MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Gỗ Trường Thành: "Cổ đông chỉ mong TTF có vốn lớn để cạnh tranh, không cần phải chia cổ tức"

15-04-2016 - 16:09 PM | Doanh nghiệp

"Tôi chỉ mới đầu tư khoảng 600.000 cổ phần với tư cách cá nhân nhưng KSB vẫn muốn tôi tham gia vào thành viên HĐQT" - ông Võ Trường Thành cho biết

Chiều 15/4, tại TP.HCM Công ty CP Tập Đoàn Kỹ Nghệ Gỗ Trường Thành (HOSE: TTF) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2015. Tại đây, nhiều kế hoạch kinh doanh "khủng" đã được thông qua. Một trong các “thế cờ” đó, TTF rất chú trọng công tác M&A nhằm giảm thiểu thời gian, công sức đầu tư vào việc mở rộng doanh nghiệp.

2h00: Khai mạc và thẩm tra tư cách cổ đông

Tại Đại hội, HĐQT TTF trình cổ đông phương án phát hành 69,7 triệu cp, tương đương 32,5% vốn điều lệ cho CTCP Đầu tư Xây dựng Tân Liên Phát (TLP) - công ty con của Tập đoàn Vingroup (VIC). Giá phát hành được xác định dự trên giá giao dịch bình quân trên sàn và giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu TTF tại thời điểm ký kết hợp đồng vay chuyển đổi. Theo đó, 603,5 tỷ sẽ được chuyển đổi thành 42,5 triệu cp TTF với giá 14.200 đồng/cp và 598,4 tỷ chuyển thành 27,2 triệu cp với giá 22.000 đồng/cp.

Toàn bộ số cổ phần trên bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn tất đợt phát hành.

Tổng số tiền thu được gần 1.202 tỷ từ đợt phát hành đã được sử dụng để cấn trừ với toàn bộ nợ gốc mà TLP cho TTF vay.

Năm 2015 dồn 384 tỷ trả nợ vay ngân hàng

Theo tài liệu công bố tại đại hội, tổng doanh thu của TTF trong năm 2016 đạt 2.753 tỷ đồng (tăng 88,4% so với năm 2014); lợi nhuận ròng sau thuế là 205 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế của cổ đông của công ty mẹ đạt trên 189 tỷ đồng. Đặc biệt, EPS trong năm qua đạt 1.540 tỷ đồng (tăng trên 105% so với năm 2014).

Trong năm 2015, công ty đã phát hành tăng vốn thành công 100% với 40 triệu cổ phần, nâng vốn điều lệ từ 1.000 tỷ đồng thành 1.400 tỷ đồng.

Trong năm 2015, do tình hình tài chính vẫn còn khó khăn nên TTF sẽ không chi trả cổ tức cho cổ đông, dự kiến trong hai năm 2016 và 2017 sẽ chi trả 15%; dự kiến 3 năm tiếp theo là 20%.

Nếu như năm 2013 nợ của TTF gấp 2,3 lần vốn thì hiện nay nợ chỉ còn 0,42 lần vốn. Trong năm qua, doanh nghiệp này đã tích cực trả nợ vay từ nhiều ngân hàng thương mại, cụ thể như: trả ngân hàng HDB 164 tỷ đồng; OCB 74 tỷ đồng; PVCom 24 tỷ đồng; Đông Á 25 tỷ đồng; VABAMC (mua nợ Vietcombank) 47 tỷ đồng; và VAB (lãi vay tồn đọng lúc chuyển giao nợ VCB) là 50 tỷ đồng...

Tính đến ngày 31/12/2015, giá trị hàng tồn kho của TTF là 2.296 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là nguyên vật liệu tồn kho và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang, hai khoản này chiếm 91% tổng gía trị hàng tồn kho. Tập đoàn đã thực hiện trích dự phòng giảm hàng tồn kho là 46,44 tỷ đồng.

Mua 1 công ty Hàn Quốc với giá 70 tỷ đồng

Tại đại hội này, TTF thông tin đang thực hiện kế hoạch mua lại 100% công ty FDI (Hàn Quốc) tọa lạc tại thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương, rộng 72.000m2 với gia 70 tỷ đồng (chỉ bằng giá đất hiện nay) gần trụ sở chính Công ty hiện nay. Đồng thời, đầu tư thêm 35 tỷ đồng thành nhà máy hiện đại với chi phí thấp, tập trung sản xuất 2 sản phẩm chủ lực hiện nay của TTF là ván sàn và cửa gỗ, phục vụ phần lớn cho thị trường nội địa và các công trình của nhiều dự án nhà ở và cao ốc văn phòng trong tình hình bất động sản tại Việt Nam đang hồi phục và tăng trưởng mạnh trở lại.

Hiện nay TTF đang thực hiện các thủ tục sang tên công ty và kế hoạch xây dựng trên khu đất này, kế hoạch chi tiết sẽ được thông qua vào tháng 5/2016.

Trong thị trường nội địa, Công ty sẽ đầu tư một cửa hàng trưng bày sản phẩm với quy mô lớn để bán lẻ nội địa và khuyếch trương thương hiệu. Dự định khai trương từ tháng 8/2016 và tổng đầu tư không quá 10 tỷ đồng.

Thiết lập kênh bán hàng bằng cách mở ra 10 đến 20 khu vực bán hàng đồ gỗ trong các trung tâm thương mại của hệ thống Vingroup (VIC) trong tháng 8 hoặc tháng 9/2016 nhằm tăng độ phủ trên thị trường đồ gỗ cao cấp của Việt Nam, tổng đầu tư khoảng 50 tỷ đồng.

Kế hoạch kinh doanh cụ thể của TTF năm 2016 gồm: doanh thu thuần 2,796.5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thực hiện năm 2015 và lãi trước thuế 369 tỷ đồng, tăng trưởng 54%.

HĐQT cho biết kế hoạch kinh doanh được xây dựng trên cơ sở thận trọng, chú ý đến việc phát triển doanh thu và lợi nhuận từ năm 2017 trở đi nhiều hơn. Do các nhà máy mới, các cửa hàng mới đều khai trương trong nửa cuối năm 2016 nên chưa thể phát huy tăng trưởng lợi nhuận và doanh số, các công tác thị trường chưa theo kịp và các nhà máy này chỉ chạy 1 ca trong giai đoạn đầu tiên quý 4/2016.

Tuy nhiên, việc TLP (100% vốn VIC) trở thành cổ đông lớn sẽ có thể mang lại các đơn hàng lớn từ thị trường nội địa trong bối cảnh thị trung hạn thị trường bất động sản gặp khó dưới tác động của Thông tư 36.


2h45: Trình bày kế hoạch kinh doanh 2016

Trong năm 2015, TTF đã hoàn thành đầu tư 2 nhà kho bê tông 3 tầng với diện tích 25.000 m2, 2 nhà kho khung kèo thép và đưa vào sử dụng. Trong năm 2015 đã đầu tư mới 1.000 ha trồng rừng. Năm 2016 sẽ tiếp tục phát triển diện tích rừng trồng và chăm sóc bảo vệ rừng, dự chi đầu tư 40 - 50 tỷ đồng.

Trong tháng 2/2016, TTF đã thoái hết vốn tại Quỹ y tế Bản Việt và giảm nợ vay tại VietABank qua các lần thoái vốn.

Đối với Dự án Phú Hữu Gia (56ha) đang được đàm phán để thoái vốn, dự kiến trong năm 2016 để tăng cường cho các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi. Do khu vực quận 2 đang "nóng" về BĐS nên có nhiều đối tác thương lượng để chuyển nhượng dự án.

Theo ông Võ Trường Thành , Chủ tịch HĐQT TTF, mặc dù công ty có giao dịch trở lại với một số khách hàng cũ quay lại sau 3 năm không đặt hàng và một số khách hàng từ Mỹ, Nhật Bản rời bỏ Trung Quốc đến với TTF nhưng đơn đặt hàng về chưa lớn. Nguyên nhân là theo thông lệ quốc tế cần thời gian thử trong năm đầu tiên, dự kiến đơn đặt hàng quốc tế sẽ tăng vào năm thứ 2 trở đi.

Đặc biệt, dự báo khi gia nhập TPP, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ rất quan trọng và nhu cầu mặt hàng gỗ của các nước trong khu vực sẽ tăng mạnh, do vậy TTF sẽ để dành lại rừng mà không tập trung khai thác trong năm nay. Dự kiến năm 2016 chỉ khai thác từ 400-500ha rừng, đến năm 2017 sẽ khai thác đến 1.000ha.

"Trước mắt, với việc có mặt của công ty TLP 100% vốn của VIC, kỳ vọng trong thời gian tới TTF sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng lớn từ Vingroup và hàng hoá của TTF sẽ xuất hiện dày đặc tại các cửa hàng thuộc hệ thống của Vingroup", ông Thành nhấn mạnh.


3h00: Trao đổi

Kết thúc quý 1/2016, kết quả kinh doanh như thế nào? Cho biết thời gian và công xuất đầu tư mở rộng dự án nhà máy mới? Ông Thành vào ghế HĐQT của KSB thì có ý nghĩa gì với TTF?

Ông Thành: Báo cáo kinh doanh quý 1/2016 chưa kịp công bố, nhưng nắm sơ bộ thì tôi xin công bố, nhưng khả năng chắc chắn không được tốt hơn. Doanh thu là 602 tỷ đồng, lãi gộp là 140 tỷ đồng; lãi sau thuế là 57,69 tỷ đồng.

Dự án nhà máy nhám sàn sẽ hoạt động vào tháng 6/2016 và nhà máy cửa đi sẽ hoạt động vào tháng 8/2016. Hiện các nhà thầu đang triển khai xây dựng, chờ lắp đặt thiết bị và mời thầu cạnh tranh cung cấp thiết bị cho nhà máy cửa.

Về câu chuyện KSB, giữa tôi và KSB có quen biết từ lâu trên cơ sở bạn bè. Tôi chỉ mới đầu tư khoảng 600.000 cổ phần với tư cách cá nhân nhưng KSB vẫn muốn tôi tham gia vào thành viên HĐQT. Hai công ty không có mâu thuẫn lợi ích nhau nhưng tôi vẫn toàn tâm toàn ý cho công ty TTF, cho dù có còn là chủ tịch HDQT nữa hay không.

Công ty Vingroup sẽ đóng góp bao nhiêu % doanh thu cho TTF?

Ông Thành: Dự phóng VIC có thể đóng góp 30% doanh số cho công ty, bên cạnh nhiều công ty BĐS khác cũng đóng góp phần lớn doanh số cho TTF. Tuy nhiên, các dự án "khủng" của Vingroup như Vinhomes Central Park... có thể giúp TTF mang về khoảng 900 tỷ đồng doanh thu trong năm 2016.

Tại sao lại chọn TLP của VIC hợp tác phát triển?

Ông Thành: Từ những dự án đầu tiên của VIC tại Việt Nam vào năm 2001, TTF đã cung cấp sản phẩm với các đơn đặt hàng lớn cho đối tác này. VIC là đối tác có tiềm lực tài chính vững mạnh, đầu tư hàng loạt dự án BĐS lớn, do vậy khi TLP tham gia cùng TTF sẽ giúp công ty tăng trưởng hơn nữa trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, nhất là giải quyết tốt đầu ra cho công ty.

Đại diện một nhóm cổ đông: TTF vừa trải qua 1 giai đoạn rất khó khăn và mới tái cấu trúc được cơ cấu nợ, vinh dự khi có VIC là một cổ đông lớn. Do vậy, chiến lược phát triển trong tương lai khá tốt và có khả năng trở thành số một trong khu vực. Cổ đông chỉ mong muốn TTF có vốn lớn mạnh để cạnh tranh, do vậy không cần phải chia cổ tức cho cổ đông.

Tại Đại hội, HĐQT trình cổ đông việc chuyển nhượng vốn của 12 cá nhân cho Tân Liên Phát với tổng khối lượng khoảng 79 triệu cp, ứng với 54.6% vốn hiện tại.

Như vậy, sau khi phát hành 69.7 triệu cp riêng lẻ cho Tân Hiệp Phát thì đơn vị này sẽ sở hữu đến 69% vốn của TTF.

Cá nhân ông Võ Trường Thành – Chủ tịch HĐQT cho biết rất hoan nghênh việc VIC tăng sở hữu tại TTF lên hơn 69% bởi mong muốn TTF trở thành Tập đoàn lớn mạnh trong khu vực Asean.

Trả lời thắc mắc cổ đông liệu có lo lắng về nguy cơ thâu tóm, ông Thành cho rằng khi giao dịch trên sàn, bất cứ ai cũng có thể gom mua. Trong trường hợp TTF, Tân Liên Phát – Công ty con của VIC là công ty lớn, có thương hiệu nên có cổ đông lớn này TTF sẽ vươn xa hơn nữa, có cơ hội vào rổ VN30.

Ông Thành tiết lộ rằng đã nhiều lần đề xuất người của Vingroup cử thêm các phó tổng giám đốc để vào ban điều hành của TTF. Tuy nhiên, mọi việc vẫn còn đang bàn bạc.

Đại hội đã bầu bổ sung 3 thành viên mới là nhân sự của tập đoàn Vingroup vao HDQT TTF nhiệm kì mới. Đó là bà Nguyễn Thục Hiền, phó GIám đốc chi nhánh TPHCM của VIC; bà Phạm Thị Huyền Nha, Phó Giám đốc chi nhánh TPHCM của VIC; ông Nguyễn Quang Trung, phó giám đốc khối quản lý TCKT của VIC.

Nguyên Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên