MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ OCB: Dự kiến tăng 50% vốn điều lệ lên trên 20.500 tỷ đồng trong năm nay, lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng

28-04-2023 - 09:22 AM | Tài chính - ngân hàng

ĐHCĐ OCB: Dự kiến tăng 50% vốn điều lệ lên trên 20.500 tỷ đồng trong năm nay, lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng

OCB sẽ phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ phát hành 50%, qua đó tăng vốn từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng.

Sáng ngày 28/4/2023 tại Tp. Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB – Mã chứng khoán: OCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 nhằm báo cáo kết quả kinh doanh năm 2022, định hướng kế hoạch kinh doanh năm 2023 cùng một số nội dung quan trọng khác.

Tham dự đại hội đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đại diện lãnh đạo NHNN chi nhánh Tp. HCM, đại diện Sở giao dịch chứng khoán, các lãnh đạo OCB và cổ đông.

Theo báo cáo của Ban kiểm tra tư cách cổ đông, tại ngày chốt danh sách cổ đông, có hơn 19 ngàn cổ đông được triệu tập tham dự đại hội. Tham dự trực tiếp đại hội hôm nay có 170 cổ đông đại diện cho 81,61% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Năm 2022 duy trì tăng trưởng tại các mảng kinh doanh cốt lõi

Báo cáo tại đại hội, ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT cho biết, trong năm 2022, thị trường tài chính trong nước và thế giới đứng trước nhiều biến số khó lường, những vấn đề như chiến tranh, áp lực tỷ giá, mặt bằng lãi suất tăng cao,… đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chung của ngành ngân hàng tại Việt Nam.

Dù gặp nhiều thách thức nhưng điểm tích cực trong bức tranh kinh doanh của OCB là các hoạt động cốt lõi vẫn duy trì tăng trưởng hai chữ số.

Với tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 18,5%, cao hơn trung bình ngành, thu nhập lãi thuần của OCB duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định trong năm 2022, tăng hơn 21% so với năm trước và đạt hơn 6.900 tỷ đồng. Thu nhập từ mảng dịch vụ cũng tăng hơn 29% mang về hơn 1.000 tỷ đồng trong đó lãi thuần từ mảng kinh doanh ngoại hối tăng hơn 45% đạt hơn 145 tỷ đồng.

Các mảng thu từ phí khác của ngân hàng cũng ghi nhận tăng trưởng cao. Cụ thể, thu thuần phí của thẻ tăng 138% so với cùng kỳ, doanh số giao dịch thẻ tăng trưởng 83% so với năm 2021. Thu nhập từ quản lý tài sản cũng tăng trưởng 55% từ 94 tỷ đồng trong năm 2021 lên 145 tỷ đồng năm 2022.

Cùng với đó, ngân hàng cũng luôn chú trọng việc tối ưu hóa cấu trúc tài sản sinh lời, giảm tỷ trọng tài sản lợi suất thấp. Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của OCB đạt gần 194.000 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2021. Dư nợ tín dụng thị trường 1 chiếm 63% trong cơ cấu tổng tài sản của OCB, tăng mạnh từ mức 56% năm 2021. Trong khi đó tỷ trọng đầu tư trái phiếu và tài sản có khác đều giảm mạnh so với cùng kỳ. Phần lớn danh mục tín dụng của OCB là cho vay khách hàng, chiếm tỷ trọng 97,6%, trái phiếu doanh nghiệp chỉ chiếm một phần nhỏ khoảng 2,4%.

ĐHCĐ OCB: Dự kiến tăng 50% vốn điều lệ lên trên 20.500 tỷ đồng trong năm nay, lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ông Trịnh Văn Tuấn, chủ tịch OCB báo cáo tại đại hội

Đặc biệt, một trong những điểm sáng khác của OCB trong năm qua là đã đưa NIM tăng từ 3,7% trong năm 2021 lên 3,9% trong bối cảnh chênh lệch lãi suất huy động và lãi suất cho vay trên thị trường 1 thu hẹp. Mặc dù tăng trưởng NIM là không quá lớn và vẫn thấp hơn so với các năm trước nhưng kết quả này cho thấy sự nỗ lực hết mình của toàn bộ lãnh đạo và nhân viên của OCB trong năm 2022.

Tỷ trọng cho vay bán lẻ (mảng có biên lợi nhuận cao và tiềm năng phát triển các mảng bán chéo) đã ghi nhận sự thay đổi đáng kể từ 36% năm 2020 lên 40% trong năm 2022. Dư nợ bán lẻ của OCB đã tăng từ 32.100 tỷ đồng lên 49.500 tỷ đồng trong hai năm trở lại đây. Đặc biệt trong năm 2022, tăng trưởng mảng này đạt 30% trong khi mảng khách hàng doanh nghiệp (CIB) chỉ tăng chưa đầy 12%.

Ngân hàng cũng thực hiện đẩy mạnh phát triển khách hàng mới qua kênh ngân hàng số OMNI, gần 80% khách hàng mới của ngân hàng có được qua kênh số. Tính đến cuối năm 2022, số lượng người dùng OCB OMNI tới gần 2 triệu khách hàng, tăng 63% so với năm 2021 và gấp 3,3 lần so với đầu năm 2020. Vai trò của kênh số ngày càng tăng, trở thành kênh giao dịch chính, chiếm trên 90% số lượng giao dịch của ngân hàng.

Trong cơ cấu huy động vốn ở thị trường 1, tiền gửi khách hàng là 102 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% chiếm 74%, giấy tờ có giá là 32 nghìn tỷ đồng, tăng 41,5% chiếm 23%, vốn tài trợ và ủy thác đầu tư là 3,2 nghìn tỷ đồng. Cơ cấu huy động tiền gửi khách hàng dịch chuyển theo hướng bền vững, tăng mạnh huy động từ nhóm khách hàng cá nhân.

Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) luôn được giữ ở mức cẩn trọng (75,6% vào cuối năm 2022) dựa trên việc tính toán hợp lý nhằm tối ưu hoá chi phí, dòng tiền, cân đối các nguồn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn luôn duy trì ở mức an toàn, tuân thủ quy định NHNN. Hệ số an toàn vốn (CAR theo Basel II) đạt 12,84%, cao hơn gấp rưỡi so với mức yêu cầu 8% của Ngân hàng Nhà nước;

Ngân hàng luôn duy trì lượng tài sản thanh khoản cao (19,77% so với mức yêu cầu 10% của NHNN), để đảm bảo các yêu cầu về thanh khoản ngay lập tức, thể hiện qua tỷ lệ dự trữ thanh khoản cao hơn rất nhiều so với yêu cầu của NHNN. Chính vì lẽ đó, OCB có thể đứng vững trước những biến động của thị trường đặc biệt là giai đoạn Quý 4/2022.

Năm 2023 mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 25%

Về định hướng kinh doanh năm 2023, OCB đặt mục tiêu tiếp tục tập trung vào việc phát triển quy mô và hiệu quả hoạt động, trong đó tập trung thúc đẩy hoạt động bán lẻ theo chiến lược 5 năm 2021-2025. Dự kiến tổng tài sản đến cuối năm sẽ tăng 25% lên 242.152 tỷ đồng. Tổng huy động thị trường 1 tăng 26% lên 173.087 tỷ đồng; Dư nợ thị trường 1 tăng khoảng 20% lên 147.330 tỷ đồng. Ngân hàng cũng cho biết, dư nợ tín dụng sẽ được điều chỉnh theo hạn mức tăng trưởng mà Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. 

OCB đề ra mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.

ĐHCĐ OCB: Dự kiến tăng 50% vốn điều lệ lên trên 20.500 tỷ đồng trong năm nay, lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng - Ảnh 1.

Tăng mạnh vốn điều lệ trong năm 2023, lên 20.548 tỷ đồng

Theo Ban lãnh đạo OCB, với kế hoạch tăng trưởng quy mô kinh doanh liên tục hàng năm, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết để giúp Ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của các cơ quan chức năng, cụ thể: Tăng trưởng quy mô, tăng năng lực cạnh tranh và đáp ứng kế hoạch mở rộng mạng lưới giao dịch; Tiếp tục đầu tư cho các hệ thống công nghệ phục vụ cho việc hiện đại hóa ngân hàng, hỗ trợ cho việc phát triển sản phẩm mới, tăng trải nghiệm dịch vụ khách hàng; Đẩy mạnh hoạt động tín dụng, kinh doanh vốn hiệu quả hơn nữa. 

OCB có 7.037 tỷ đồng lợi nhuận để lại, trong đó 2.943 tỷ là lợi nhuận để lại năm 2022 và 4.094 tỷ đồng lợi nhuận để lại của các năm trước. Để phục vụ cho hoạt động kinh doanh, OCB đề xuất sử dụng lợi nhuận để lại và các nguồn khác thuộc vốn chủ sở hữu để tăng vốn điều lệ.

Cụ thể, ngân hàng muốn phát hành gần 685 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 50%. Nếu thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ 13.699 tỷ đồng lên 20.548 tỷ đồng. Thời gian phát hành cụ thể do HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Với số tiền thu được từ tăng vốn, ngân hàng sẽ dùng 6.176 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay; 672 tỷ đồng để mua sắm, xây dựng cơ sở vật chất.

Sau khi tăng vốn điều lệ, Aozora Bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn nắm giữ 15% vốn Ngân hàng.

ĐHCĐ OCB: Dự kiến tăng 50% vốn điều lệ lên trên 20.500 tỷ đồng trong năm nay, lợi nhuận trước thuế 6.000 tỷ đồng - Ảnh 2.

Bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2020 đã thông qua số lượng thành viên HĐQT OCB là 8 thành viên. Hiện nay, HĐQT đang khuyết 1 thành viên. Để phù hợp quy mô và nhu cầu về quản trị, HĐQT trình cổ đông thông qua việc thay đổi số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 từ 8 lên 9 thành viên.

Do đó, HĐQT sẽ bầu nhân sự bổ sung vào HĐQT với các ứng viên là ông Kato Shin và ông Nguyễn Đình Tùng. Ông Kato Shin sinh năm 1966, đang là Cán bộ Điều hành Trưởng Khối Đầu tư châu Á kiêm Trưởng Bộ phận Châu Á Thái Bình Dương tại Ngân hàng Aozora. Còn ông Nguyễn Đình Tùng là Tổng giám đốc OCB từ năm 2012 tới nay. Cả hai nhân sự này đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về danh sách.

Bên cạnh đó, trong kỳ đại hội lần này, HĐQT OCB cũng đã trình cổ đông thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính của ngân hàng. Hiện nay, trụ sở chính được đặt tại số 41 (tầng trệt, tầng lửng, tầng 1 và tầng 2 của tòa nhà) và số 45 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Để đáp ứng nhu cầu phát triển và mở rộng diện tích trụ sở chính, HĐQT OCB nhận thấy tòa nhà The Hallmark, lô 1-13, khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh đáp ứng được yêu cầu của OCB, với vị trí tòa nhà nằm tại khu vực quận trung tâm đang được quy hoạch trở thành trung tâm hành chính, thương mại, dịch vụ mới và lớn nhất của TP.HCM.

Hỏi đáp cổ đông

Cổ đông hỏi:

1) Năm 2022 không đạt kế hoạch lợi nhuận đề ra, vậy cơ sở nào để đạt mục tiêu tăng trưởng gần 40% trong năm nay?

2) Kỳ đại hội 2022, OCB có thông tin chia cổ tức 30% nhưng đến nay chưa thấy thực hiện. Vì sao OCB chậm trễ chia cổ tức? Khi nào cổ đông nhận được cổ tức?

3) Theo thị trường hiện nay, hầu như các ngân hàng đều chạy đua chuyển đổi số và cạnh tranh khốc liệt. OCB có lợi thế nào trong đường đua này? Sự khác biệt của Lion Bank có cạnh tranh trực tiếp với OMNI Bank không?

4) Hiện nay OCB có báo cáo tài chính quý 1 chưa, nếu đã có thì xin cập nhật đến cổ đông để được nắm rõ?

5) Ban kiểm soát chưa đánh giá thực chất báo cáo của Ban điều hành, vì sao chưa đạt được KQKD, dù báo cáo của HĐQT đã đưa ra nhiều lý do tình hình chung cổ đông chấp nhận được, tuy nhiên báo cáo của BĐH, BKS, HĐQT chưa đưa ra lý do nội tại. Nội dung không đạt được phải chăng do nợ xấu tăng cao? Có liên quan đến 2 tập đoàn mà chúng ta cho vay lớn là chỗ FLC và Công ty Đại Nam của ông Huỳnh Uy Dũng?

6) Tỷ lệ nợ xấu hiện chỉ có hơn 1% mà mục tiêu kiểm soát dưới 3% là không hợp lý, chỉ nên dưới 2%?

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc trả lời:

Về KQKD: Phải thừa nhận KQKD 2022 không đạt. Trong quá trình cải tổ, phát triển OCB từ giai đoạn 2012 tới nay thì chỉ duy nhất năm qua ngân hàng không đạt kế hoạch. Ban lãnh đạo OCB đã nghiêm túc đánh giá và xây dựng kế hoạch. Năm 2022 đặt ra trong bối cảnh thị trường rất lạc quan, kinh tế hồi phục, Covid đi qua, các dự báo đều tích cực, nhưng thực tế diễn biến lại không thuận lợi như vậy với các sự kiện bất ngờ là xung đột Ukraine- Nga; sự cố về căng thẳng thanh khoản trong hệ thống, câu chuyện trái phiếu.

Kế hoạch lợi nhuận 2023 nhìn con số thì to (tăng 37%) nhưng thực tế không quá cao và đều dựa trên thực tiễn. Các hoạt động cốt lõi của OCB năm qua tăng trưởng rất tốt, là nền tảng quan trọng để năm nay bứt phá. Năm 2022, hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ bị đóng băng, không đem lại lợi nhuận, hoạt động liên ngân hàng cũng không có lời nhưng vẫn phải làm vì liên quan dự trữ thanh khoản. Bởi vậy hoạt động chính gồm hoạt động tín dụng năm 2022 vẫn đem lại lợi nhuận với tăng trưởng 21%; hoạt động dịch vụ tăng trưởng 29% là mức cao nhất từ trước tới nay. Năm 2023 tiếp tục có các dự báo thận trọng với trái phiếu Chính phủ, hoạt động chính năm nay trông chờ vẫn là tín dụng và dịch vụ.

Dĩ nhiên với mục tiêu 2023 ngân hàng vẫn phải phấn đấu. Như quý đầu năm nay tăng trưởng kinh doanh thấp, thị trường địa ốc suy giảm, đơn hàng thấp…Gần đây Chính phủ đã có các biện pháp hỗ trợ cho nền kinh tế. Chúng tôi nhận chỉ tiêu thì bắt buộc phải thực hiện.

Về KQKD năm 2022 mà cổ đông nói có phải do nợ xấu không? Tôi xin trả lời rằng tín dụng tăng 21% thì loại ngay lý do nợ xấu tăng. 2022 tăng trưởng tín dụng 18% theo mức NHNN cho phép nhưng thu nhập danh mục vẫn tăng cao hơn (21)%) cho thấy chất lượng danh mục cho vay cao hơn.

Với hai khách hàng lớn và FLC và Đại Nam. Hiện OCB đã thu hồi nợ xong của FLC và Đại Nam. Cả 2 danh mục tài sản này đã có người mua và ngân hàng đang cho bên thứ ba thời gian để thu xếp tiền. Đối với toà nhà FLC ở 265 Cầu Giấy, chúng ta mua với giá hợp lý, năm qua FLC khó khăn nên chúng ta cũng chấm dứt hoạt động này. Chúng ta cũng chưa làm thủ tục sang tên, chúng ta có quyền dừng và FLC phải nộp tiền phạt.

Nợ xấu cũng bị ảnh hưởng bởi thực tế thị trường. Nhưng nợ xấu tăng chưa đủ mạnh để ảnh hưởng đến lợi nhuận. Không phải các deal đối với các vụ việc kia mà ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. Chủ yếu lợi nhuận bị giảm là do giảm thu ngoài lãi.

Về tỷ lệ nợ xấu, cuối 2021 tỷ lệ nợ xấu là 0,97% là theo chuẩn mục lúc bấy giờ, nếu theo chuẩn mực đó thì chỉ hơn 1,26% chứ không phải hơn 1,7% như phân loại mới. Kế hoạch đặt ra là nhỏ hơn 3% để phù hợp với bối cảnh thực tế 2023, nhưng Ban Điều hành sẽ nỗ lực hết sức để làm tốt hơn. 

Năm nay, ngay từ đầu năm BĐH chỉ đạo sát sao xử lý nợ xấu nên sẽ phấn đấu kéo tỷ lệ nợ xấu xuống thấp.

Ông Trịnh Văn Tuấn, chủ tịch OCB trả lời

Về cổ tức: Ngay sau khi ĐHCĐ 2022 xong, OCB đã tiến hành các bước phân phối lợi nhuận cho cổ đông. Theo trình tự thủ tục, NH đã làm và được NHNN chấp thuận cho tăng vốn. Nhưng thủ tục tiếp theo phải làm bên Uỷ ban chứng khoán, NHNN, hồ sơ yêu cầu chi tiết và phức tạp hơn nhưng hồ sơ có một số thiếu sót, để đảm bảo quyền lợi cổ đông nên sẽ tính gộp luôn trong năm nay và năm trước để làm luôn, không kéo dài. Ngay sau khi ĐHCĐ phê duyệt tăng vốn 50% thì sẽ trình thủ tục luôn và hi vọng sẽ xong sớm.

Ông Nguyễn Đình Tùng:

Chuyển đổi số là một xu hướng không thể đi ngược. Từ Chính phủ và NHNN cũng đã có các chủ trương định hướng. Người dùng ngân hàng số hiện chiếm 90% lượng khách giao dịch tại ngân hàng. Sự cạnh tranh ở môi trường ngân hàng số là đương nhiên. Đây cũng là mục tiêu trọng yếu của nhiều ngân hàng.

Đến giờ phút này, quy mô tín dụng của OCB ở mức vừa. Để thực thi yêu cầu phát triển đạt mục tiêu vào các NHTM tốt nhất thị trường thì không thể phát triển dàn trải. OCB hiện đang lấy ngân hàng số làm mục tiêu phát triển quan trọng nhất và hàng đầu của ngân hàng.

Ngân hàng sẽ đưa ra các sản phẩm số và số hóa toàn diện quy trình. Đã là mục tiêu thì ngân hàng sẽ cố hết sức. Các đối thủ trong và ngoài nước đều đang đầu tư không kém OCB.

Mục tiêu quan trọng nhất của ngân hàng phải nằm trong top đầu của ngân hàng số.

Trên môi trường số thì OCB không bị thiệt thòi về mặt quy mô. Trên môi trường số các lợi thế về quy mô không còn là điểm mạnh.

Đổi mới số hóa quy trình, công nghệ. Điểm xuất phát phải từ tư duy, từ các lãnh đạo ngân hàng. Nếu tư duy không thay đổi thì không cách nào thay đổi được. OCB có sự nhất quán rất cao trong quá trình số hóa. Đội ngũ lãnh đạo OCB cũng đã nỗ lực chuyển đổi tư duy từ truyền thống sang số hóa.

Trên môi trường ngân hàng số, khách hàng đã chuyển từ trải nghiệm khác biệt mà sang giai đoạn mong muốn nhận được nhiều giá trị hơn. Tiện lợi không còn là mục tiêu cuối cùng mà còn là nhiều giá trị.

BIỂU QUYẾT THÔNG QUA CÁC TỜ TRÌNH VÀ BẦU CỬ

Tất cả các tờ trình của OCB đều được cổ đông thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao.

Về kết quả bầu cử bổ sung thành viên HĐQT, cả ông Nguyễn Đình Tùng (Tổng giám đốc) và ông Kato Shin (đại diện cổ đông lớn Aozora) đều được cổ đông bỏ phiếu bầu vào HĐQT nhiệm kỳ hiện tại với tỷ lệ cao./.

Hằng Kim

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên