MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Digiworld: Tăng vốn thêm 15% lấn sân vào thị trường FMCG và chăm sóc sức khoẻ

20-04-2018 - 14:01 PM | Doanh nghiệp

Lãnh đạo Digiworld đặt nhiều kỳ vọng vào thị trường FMCG và thực phẩm chức năng.

Sáng ngày 20/4, cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2018 của Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld; HOSE: DGW) đã diễn ra với các chủ đề xoay quanh kế hoạch kinh doanh và chiến lược phát triển trong những năm tới sau một năm 2017 khá thành công với các chỉ tiêu lợi nhuận vượt kế hoạch.

Theo báo cáo của ban điều hành, năm 2017, Digiworld đạt 3.820 tỷ đồng doanh số, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước và thu về 79 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 17,5% và vượt 42% kế hoạch lợi nhuận cả năm được ĐHĐCĐ thông qua.

Trong đó, nhóm máy tính và máy tính bảng vẫn có mức tăng trưởng 4,4% dù mức tăng trưởng chung của thị trường không cao. Digiworld cho biết đã duy trì mức tăng trưởng cho nhóm ngành hàng này bằng cách khai thác thị trường ngách, như dòng máy tính cho doanh nhân và dòng máy tính thời trang cho giới trẻ.

Mảng điện thoại tăng trưởng âm 30% được Digiworld lý giải là do tái cấu trúc danh mục sản phẩm và bỏ phân phối các sản phẩm không có đóng góp nhiều giá trị gia tăng. Từ giữa quý III, DGW tập trung vào các sản phẩm có biên lợi nhuận tốt hơn như Xiaomi đã giúp doanh số tăng trở lại.

Trong khi đó, mảng thiết bị văn phòng của Digiworld tăng trưởng tốt nhờ có thêm nhiều hãng và mỗi hàng lại có nhiều danh mục sản phẩm khác nhau. Cả năm 2017, Digiworld đạt 752 tỷ đồng doanh thu từ mảng này. Ngoài ra, mảng hàng tiêu dùng mới có đóng góp từ giữa quý 3/2017 nên cần thời gian để hoàn thiện kênh phân phối và đa dạng sản phẩm, chưa đóng góp nhiều vào hoạt động của công ty.

Kết thúc quý I/2018, đại điện DGW cho biết, Công ty ghi nhận mức tăng trưởng đều ở tất cả các ngành hàng. Trong đó, mảng điện thoại tăng mạnh do ghi nhận thêm doanh thu từ thương hiệu Xiaomi mà Sharp; Nhóm ngành thiết bị văn phòng tăng trưởng đều ở các quý nhờ việc thêm các sản phẩm đa dạng khác; Nhóm hàng tiêu dùng tăng do đóng góp từ hàng tiêu dùng nhanh sau khi mua lại Công ty TNHH CL và mảng Chăm sóc sức khoẻ (Kingsmen) từ quý III/2018. Riêng nhóm máy tính và máy tính bảng giảm nhẹ là xu hướng chung của thị trường.

Kết quả, Digiworld ước đạt 1.265 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 66% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh đến 127% so với cùng kỳ năm trước và đạt 19,5 tỷ đồng.

Năm 2018, Hội đồng quản trị DGW trình cổ đông thông qua chỉ tiêu doanh thu thuần 4.700 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế 101 tỷ đồng, tăng 29%.

Trong cơ cấu doanh thu, 49% đến từ máy tính xách tay và máy tính bảng, 26% đến từ mảng điện thoại di động, 21% đến từ thiết bị văn phòng, còn lại 4% đến từ hàng tiêu dùng. Mảng điện thoại sẽ có sự đóng góp chính từ dòng sản phẩm Xiaomi và thêm các sản phẩm của Sharp. Ở ngành hàng tiêu dùng, trong năm 2018, Digiworld sẽ cho ra mắt 3 dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe mới, bao gồm nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe trẻ em, sản phẩm dành cho gan và sản phẩm hỗ trợ tuần hoàn máu, trong đó có một sản phẩm là hàng ngoại nhập. 

Đến phần thảo luận, cổ đông đặt vấn đề về sức cạnh tranh của mảng tiêu dùng nhanh (FMCG) mà Digiworld đang hướng đến sau khi mua lại Công ty TNHH CL? 

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch DGW cho rằng, "Ngành kinh doanh nào cũng cạnh tranh mạnh. Tuy nhiên, nó cũng là cơ hội lớn bởi hiện nay, tầng lớp thu nhập trung bình khá đang gia tăng mạnh, nhu cầu về sức khoẻ ngày càng cao hơn. Ví dụ như sản phẩm kem đánh răng 100% của Lion hoàn toàn từ thiên nhiên dành cho em bé khi nuốt phải cũng không bị ảnh hưởng sức khoẻ sẽ là xu hướng tất yếu khi người dân ngày càng giàu hơn."

Ông Việt cho biết thêm, Lion là một trong những nhà sản xuất sản phẩm tiêu dùng lớn tại Nhật. Ở Thái Lan, doanh số của Lion đã đến 500 triệu USD/năm. Nhưng tại VN thì còn rất khiêm tốn, mục tiêu đóng góp vào doanh số của mảng này trong năm nay của DGW là 200 tỷ đồng.

"Ở mảng thực phẩm chức năng, xu thế này cũng rất rõ rệt khi thu nhập ngày càng cao dẫn đến nhu cầu bảo vệ khoẻ lớn hơn trong khi thị trường vẫn còn rất phân mảnh. Đó là thị trường tiềm năng để Digiworld khai thác trên các lợi thế của mình. Lợi thế cạnh tranh của DGW là gì? Đó là mô hình dịch vụ MES (Market Expansion Service) bao gồm các dịch vụ từ phân tích thị trường, tiếp thị, bán hàng, hậu cần, hậu mãi sau bán hàng. Với chiến lược này, DGW có thể triển khai nhiều hợp đồng phù hợp với dịch vụ mà DGW có.",Ông Việt cho biết.

Bổ sung thêm về lợi thế cạnh tranh của Digiworld, đại điện Công ty cho biết, thị trường thực phẩm chức năng khác hẳn so với mặt hàng điện thoại di động. Bởi vì hiện đang có rất nhiều mặt hàng chưa được nhận diện, thị trường đang còn phân mảnh rất lớn thì kinh nghiệm của một công ty phát triển thị trường như Digiworld là rất quan trọng.

Cổ đông cũng quan tâm rằng liệu Mistore có gặp khó khăn trong ngành phân phối điện thoại Xiaomi? Ông Việt cho biết, cửa hàng Mi store nhằm mục tiêu tạo sự trải nghiệm cho khách hàng đối với các sản phẩm của Xiaomi. Cho đến nay, điện thoại Xiaomi vừa thâm nhập vào thị trường đã đạt kết quả khả quan với 5,3% thị phần, điều này cho thấy chiến lược của Xiaomi và DGW đang đi đúng hướng.

Có vẻ như Công ty chưa đẩy mạnh thương hiệu như Oppo đang làm là thắc mắc của cổ đông khi cho rằng thương hiệu Xiaomi chưa phổ biến như Oppo. Lý giải về điều này, ông Việt cho rằng, mỗi một DN có cách thức khác nhau. Xiaomi vào sau và không mắc gì phải làm theo cách của Oppo tốn kém rất nhiều chi phí làm maketing thì làm sao đưa đến được sản phẩm tốt giá rẻ cho người dùng?

Trả lời cổ đông về tương lai của DGW, Chủ tịch Đoàn Hồng Việt cho biết: "Mục tiêu trước mắt của DGW là phải tập trung làm tốt kênh phân phối, bán hàng trước. Sau khi đã có thị trường, chúng tôi sẽ tìm những người cùng chung chí hướng để tạo ra sản phẩm. Ai cũng có ước mơ. Đích đến của DGW trong 10 năm là mốc 1 tỷ USD doanh số. Để thực hiện việc này, tăng trưởng kép hàng năm của DGW phải đạt 25% và sẽ cố gắng hiện thực hóa."

Năm nay, DGW sẽ trình cổ đông thông qua việc phát hành thêm 6 triệu cổ phiếu để bổ sung vốn kinh doanh và 1,2 triệu cp ESOP nhằm khuyến khích đội ngủ nhân lực chủ chốt cống hiến nhiều hơn. Cụ thể, DGW sẽ phát hành riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 15% vốn cổ phần với giá chào bán tham chiếu theo tiêu chí giá trị nội tại và giá thị trường; 1,2 triệu cổ phiếu ESOP sẽ được phát hành với giá 10.000 đồng/cp và không bị hạn chế chuyển nhượng.  

Việc phát hành ESOP không hạn chế chuyển nhượng có phần mang đến sự quan ngại cho các cổ đông.Câu hỏi được đặt ra là liệu rằng những người được hưởng ESOP có mang bán ngay trên thị trường làm sụt giá cổ phiếu? 

"Lý do không hạn chế chuyển nhượng, qua kinh nghiệm phát hành lần trước, thực tế giá thị trường không bị ảnh hưởng bởi cổ phiếu ESOP. Ngoài ra nhiều người phải vay tiền để mua ESOP, do đó DGW muốn tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên bán ra một phần để trang trải khoản tiền vay. Với các cán bộ cấp cao, họ không bán ra vì biết giá trị của DGW nên chắc chắn không bán ra." Ông Việt cho biết.

Huy Nguyên

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên