhiêu. Chúng ta không thể nói được vì quá vô lý cho tất cả các bên. CII đang nghiên cứu các đối tác, vì tiêu chí của CII đặt ra là bắt nhà đầu tư mua đất trong 2 năm tới phải khởi công dự án, chứ không mua đất để dành. Nếu như dân cư không về sinh sống, tiện ích nội khu không được đầu tư... thì sẽ ảnh hưởng đến giá nhà của CII tại Thủ Thiêm.

Gần đây có thông tin một số nơi đề nghị người dân không sử dụng nước thuỷ cục, vậy có ảnh hưởng đến kế hoạch doanh thu của CII?

Nếu mỗi hộ dân sử dụng khoảng 3 khối nước một tháng thì may ra dự án đầu tư của CII mới có khả năng hoàn vốn. Chẳng hạn như dự án nhà máy nước tại Củ Chi là một định hướng đúng để giúp người dân tại đây được sử dụng nước sạch. CII đảm bảo rằng làm dự án này sẽ không lỗ, vẫn có lãi.

CII đánh giá tác động như thế nào về quá trình trước và sao khi thoái vốn khỏi B&R, chi phí dự kiến mua lại như thế nào? Nếu đại hội không thông qua tờ trình thoái vốn này thì ảnh hưởng thế nào đến công ty?

Kế hoạch thoái vốn này nhìn chng sẽ có những ảnh hưởng đáng kể đến CII, có khả năng tổng tài sản sẽ giảm khoản 7.000 tỷ đồng. Chúng tôi chỉ cam kết quá trình này sẽ đảm bảo toàn bộ quyền lợi của các cổ đông. Doanh thu và lợi nhuận sẽ không ảnh hưởng gì. CII không đặt bút ký với bất kỳ một nhà đầu tư nào về cam kết lợi nhuận, chỉ nêu những dự báo và dự toán của CII được xem xét một cách cẩn trọng, nhưng sẽ không chịu trách nhiệm cho việc đưa ra các dự báo, dự toán này.

Room cho nhà đầu tư nước ngoài đã gần hết, vậy kế hoạch nới room của CII sẽ thế nào?

Một yếu tố được nhà đầu tư đặt kỳ vọng vào CII là kế hoạch nới room cho NĐTNN lên 100%. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp không ít trở ngại vì mảng kinh doanh bất động sản thuộc nhóm ngành bị giới hạn về vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, ngoài dự án Thủ Thiêm, CII đang đàm phán dự án có giá trị không kém, nên doanh nghiệp này vẫn giữ ngành nghề này cho tới khi đàm phán dự án mới hoàn tất. Khi đó ngành kinh doanh bất động sản sẽ được chuyển cho Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm (đã thành lập) và lúc đó CII sẽ thực hiện nới room lên 100%.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên