MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ MTM không đủ tỷ lệ để tiến hành: Cổ đông đòi kéo Băng rôn lên UBCK “gây áp lực”

Ông Chu Danh Phương cho biết, tài sản lớn nhất của MTM chính là các khoản phải thu và số tiền đã bị chiếm dụng. Các tài sản này hoàn toàn có cơ sở pháp lý để đòi lại nhưng thực sự sẽ là một công việc “trường kỳ, khó khăn”.

Sáng ngày 30/09/2016, CTCP Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản miền Trung (mã chứng khoán: MTM) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2016 với nội dung quan trọng là bầu lại HĐQT, Ban kiểm soát.

Tuy nhiên, đến thời điểm 9h30, mới chỉ có 22 cổ đông tham dự Đại hội với số ủy quyền là 67 người tương ứng 6,8 triệu cổ phiếu chiếm 21,88% vốn điều lệ. Như vậy, Đại hội không đủ điều kiện để tiến hành.

Ông Phùng Thành Công – Trưởng ban Kiểm soát cũng không có mặt.

Câu hỏi lớn nhất đặt ra tại Đại hội này là: Nếu thành lập Bộ máy mới, công ty sẽ tiếp tục hoạt động như thế nào và bao giờ giao dịch trở lại?

Nhưng câu hỏi này chưa đủ điều kiện để trả lời khi HĐQT mới chưa được bầu, ông Chu Danh Phương – Kế toán trưởng cho biết.

Một cổ đông bày tỏ mong muốn rằng khi xử lý được tài sản (ví dụ như 180 tỷ đồng mà các lãnh đạo cũ đã chiếm dụng, các khoản nợ đối với các đối tác) thì chia lại tiền cho cổ đông. Theo ông Phương, các tài sản lớn nhất của MTM chính là các khoản phải thu và số tiền đã bị chiếm dụng. Các tài sản này hoàn toàn có cơ sở pháp lý để đòi lại nhưng thực sự sẽ là một công việc “trường kỳ, khó khăn”, còn tài sản hữu hình đều là “ảo”.

Và thực tế, hiện tại công ty không có một đồng nào, không có hoạt động gì.

“Có đưa ra đây 30 tỷ đồng cũng không biết làm gì.” – Một lãnh đạo nói.

Tuy nhiên, ông này cũng cho biết, công ty có một mỏ ở Bắc Cạn, sau này sẽ đánh giá và xem xét có thể khai thác mỏ này hay không. Đây có thể là một nguồn doanh thu cho công ty.

Dù sao, bức xúc nhất của cổ đông vẫn là đối với cơ quan quản lý và các lãnh đạo cũ của MTM (đều không xuất hiện, ngoài ông Nguyễn Thế Phùng). Do đó, cổ đông yêu cầu ông Nguyễn Thế Phùng – một trong các thành viên của Ban lãnh đạo cũ trả lời về các vấn đề từ trước khi lên sàn của MTM. Tuy nhiên ông Phùng từ chối trả lời do trước đây không tham gia điều hành, và theo ông Phương thì ông Phùng là “phe cổ đông”.

Các cổ đông cũng chuẩn bị băng rôn và kêu gọi nhau lên Ủy ban chứng khoán và Sở giao dịch chứng khoán đòi quyền lợi và gây áp lực. Song ý kiến này đã bị bác bỏ. Vụ việc tại MTM là lần đầu tiên xảy ra trên TTCK Việt Nam và tất cả phải chờ cơ quan điều tra, cơ quan chức năng làm việc.

“Chắc chắn mình sẽ mất thôi chứ không đòi được đâu.” – Một cổ đông than vãn.

Ngày 19/09/2016, cơ quan An ninh điều tra – Bộ công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt giam ông Trần Hữu Tiệp – Chủ tịch HĐQT của MTM và tịch thu toàn bộ tài liệu của công ty để phục vụ điều tra vụ án.

Ông Trần Hữu Tiệp, ông Lê Tiến Thành, ông Nguyễn Thế Phùng được ĐHCĐ bất thường năm 2015 bầu vào HĐQT-BKS kể từ ngày 29/08/2015. Trong quá trình điều hành công ty, HĐQT và cá nhân ông Tiệp đã vi phạm nghiêm trọng điều lệ công ty và Luật doanh nghiệp như không tổ chức bàn giao tài liệu, tài sản giữa HĐQT mới và HĐQT cũ, không chỉ đạo và giám sát Ban Giám đốc tổ chức bàn giao tài liệu, tài sản giữa Ban Giám đốc cũ và mới; không chỉ đạo, giám sát Ban Giám đốc tổ chức bộ máy kế toán, lưu trữ chứng từ kế toán, sổ sách kế toán đúng quy định; không hạch toán kinh doanh, không lập báo cáo tài chính, không lập báo cáo quản trị đúng quy định, vi phạm công bố thông tin…

Kế hoạch hoạt động của HĐQT trong 3 tháng cuối năm 2016 của HĐQT là chỉ đạo, tổ chức thành công ĐHCĐ thường niên năm 2016. Sau khi có kết quả bầu lại thành viên HĐQT, HĐQT sẽ bầu lại Chủ tịch bổ nhiệm lại chức danh Giám đốc cho phù hợp với tình hình thực tế để chỉ đạo thực hiện chi tiết đề án tái cơ cấu Công ty, xử lý dứt điểm công nợ.

Theo BCTC mới nhất được công bố, năm 2015, MTM lỗ gần 60 tỷ đồng, vốn điều lệ chỉ còn 268,4 tỷ đồng thay vì 310 tỷ đồng như báo cáo cũ. Năm 2014, sau khi hồi tố, công ty chuyển từ lãi 11 tỷ đồng còn 629 triệu đồng.

Minh Châu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên