ĐHCĐ Công trình Viettel (CTR): Tự tin hoàn thành kế hoạch năm 2020, hoạt động quý 2 tăng trưởng tích cực bất chấp Covid-19
TGĐ Phạm Đình Trường cho biết mảng hạ tầng cho thuê mà CTR đang tập trung triển khai có biên lợi nhuận ít nhất cao gấp đôi lãi suất đi vay ngân hàng, tốt hơn nhiều so với việc làm dịch vụ và sẽ tăng mạnh theo từng năm.
Ngày 6/6 đã diễn ra ĐHCĐ thường niên năm 2020 của Tổng CTCP Công trình Viettel (mã CK: CTR). Đại hội đã thông qua những kế hoạch quan trọng về hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nhân sự HĐQT nhiệm kỳ mới.
Chi trả cổ tức trong nửa đầu quý 3, "ngoại lệ" thực hiện ESOP với tỷ lệ 2%
Tại đại hội, CTR đã thông qua việc chi trả cổ tức năm 2019 với mức 26,05%, trong đó 10% cổ tức tiền mặt và 16,05% cổ tức bằng cổ phiếu. CTR sẽ phát hành 9,74 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, nâng vốn điều lệ lên 704,39 tỷ đồng (70,44 triệu cổ phiếu).
Lãnh đạo CTR cho biết sẽ thực hiện chi trả cổ tức trong quý 3 và có thể thực hiện trong nửa đầu quý vì dòng tiền công ty đang rất ổn định.
Bên cạnh đó, CTR cũng thông qua việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) 1,4 triệu cổ phiếu (2% vốn điều lệ sau khi chia thưởng cổ phiếu cho cổ đông). Số lượng cổ phiếu ESOP này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 2 năm.
Theo lãnh đạo CTR, việc phát hành ESOP này căn cứ vào yêu cầu sản xuất kinh doanh từng giai đoạn. Từ năm 2015 – 2019, CTR đã chuyển mình từ công ty thuần xây lắp sang công ty vận hành trên 4 trụ (Xây lắp, Giải pháp tích hợp, Hạ tầng cho thuê, Vận hành khai thác) và cần nhiều lực lượng chuyên môn giỏi, trung thành, do đó việc ESOP chỉ diễn ra trong năm nay để khuyến khích cán bộ. CTR cho biết công ty sẽ không để ESOP diễn ra một cách thường xuyên và chỉ thực hiện khi thực sự cần thiết.
KQKD quý 2 không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tự tin hoàn thành kế hoạch năm 2020
Về kế hoạch kinh doanh năm 2020, CTR đặt chỉ tiêu tổng doanh thu hợp nhất 6.000 tỷ đồng – tăng 18% và Lợi nhuận sau thuế 199 tỷ đồng – tăng 10% so với thực hiện năm trước. ROE ở mức 21,8%, tỷ lệ chi trả cổ tức dự kiến từ 10% - 20%.
Để thực hiện được kế hoạch đề ra, CTR đã nêu ra những nhiệm vụ quan trọng trong 4 lĩnh vực Tổng Công ty đang triển khai.
Với lĩnh vực Vận hành khai thác, CTR sẽ tiếp nhận chính thức tại các thị trường Campuchia, Myanmar. Ngoài ra, CTR sẽ thử nghiệm VHKT tại thị trường Lào, Peru.
Bên cạnh đó, CTR sẽ xúc tiến VHKT thêm từ 2-3 nhà mạng/Towerco/nhà cung cấp dịch vụ trong nước. Với thị trường ngoài Tập đoàn tại nước ngoài, CTR sẽ nhận VHKT cho nhà mạng/Towerco với doanh thu đạt 3,6 tỷ đồng trong năm 2020.
Với lĩnh vực xây lắp, CTR sẽ đảm bảo tiến độ phát sóng trạm, củng cố hạ tầng mạng lưới cho VTNet, doanh thu xây lắp trong tập đoàn đạt 523,8 tỷ dồng. Ngoài ra, CTR sẽ đẩy mạnh hoạt động xây lắp ngoài Tập đoàn, tập trung vào các công trình xây dựng dân dụng, giao thông, hạ tầng kỹ thuật, doanh thu đạt 336,4 tỷ đồng.
Với mảng Đầu tư hạ tầng cho thuê, CTR sẽ triển khai các công trình cho thuê (BTS, Smallcell, DAS, ngầm hóa, cho thuê năng lượng…) với doanh thu ước đạt 150,9 tỷ đồng. Ngoài ra, CTR sẽ triển khai thử nghiệm xong 35 trạm năng lượng và xin phê duyệt Tập đoàn chủ trương thử nghiệm cung cấp hệ thống nguồn tại 1.500 trạm có điện hiện hữu của VTNet.
Với mảng Giải pháp tích hợp, CTR sẽ triển khai kinh doanh các dịch vụ cơ điện, năng lượng, managed service tới B2B, doanh thu dự kiến đạt 333 tỷ đồng.
Chủ tịch Dương Quốc Chính cho biết công ty không gặp nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19 và KQKD quý 2 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức cao. Trong khi đó, TGĐ Phạm Đình Trường tự tin KQKD quý 2 cũng như cả năm 2020 sẽ hoàn thành kế hoạch và cổ đông có thể yên tâm.
Về kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu của Viettel tại CTR, ban lãnh đạo CTR cho biết đây là chủ trương lớn và đã được thông qua, nhưng lộ trình chi tiết chưa được phép công bố tại đại hội.
Mảng hạ tầng cho thuê có biên lợi nhuận cao gấp đôi lãi vay ngân hàng, không phát hành tăng vốn từ cổ đông, đảm bảo ROE trên 20%
Nói thêm về các mảng kinh doanh, TGĐ Phạm Đình Trường cho biết CTR trước đây thuần làm thuê, dịch vụ, nhưng hiện đang chuyển hướng sang làm chủ với mảng Hạ tầng cho thuê và đây được coi là trọng tâm của CTR.
Cũng theo ông Trường, biên lợi nhuận hạ tầng cho thuê ít nhất cao gấp đôi lãi suất đi vay ngân hàng, tốt hơn nhiều so với việc làm dịch vụ. Doanh thu từ hạ tầng cho thuê sẽ tăng mạnh theo từng năm vì số lượng trạm đầu tư cũng tăng theo từng năm. Năm 2019, mảng hạ tầng cho thuê chỉ đạt dưới 10 tỷ doanh thu, nhưng năm 2019 sẽ tăng lên hơn 150 tỷ đồng vì đầu tư hạ tầng cần thời gian 6 tháng đến 1 năm, sau đó mới là thời điểm "thu hoạch". Nhà đầu tư cần nhìn vào số lượng tài sản CTR đầu tư, sau đó chắc chắn sẽ kéo theo KQKD tích cực.
Ông Trường cũng cho biết việc mua lại hạ tầng từ Viettel sẽ thực hiện trên tinh thần đảm bảo hiệu quả, cân đối lợi ích và sẽ tiến hành theo lộ trình. CTR thực hiện mua lại hạ tầng, cũng như tự đầu tư dựa vào vốn chủ sở hữu và vốn vay ngân hàng mà không thực hiện phát hành tăng vốn từ cổ đông, đảm bảo duy trì ROE ở mức trên 20%. Về việc vay vốn ngân hàng đầu tư hạ tầng cho thuê, lãnh đạo CTR cho hay công ty sẽ không vay quá nhiều, chỉ vay ở mức trung hạn từ 3 tới 5 năm.
Trả lời cổ đông về việc CTR liệu có kế hoạch đầu tư hạ tầng cho thuê ra nước ngoài hay không? TGĐ Phạm Đình Trường cho biết đó là khát vọng của CTR. Nhưng rào cản luật đầu tư, pháp lý các quốc gia, cũng như việc chuyển vốn ra nước ngoài không dễ dàng khiến việc này chưa thể thực hiện. Trước mắt, CTR sẽ tập trung đầu tư Hạ tầng cho thuê trong nước, cũng như đẩy mạnh công tác VHKT tại các thị trường nước ngoài. Đến thời điểm đủ nguồn lực, CTR sẽ triển khai đầu tư hạ tầng cho thuê tại các quốc gia khác như tại Việt Nam.
Với mảng Giải pháp tích hợp (GPTH), ông Trường cho biết thực chất là làm dịch vụ và mới chỉ mang về doanh thu từ nửa cuối năm 2019. Trong năm nay, CTR tự tin sẽ đạt kế hoạch 333 tỷ đồng. GPTH của CTR hiện tập trung vào mảng năng lượng mặt trời, đây là mảng mang tính chiến lược quốc gia và CTR đang làm rất tốt. Ngoài ra, mảng smart home cũng nhiều tiềm năng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam tích cực, cũng như kỳ vọng sẽ trở thành quốc gia phát triển trong tương lai gần sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực này.
Với mảng xây dựng dân dụng, CTR hiện đã có giấy phép xây dựng các công trình cao tới 30 tầng. Tuy nhiên ông Trường đánh giá đây không phải thế mạnh và CTR sẽ không hướng tới phân khúc này. CTR hiện tập trung vào các dự án thấp tầng, biệt thư, giúp thu hồi vốn nhanh.
Giá cổ phiếu tăng trưởng tích cực kể từ khi lên sàn
Chủ tịch Dương Quốc Chính đánh giá cổ phiếu CTR từ khi lên sàn tới nay đi lên bền vững và đó là điều rất vui mừng. Ngay trong nhịp sụt giảm bởi ảnh hưởng Covid-19 vừa qua, CTR cũng mau chóng hồi phục trở về vùng giá trước dịch. Theo ông Chính, sự hỗ trợ từ Viettel đã giúp CTR có nguồn việc cũng như tiềm năng phát triển trong dài hạn, qua đó tạo sự tin tưởng vững chắc cho cổ đông công ty.
Tại đại hội, ông Dương Quốc Chính cũng từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT CTR do đã đến tuổi nghỉ hưu. Thay thế ông Chính nắm giữ vai trò Chủ tịch HĐQT là ông Nguyễn Đình Chiến, hiện đang nắm giữ chức vụ Phó TGĐ Viettel.
Biến động cổ phiếu CTR từ khi lên sàn tới nay
Trí Thức Trẻ