MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ GTNfoods: Nóng chuyện miễn nhiệm nhân sự cấp cao, cổ đông đồng thuận kế hoạch kinh doanh 2019

Mọi thứ ở GTNfoods dường như đang trong trạng thái chờ đợi động thái của các bên nên sự đồng thuận chưa đạt mức cao.

Sáng nay, Công ty cổ phần GTNfoods (HoSE: GTN) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019. Mùa đại hội cổ đông năm nay có thể nói là mùa đại hội được giới đầu tư quan tâm nhất của GTNfoods bởi công ty vừa được "ông lớn" Vinamilk mua 40% cổ phần.

Đại hội kết thúc cùng hàng loạt tờ trình không đạt đồng thuận cao như mọi năm. Nhiều tờ trình đến 40% số quyền biểu quyết không tán thành, nhiều tờ trình số quyền biểu quyết không có ý kiến cũng lên đến 40%. 

Mọi thứ ở GTNfoods dường như đang trong trạng thái chờ đợi động thái của các bên nên sự đồng thuận chưa đạt mức cao.

Công ty luật dự đại hội cùng cổ đông, Đại hội tranh cãi về đề nghị miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT, 1 thành viên BKS ngoại

Như các năm khác, tại đại hội của GTNfoods thường có sự xuất hiện của lãnh đạo các công ty thành viên như Vinatea, Mộc Châu Milk…Năm nay, lãnh đạo các công ty thành viên cũng có mặt từ khá sớm để tham gia trao đổi thông tin với cổ đông. Đáng chú ý là, GTNfoods có mời công ty luật SmiC là đơn vị tư vấn luật của công ty tham dự đại hội.

Theo thông tin tại tài liệu đại hội cổ đông đã được công bố từ trước đại hội, GTNfoods có nhận được đơn yêu cầu của cổ đông lớn Tây Đại Dương đề nghị miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT ngoại là Ông Michael Louis Rosen, bà Bà Chew Mei Ying và Ông Pan Mun Kit.

Tại đại hội cổ đông, một cổ đông đã yêu cầu HĐQT chia sẻ lý do bãi nhiệm thành viên HĐQT đương nhiệm khi mà các thành viên này là đại diện của quỹ Tael, đề xuất giữ nguyên 2 vị trí này. Đồng thời, cổ đông này có ý kiến cho rằng các ứng viên mới mới được đăng tải trên website công ty và cổ đông không đủ thời gian để xem xét có đủ điều kiện bầu làm thành viên HĐQT hay không.

Một cổ đông khác yêu cầu công ty trình bày căn cứ pháp lý để HĐQT trình ĐHCĐ việc miễn nhiệm nói trên.

Về phần "người trong cuộc" là bà Chew Mei Ying và ông Micheal Lois Rosen, cả 2 người đều phản đối đề nghị của cổ đông lớn Tây Đại Dương. Lý do bà Cheww và ông Micheal đưa ra là cả hai là đại diện cho lợi ích của tất cả các cổ đông mà không phải bất kỳ cổ đông cụ thể nào và cho rằng đề nghị của Tây Đại Dương là không hợp lý. Ngoài ra, bà Chew cho rằng theo quy định của pháp luật, 1/3 số thành viên HĐQT của công ty phải là thành viên HĐQT độc lập. Do đó, việc yêu cầu miễn nhiệm kể trên sẽ khiến công ty thiếu thành viên độc lập theo quy định. Bà Chew cho rằng với nền tảng kiến thức chuyên môn của mình và ông Micheal thì việc giữ lại sẽ tôt cho công ty.

Ông Micheal bổ sung thêm ý kiến cho rằng ông đã là thành viên HĐQT trong thời gian 3,5 năm và một số ý kiến của ông đã không được ban lãnh đạo ghi nhận. Ông nói rằng, một số mảng kinh doanh chính của GTNfoods cũng chưa thành công và HĐQT công ty nếu có thành viên HĐQT người nước ngoài thì sẽ tốt hơn.

Trả lời câu hỏi của cổ đông và ý kiến của những người bị miễn nhiệm, ông Nguyễn Hồng Anh đã chỉ định ông Hải là đại diện đơn vị tư vấn SmiC trả lời. Công ty luật SmiC dẫn 4 điều khoản thuộc luật doanh nghiệp và điều lệ GTN để khẳng định "cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất sáu (06) tháng có quyền đưa ra các đề xuất về tất cả các vấn đề thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ". Tức, theo công ty luật SMiC thì đề xuất miễn nhiệm của cổ đông lâu năm Tây Đại Dương là đúng về pháp luật và không thuộc trường hợp mà người triệu tập họp ĐHCĐ có quyền từ chối kiến nghị.

Đối với câu hỏi về việc phải thông qua Chương trình họp trước khi thông qua các tờ trình (câu hỏi của bà Chew Mei Ying), Ông Hải dẫn quy định tại Điều 138 Luật Doanh nghiệp, Đại hội phải thông qua nội dung bổ sung vào chương trình họp yêu cầu của cổ đông lớn, theo đó, nếu được Đại hội thông qua, thì kiến nghị của cổ đông lớn sẽ được bổ sung vào Chương trình họp. Sau đó, Đại hội mới có cơ sở tiến hành thông qua Chương trình họp tổng thể (tức Chương trình họp đã bổ sung các kiến nghị của cổ đông lớn). Việc làm của công ty là phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với câu hỏi về thời hạn công bố công khai thông tin danh sách ứng cử viên, ông Hải dẫn Điều 11 Nghị định 71/2017/NĐ-CP, đối với trường hợp đã xác định trước danh sách ứng viên thì phải công bố danh sách ứng viên tối thiểu 10 ngày. Tuy nhiên với trường hợp của Công ty thì ngày 18/6/2019, Công ty nhận được kiến nghị bằng văn bản của cổ đông lớn. HĐQT của Công ty cần có thời gian để xem xét đề nghị của cổ đông lớn có phù hợp không. Đến ngày 25/6/2019, sau khi xem xét và chuẩn bị các tài liệu cần thiết, Công ty mới công bố công khai về việc bầu bổ sung thành viên HĐQT, BKS và đưa ra thời hạn cuối cùng để nhận hồ sơ ứng cử đề cử ứng cử viên vào ngày 27/06/2019. Do đó việc Công ty công bố công khai về danh sách ứng cử viên vào ngày 27/06/2019 là phù hợp và không trái quy định pháp luật.

Kết quả phiếu ý kiến về việc miễn nhiệm thành viên HĐQT cho thấy:

-Đối với miễn nhiệm TV. HĐQT là ông La Mạnh Tiến: Hơn 59% quyền biểu quyết tán thành, 0,0294% quyền biểu quyết không tán thành và 40,8842% quyền biểu quyết còn lại là không có ý kiến. => Tờ trình được thông qua.

-Đối với miễn nhiệm TV. HĐQT là ông Lars Kjaer: Hơn 58,95% quyền biểu quyết tán thành, 0,12% quyền biểu quyết không tán thành và 40,8842% quyền biểu quyết còn lại là không có ý kiến. => Tờ trình được thông qua.

-Đối với việc miễn nhiệm TV. BKS ông Trần Việt Thắng: Hơn 59,06% quyền biểu quyết tán thành, 0,0046% quyền biểu quyết không tán thành và 40,8842% quyền biểu quyết còn lại là không có ý kiến. => Tờ trình được thông qua.

-Đối với việc miễn nhiệm ông Micheal Louis Rosen: Hơn 55,37% quyền biểu quyết tán thành, hơn 44,58% quyền biểu quyết không tán thành và 0 quyền biểu quyết không có ý kiến. => Tờ trình được thông qua.

-Đối với việc miễn nhiệm TV. HĐQT là bà Chew Mei Ying: Hơn 55,37% quyền biểu quyết tán thành, hơn 44,58% quyền biểu quyết không tán thành và 0 quyền biểu quyết không có ý kiến. => Tờ trình được thông qua.

-Đối với việc miễn nhiệm thành viên BKS là ông Pan Mun Kit: Hơn 58,9% quyền biểu quyết tán thành, hơn 1,42% quyền biểu quyết không tán thành và 40,9% quyền biểu quyết không có ý kiến. => Tờ trình được thông qua.

Bầu bổ sung TV. HĐQT, BKS mới: toàn bộ ứng viên trúng cử với tỷ lệ đồng thuận đạt 55,31%

Do việc miễn nhiệm kể trên, GTNfoods cần bầu bổ sung Thành viên HĐQT, BKS. Việc bầu bổ sung thành viên HĐQT, BKS tiếp tục gây ra tranh cãi lớn. Bà Chew Mei Ying đặt câu hỏi rằng nếu bầu TV. HĐQT mới thì công ty nên bầu các thành viên có kinh nghiệm đối với các hoạt động kinh doanh của công ty và bà có ý kiến rằng HĐQT nên xem xét ứng cử các thành viên có kinh nghiệm đối với các mảng kinh doanh của công ty đặc biệt là với mảng sữa vì mảng sữa nắm giữ 80% doanh thu của GTNfoods. Bà Chew cho rằng, khi GTNfoods đã có 1 cổ đông lướn mới là Vinamilk và với kinh nghiệm của Vinamilk trong ngành sữa thì nên xem xét bầu một thành viên HĐQT đại diện của Vinamilk sẽ đem lại nhiều lợi ích cho công ty.

Trả lời câu hỏi của cổ đông, ông Nguyễn Hồng Anh khẳng định thành viên BKS, HĐQT hoàn toàn có quyền từ nhiệm vì bất kỳ lý do gì. Việc từ nhiệm của HĐQT, BKS đến thời điểm hiện tại không ảnh hưởng đến hoạt động của GTNfoods.

Sau thời gian tranh luận, kết quả biểu quyết cho thấy cả 4 người ứng củ lần này đều trúng cử. Bà Văn Thị Hằng, ông Lê Chí Nam trúng cử TV. HĐQT mới; bà Bùi Thị Xuân và bà Nguyễn Thị Thái trúng cử thành viên BKS.

Đại hội cổ đông đồng thuận cao về kết quả kinh doanh năm 2018, kế hoạch 2019

Trái ngược với cảnh bầu bán nhân sự chủ chốt, các tờ trình của lãnh đạo GTNfoods về kết quả kinh doanh năm 2018, kế hoạch kinh doanh năm 2019 đều được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao.

Năm 2018, GTNfoods đạt 3.008 tỷ đồng doanh thu thuần hợp nhất, hoàn thành 90% kế hoạch được Đại hội cổ đông giao phó. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 105 tỷ, hoàn thành 35% kế hoạch đề ra ban đầu. Theo báo cáo tại đại hội, trong bối cảnh thị trường các ngành sản xuất kinh doanh chính năm 2018 gặp nhiều khó khăn và quá trình tái cơ cấu các công ty thành viên sau khi tiếp quản các doanh nghiệp tiền thân Nhà nước đang được tập trung triển khai, công ty đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp, phát huy các lợi thế, khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, hoạt động kinh doanh còn tồn tại nhiều khó khăn trong đó yếu tố cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn ảnh hưởngd dến doanh thu, lợi nhuận công ty. Ngoài ra, kết quả lợi nhuận hợp nhất đạt thấp so với kế hoạch do hoạt động thanh lý tài sản và thoái vốn khỏi các mảng kinh doanh không nằm trong mục tiêu phát triển chưa được hoàn thành như kế hoạch đề ra.

Năm 2019, GTNfoods đặt kế hoạch tiếp tục mở rộng đầu tư, phát triển lâu dài trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm đồng thời tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư những ngành nghề, lĩnh vực tiềm năng khác trên cơ sở tận dụng hệ thống các tài sản, nguồn lực hiện có của tập đoàn, hướng tới xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp gắn kết tạo ra giá trị cộng hưởng.

Công ty cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động đánh giá, cơ cấu lại nhằm tối ưu hoá các khoản đầu tư, các mảng hoạt động hiện có và có thể thực hiện việc thoái vốn tại các ngành, mảng hoạt động kém hiệu quả để tìm kiếm cơ hội mới…

Năm 2019, GTNfoods đặt kế hoạch 3.350 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, tăng 11% và 200 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng 92% so với kết quả đạt được năm 2018.

Tờ trình về báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 và tờ trình về kế hoạch kinh doanh năm 2019 được đại hội cổ đông thông qua với tỷ lệ 99,83%- gần như tuyệt đối.

Mối quan hệ giữa Vinamilk và GTNfoods thực sự thế nào?

Tại đại hội cổ đông, ngoài sự lệch pha đáng kể trong việc miễn nhiệm, bầu bổ sung nhân sự, hầu hết các nội dung tờ trình khác thì các cổ đông đều đạt đồng thuận cao. Điều này cho thấy, bản chất cả GTNfoods hay Vinamilk đều không mong muốn sự bất hoà xảy ra.

Tại đại hội cổ đông, khi trả lời câu hỏi của cổ đông rằng liệu Vinạmilk có mua thêm cổ phần hay không và cơ hội nào để Vinamilk tham gia vào hoạt động điều hành và có những đóng góp cho hoạt động của GTN thì ông Tạ Văn Quyền (chủ tịch HĐQT GTNfoods) cho biết: "Vinamilk hiện đã mua hơn 40% cổ phần của công ty, việc sắp tới Vinamilk có mua thêm không là ý chí của Vinamilk. Công ty luôn chào đón các cơ hội đầu tư mới, mang lại các lợi ích lớn nhất cho công ty. Vinamilk là doanh nghiệp lớn hàng đầu trong ngành sữa Việt Nam, việc quan tâm của Vinamilk vào GTN đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà đầu tư trên thị trường với những kỳ vọng vào sự hợp tác giữa 2 bên. Chính bởi thế, giá cổ phiếu cũng biến động theo kỳ vọng.

Phía đại diện Vinamilk, ông Liêm khẳng định rằng việc Viamilk tham gia, phối hợp, thực hiện một số nhiệm vụ tại Công ty, Vinamilk sẽ tuân thủ các quy định về pháp luật. Xin phép tại đại hội với tư cách là cổ đông mới, Vinamilk sẽ tham gia đại hội theo đúng quy định. Sau đại hội này phía lãnh đạo công ty sẽ gặp mặt và trao đổi rõ hơn về các định hướng trong thời gian tới.

Hải An

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên