ĐHCĐ Petrolimex: Quý 1/2021 ước lãi trước thuế 900 tỷ đồng, năm nay sẽ hoàn thành thoái vốn PGBank
Trong quý 1, sản lượng bán lẻ đạt 1,4 triệu m3, tăng trưởng so với năm 2020 khoảng 6,6%. Ước lợi nhuận dự kiến đạt hơn 900 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 lỗ 1.700 tỷ đồng).
Sáng nay Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.
Năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp nói chung cũng như của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam nói riêng. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 cũng như các yếu tố địa chính trị tại một số điểm nóng trên thế giới, giá dầu thế giới có diễn biến bất thường, dị biệt (lần đầu tiên trong lịch sử, ngày 20/4/2020 giá dầu giao dịch đã xuống mức âm đối với dầu WTI của một số hợp đồng giao dịch kỳ hạn tháng 5/2020), ngành kinh doanh xăng dầu toàn thế giới gặp khó khăn, thua lỗ, nhiều mỏ dầu, nhà máy lọc dầu đóng cửa. Năm 2020 cũng chứng kiến thiên tai, lũ lụt xảy ra liên tiếp và bất thường gây ảnh hưởng nặng nề đến các tỉnh tại khu vực miền Trung. Sự cạnh tranh trên thị trường kinh doanh xăng dầu trong nước ngày càng quyết liệt, đặc biệt là kênh bán hàng qua trung gian.
Mặc dù vậy, sản lượng xăng dầu xuất bán của Petrolimex năm 2020 đạt 12,39 triệu m3,tấn, vượt 8% kế hoạch năm. Doanh thu đạt 123.919 tỷ đồng, vượt 2% kế hoạch năm, lợi nhuận trước thuế đạt 1.414 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 90% kế hoạch năm. Tỷ lệ cổ tức 12% tiền mặt.
Kế hoạch 2021 đạt doanh thu 135.200 tỷ đồng, và 3.360 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 9% và 238% so với thực hiện 2020.
Q&A
Kế hoạch thoái vốn Nhà nước tại Petrolimex?
Ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Tập đoàn: Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1232/QĐ-TTg, theo đó Nhà nước có lộ trình thoái vốn tại Petrolimex từ 75,85% xuống tới 51%. Sau đó đến năm 2020, Chính phủ lại ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg để thay thế Quyết định 1232 và lộ trình thực hiện thoái vốn được đặt ra trong năm 2020. Tuy nhiên kế hoạch này lại một lần nữa được điều chỉnh khi gần đây Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp cùng Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan xây dựng lộ trình và tỷ lệ thoái vốn phù hợp tại các doanh nghiệp lớn, trong đó có Petrolimex. Hiện Petrolimex vẫn đang chờ chỉ đạo và hướng dẫn từ Ủy ban quản lý vốn Nhà nước để tổ chức triển khai thực hiện.
Tình hình thoái vốn tại PGBank?
Hiện nay PLX đang tiến hành thuê các công ty tư vấn chuyên nghiệp bao gồm tư vấn pháp lý, tư vấn chào bán và tư vấn thẩm định giá giá trị phần vốn góp của PLX tại PG Bank. Tập đoàn cũng đang báo cáo xin ý kiến các cơ quan quản lý chuyên ngành như NHNN và Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước để hoàn tất các thủ tục liên quan đến việc thoái vốn này. Chúng tôi đặt kế hoạch sẽ hoàn tất việc thoái 40% phần vốn góp tại PG Bank trong năm 2021 này.
Liệt kê một số thay đổi quan trọng của Nghị định 83 tác động đến Petrolimex, PLX có chiến lược kinh doanh nào để thích ứng?
Ông Trần Ngọc Năm, phó Tổng giám đốc: Đến thời điểm này các cơ quan liên Bộ đã lấy ý kiến các bên liên quan, Nghị định 83 chưa được chính thức ban hành, chúng tôi cập nhật một số thông tin mà PLX có được, còn quyết định cuối cùng phải được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành thì các thay đổi mới chính thức.
Nội dung cơ bản trong Nghị định 83 sửa đổi dự kiến có cái khác so với trước dây:
ĐỐi với các thương nhân phân phối được quyền bán sản phẩm xăng dầu cho nhau và bán trực tiếp cho các hộ bán buôn trực tiếp
Trong Nghị định có điểm mới là đưa phương tiện bán xăng dầu mini với khối lượng tĩnh 200 lít và dự kiến phương tiện bán xăng dầu mini tại các địa bàn vùng sâu xa, địa bàn khó khăn, Bộ Công thương sẽ có công bố chính thức địa bàn nào được sử dụng phương tiện mini này
Thời gian dự trữ lưu thông, Nghị định 83 trước đây đầu mối dự trữ tối thiểu 30 ngày, căn cứ thực tiễn Nhà nước cân nhắc khi các nhà máy lọc dầu chủ động cung ứng sản phẩm thương mại. Các thương nhân phân phối có hệ thống kho chứa nên các Bộ tham mưu Chính phủ trình lên việc dự trữ giảm xuống còn 20 ngày, các thương nhân phân phối dự trữ sản phẩm thời gian 5 ngày.
Về dự kiến, chu kỳ điều hành giá của Liên Bộ theo Nghị định 83 điều hành 15 ngày/lần tăng hoặc giảm, để giá điều hành sát với giá xăng dầu thế giới sát với thị trường thì sẽ điều chỉnh giảm từ 15 ngày còn 10 ngày.
Tuy nhiên quan các thông tin truyền thông, đối với các nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua cổ phần không quá 35% nhưng do ý kiến khác nhau nên lần trình cuối cùng của Bộ Công thương với Chính phủ, nội dung tham gia các DN nước ngoài ở các thương nhân xăng dầu đầu mối sẽ có cân nhắc.
Sự thay đổi này có ảnh hưởng bất lợi như thế nào đến PLX? Đứng trên góc độ PLX tất cả thay đổi được Liên bộ và các cơ quan Chính phủ có ý kiến đóng góp thì những thay đổi này đảm bảo bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh xăng dầu chứ không làm khó khăn thêm cho các doanh nghiệp.
Các dự án chuyển đổi số của PLX ra sao?
Ông Phạm Đức Thắng, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn
Ông Phạm Đức Thắng, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn: PLX là tập đoàn kinh doanh 6 lĩnh vực chính và xăng dầu là cốt lõi, PLX là tập đoàn tiên phong trong việc sử dụng số hoá, chương trình ERP triển khai từ năm 2009 và bắt đầu sử dụng năm 2013. Chúng tôi đã có chương trình CNTT cũng như tự động hoá trong lĩnh vực xăng dầu. Tựu chung lại một số nội dung như sau:
Năm 2021 PLX đầu tư cho dự án DR về quản lý số liệu big data. Chúng tôi triển khai các phân hệ phần mềm trên cơ sở vật chất sẵn có là ERP Sharp về quản lý tài sản, đơn hàng…ngoài quản lý về hao hụt, hàng hoá. Trên cơ sở được phê duyệt của HĐQT, PLX triển khai 43 công ty xăng dầu về tự động hoá trong đó tự động hoá kho bể là nòng cốt. Ngoài ra PLX thực hiện các giải pháp liên quan đến số hoá như thanh toán không dùng tiền mặt, Petrolimex ID, cửa hàng xăng dầu thông minh…
Về tăng sản lượng 2021?
Ông Trần Ngọc Năm Phó Tổng giám đốc: Ngày 20/4/2021, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước có văn bản liên quan kế hoạch 2021, PLX đã xây dựng đánh giá các yếu tố tác động. Mặc dù Covid phức tạp tại các nước láng giềng tiềm ẩn rủi ro đến hoạt động của PLX, tập đoàn đặt kế hoạch sản lượng nội địa tăng 2%. Trong tổng sản lượng, sản lượng bán lẻ tăng trưởng 2,45% như vậy bán lẻ chiếm 58-60% trên tổng sản lượng. Các phương thức khác giảm hơn so với thực hiện 2020 do gần đây có nhiều thương nhân đầu mối được Bộ cấp phép trong bối cảnh tổng nhu cầu không tăng nên việc phân chia thị phần được san sẻ. PLX hiện nay tập trung chính vào bán lẻ nên bán lẻ tăng trưởng cao hơn mức bình quân.
PLX có áp dụng triển khai M&A các cửa hàng xăng dầu đối thủ không?
Ông Trần Ngọc Năm Phó Tổng giám đốc: Trong hoạt động kênh phân phối không chỉ PLX, với các thương nhân đầu mối thì cùng với việc xây dựng các cửa hàng mới thì các thương nhân đầu mối trong đó có PLX áp dụng giải pháp mua lại cửa hàng của các công ty khác, việc mua chủ yếu tập trung vào việc phát triển các cửa hàng của các đối tượng xã hội, cả nước có 16.000 xăng dầu nhưng PLX chỉ có khoảng 2.600-2.700 cửa hàng, các cửa hàng khác khá lớn. Chính vì vậy việc chuyển nhượng cửa hàng là các giải pháp mà PLX tính đến. Hàng năm với PLX chúng tôi phát triển xây dựng đầu tư mới là chủ yếu và một phần mua lại các cửa hàng xã hội.
Kết quả quý 1/2021?
Ông Trần Ngọc Năm: Kết thúc quý 1, sản lượng bán đạt gần 3,3 triệu m3,tấn, bán nội địa gần 2,3 triệu m3, so với kế hoạch đạt 25% cả năm, đúng tiến độ đang xây dựng. Trong dịp Covid cuối tháng 1/2021 đã ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, vẫn tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý 1, sản lượng bán lẻ đạt 1,4 triệu m3, tăng trưởng so với năm 2020 khoảng 6,6%. Ước lợi nhuận dự kiến đạt hơn 900 tỷ đồng (cùng kỳ 2020 lỗ 1.700 tỷ đồng). Năm nay tiềm ẩn kiểm soát dịch bệnh rất khó nói, khiến giá xăng dầu có thể trồi sụt, nếu không kiểm soát được giá xăng dầu sẽ biến động rất mạnh. Do đó các cuộc họp của HĐQT quán triệt phải phấn đấu ngay từ đầu năm
Vụ việc của giám đốc công ty xăng dầu Long An khiến lo lắng về chất lượng của PLX?
Ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc: Chúng tôi có 23.000 cán bộ nhân viên, sự việc liên quan đến giám đốc xăng dầu Long An, anh Tiến là người lãnh đạo của PLX tại địa bàn tỉnh tuy nhiên theo báo cáo của cơ quan hữu quan thì đây là hành vi cá nhân của anh Tiến không liên quan đến tổ chức PLX. Kim chỉ nam của PLX là phải xây dựng hình ảnh PLX trong lòng người tiêu dùng nên chúng tôi đặt mục tiêu cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, mặc dù hiện nay PLX kinh doanh nhiều mặt hàng và có nhiều mặt hàng mới như Diesel0.5, toàn bộ công tác tạo nguồn do văn phòng tập đoàn phụ trách bán trên toàn bộ cửa hàng và các cửa hàng thương mại, đảm bảo chất lượng. Với các cột bơm của chúng tôi sử dụng cột Tatsulo của Nhật không có tác động gắn chip để gian lận về mặt số lượng được, các kho xăng dầu và các phương tiện vận tải đảm bảo mua, tồn chứa và bán ra tới các cửa hàng. Về mặt quản trị, chúng tôi xây dựng phần mềm quản lý tới tận cửa hàng, các cửa hàng trưởng không thể nhập hàng ngoài vào cửa hàng chúng tôi, chúng tôi liên tục thanh tra kiểm tra bằng thẻ, kiểm tra độc lập và không thông báo trước kể cả cho tổng giám đốc, phó tổng giám đốc công ty. Với cách thức như vậy việc quản lý về mặt số lượng chất lượng là rất chặt chẽ. Mặc dù vậy sự việc Petrolimex Long An là rất đau lòng với PLX.
Ông Phạm Văn Thanh: PLX đánh giá rất cao việc các cơ quan chức năng đã điều tra và xử lý các chuyên án liên quan đến đường dây buôn lậu, sản xuất, mua bán xăng giả vừa qua. Đây là một động thái tích cực cho thấy Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước ngày càng sát sao, giám sát chặt chẽ hơn việc kinh doanh mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, và qua đó làm minh bạch, lành mạnh hóa thị trường kinh doanh mặt hàng này. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu làm ăn bài bản, nghiêm túc. Về phía Petrolimex, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục duy trì và củng cố uy tín, hình ảnh thương hiệu của Tập đoàn Xăng dầu quốc gia; tiếp tục tăng cường kiểm tra giám sát các đơn vị thành viên trên toàn hệ thống để đảm bảo cung cấp ra thị trường các sản phẩm với chất lượng tốt nhất, đi kèm với các dịch vụ, tiện ích nhất cho khách hàng.
Dự kiến quý 3/2021 sẽ áp dụng triển khai POS tại các cửa hàng xăng dầu tại các thành phố lớn.
Cổ đông nắm giữ 1 triệu cổ phiếu PLX: Tôi thấy kế hoạch 3.360 tỷ là quá thấp, phải nâng lên 6.000 tỷ? Trong hơn 1 năm qua, giá cổ phiếu xăng dầu, dầu khí (họ P) tăng mạnh nhưng riêng cổ phiếu PLX không tăng thậm chí giảm? Ban lãnh đạo có phương án nào để hỗ trợ cho giá cổ phiếu PLX tăng trở lại hay không?
Ông Phạm Đức Thắng, Tổng giám đốc: Điều kiện kinh doanh năm ngoái không thuận lợi, không phải điều gì chúng ta cũng làm tốt nên cần có sự rút kinh nghiệm trong ban điều hành để chờ và tận dụng cơ hội quay trở lại. Covid vẫn đang diễn biến phức tạp và quý cổ đông có ý kiến cho rằng lợi nhuận kế hoạch 2021 ở mức 3.360 tỷ là thấp. Đúng là chúng tôi đã phải hết sức cân nhắc vì như năm 2020, chúng tôi đặt kế hoạch lợi nhuận dựa trên kịch bản Covid kết thúc vào quý 2, nhưng thực tế dịch vẫn kéo dài và Tập đoàn chỉ hoàn thành 90% kế hoạch. Chúng tôi xây dựng một số chỉ tiêu nhưng phụ thuộc vào bối cảnh chúng ta dự báo có phù hợp hay không, chúng tôi quan ngại nhất việc giá dầu thô thay đổi đột ngột vì PLX vẫn phải dự trữ 30 ngày theo Nghị định 83. Kết quả kinh doanh quý 1 chúng tôi đang đi đúng kế hoạch đặt ra.
Trong đợt bán 25 triệu cổ phiếu quỹ gần nhất của Tập đoàn, đối tác chiến lược ENEOS cũng đã quan tâm và thực hiện mua số lượng cổ phiếu này trên sàn chứng khoán. Hiện cổ đông Nhật Bản này vẫn đang quan tâm và mong muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn. Điều đó cho thấy Tập đoàn năng lượng lớn nhất Nhật Bản này đánh giá cơ hội phát triển và tăng trưởng của Petrolimex trong dài hạn là rất tiềm năng. Chúng tôi mong rằng các cổ đông khác cũng có một tầm nhìn và đánh giá như ENEOS để yên tâm nắm giữ cổ phiếu PLX. Chúng tôi không làm hình ảnh trên thị trường chứng khoán, mà sẽ chỉ tập trung để làm những gì tốt nhất đóng góp cho doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao giá trị doanh nghiệp và lợi ích cho các cổ đông, nhà đầu tư.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị