ĐHCĐ PVcomBank: Tổng giám đốc và Phó tổng giám đốc tham gia Hội đồng quản trị
Các tờ trình đều được cổ đông thông qua với tỷ lệ trên 99%.
Cùng với Sacombank thì đây là hai ngân hàng tổ chức đại hội muộn nhất trong mùa đại hội cổ đông năm nay.
Theo kế hoạch, đại hội sẽ trình cổ đông thông qua một loạt các nội dung quan trọng như: kết quả kinh doanh, báo cáo quản trị năm 2016 và kế hoạch 2017; báo cáo tình hình tái cơ cấu; sửa đổi điều lệ.
Đặc biệt đại hội có nội dung liên quan đến nhân sự cấp cao, cụ thể là thông qua Đơn từ nhiệm và bầu bổ sung nhân sự thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2013-2018 và bầu bổ sung Ông Nguyễn Hoàng Nam – Tổng Giám đốc PVcomBank, Ông Ngô Ngọc Quang – Phó Tổng Giám đốc PVcomBank giữ chức vụ Thành viên HĐQT chuyên trách nhiệm kỳ 2013 – 2018.
9h00, đại hội chính thức bắt đầu.
Theo báo cáo của ông Nguyễn Đình Lâm, chủ tịch HĐQT, năm 2016 là năm đầu tiên của giai đoạn hai (2016 – 2020) PVcomBank thực hiện Đề án tái cơ cấu được Chính phủ, NHNN phê duyệt và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. PVcomBank có hành lang pháp lý thuận lợi trong việc triển khai các nội dung tái cơ cấu, hoàn thiện hệ thống, củng cố năng lực quản trị và cải cách phương thức kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đây cũng là năm ghi nhận bước phát triển đột phá của PVcomBank về mạng lưới chi nhánh với 115 điểm giao dịch tại các tỉnh thành trên cả nước.
Bên cạnh đó, PVcomBank đã hoàn thiện mô hình tổ chức theo tiêu chí tinh giản, hiệu quả... Hệ thống quản trị rủi ro được nâng cấp thông qua hiện đại hóa công nghệ thông tin, thiết lập phần mềm quản lý, đồng bộ hóa hệ thống và xây dựng các tuyến phòng thủ chặt chẽ. Đặc biệt, việc chuyển đổi thành công hệ thống Core Banking T24, đáp ứng chuẩn mực Basell II...
Năm 2016 ngân hàng lãi hơn 65 tỷ đồng, kế hoạch lãi 87 tỷ cho năm 2017
Theo báo cáo do ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc trình bày, kết thúc năm 2016, PVcomBank đạt lợi nhuận trước thuế 65,4 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch. Tổng tài sản đạt 113.958 tỷ đồng, tăng khoảng 16.000 tỷ đồng so với 31/12/2015.
Năm 2017, PVcomBank đặt kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với năm trước, đạt 87 tỷ đồng. PVcomBank sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực tài chính, thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng vốn, đảm bảo nguồn vốn cho phát triển kinh doanh và tuân thủ tỷ lệ an toàn, gia tăng hiệu quả kinh doanh, tái cấu trúc toàn diện danh mục tài sản, nâng cao chất lượng tài sản và xử lý nợ xấu…
Tập đoàn Dầu khí lập tổ công tác hỗ trợ PVcomBank tái cơ cấu
Liên quan đến đề án tái cơ cấu PVcomBank đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, PVcomBank cho biết đã xây dựng kế hoạch chi tiết báo cáo NHNN, Tập đoàn Dầu khí (PVN). Ngày 20/12/2016, PVN đã quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ thực hiện đề án tái cơ cấu PVcomBank. Tổ công tác đã họp hàng tháng để cập nhật kết quả thực hiện, đồng thời hỗ trợ PVcomBank tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong quá trình thực hiện đề án.
Ngân hàng cũng đã làm việc với các Bộ ngành liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng để xử lý các đề xuất đã nêu tại Đề án, đồng thời phối hợp với cơ quan thanh tra, giám sát NHNN Hà Nội trong việc triển khai đề án.
Không chia cổ tức trong giai đoạn tái cơ cấu
Trước khi trình bày báo cáo phân bổ lợi nhuận năm 2016, đại diện ngân hàng cho biết theo quy định trong giai đoạn tái cơ cấu ngân hàng sẽ không được chia cổ tức. Như vậy, với giai đoạn tái cấu trúc giai đoạn 2 là từ 2016-2020, cổ đông PVcomBank cũng sẽ không nhận được cổ tức.
Thù lao cho HĐQT, BKS năm 2017 là 9,3 tỷ
Liên quan đến thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát, năm 2016 ngân hàng được cổ đông phê duyệt quỹ tiền lương và thù lao năm 2016 là hơn 10 tỷ đồng cho 12 người, nhưng HĐQT đề nghị quyết toán mức 8,6 tỷ đồng theo mức hoàn thành nhiệm vụ (tương đương 85% kế hoạch).
Năm 2017, ngân hàng trình quỹ lương và thù lao là 9,3 tỷ đồng, trong đó của hội đồng quản trị là hơn 6,6 tỷ và của Ban kiểm soát hơn 2,7 tỷ đồng.
Bầu bổ sung 2 thành viên Hội đồng quản trị
HĐQT đề nghị thông qua việc từ nhiệm HĐQT của ông Nguyễn Hoàng Linh, nguyên là Tổng giám đốc của ngân hàng này vì lý do cá nhân.
Do một thành viên từ nhiệm nên HĐQT đề nghị bầu bổ sung ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc, vào hội đồng quản trị với chức danh thành viên chuyên trách. Ông Nam sinh năm 1975, là thạc sĩ Quản trị kinh doanh, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quản lý quan trọng tại Techcombank, PVFC trước khi là Phó Tổng giám đốc PVcomBank (từ 2013 đến tháng 7/2016) và Tổng giám đốc ngân hàng này từ đó tới nay.
Đại hội đồng thời đề nghị bầu bổ sung ông Ngô Ngọc Quang hiện là Phó Tổng giám đốc vào làm thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị.
11h40, đại hội bước vào phần thảo luận
Ông Nguyễn Đình Lâm trả lời các câu hỏi của cổ đông
Cổ đông: Bao giờ cổ phiếu PVcomBank niêm yết, bao giờ có cổ tức, kế hoạch tái cấu trúc có khi nào kéo dài đến 2030 không, quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ ra sao?
Ông Nguyễn Đình Lâm: Việc tái cấu trúc mà đã được Chính phủ phê duyệt là mục tiêu để bảo vệ quyền lợi và vốn đầu tư của cổ đông.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận, trước đây nguyên là một công ty tài chính (PVFC) với mô hình đem lại rủi ro. Trong quá trình cổ phần hóa, cổ phần lên giá cao gây khó khăn rất lớn cho hoạt động. Cho đến nay, chỉ có công ty tài chính dầu khí hợp nhất để trở thành ngân hàng PVcomBank như ngày hôm nay. Công ty tài chính có nguồn vốn lớn, đã niêm yết, nhưng trong cuộc khủng hoảng có khó khăn lớn, khi hợp nhất với WesternBank, khi ấy ngân hàng cũng rất khó khăn. Việc hỗ trợ về chính sách, phương án đánh giá lúc bấy giờ là để không đổ vỡ hệ thống, vì nếu chẳng may đổ vỡ mà các cổ đông, kể cả cổ đông lớn đã không còn gì.
Thời gian qua, từ đầu 2014 đã bước vào hoạt động ngân hàng. Năm 2016 NHNN đánh giá về cơ bản đã bước qua giai đoạn khó khăn, và bước vào giai đoạn 2 từ 2016 là tiếp tục ổn định để đảm bảo quyền lợi cho cổ đông.
Lãnh đạo ngân hàng mong muốn sớm phát triển, sớm có cổ tức lớn, nhưng hoạt động của ngân hàng không thể hôm nay thế này ngày mai thế khác, đã có khó khăn thì phải có lộ trình giải quyết, chứ nóng vội có thể đem đến rủi ro hơn.
Về việc niêm yết, trong đề án đã được phê duyệt thì sau 2020 phải rất cố gắng mới niêm yết được. Chính phủ yêu cầu không được chia cổ tức dưới bất kỳ hình thức nào mà tập trung xử lý khó khăn. Đây là điều mà các cổ đông lớn ngay như cả PVN cũng quan ngại song tập đoàn rất hỗ trợ ngân hàng.
Cổ đông hỏi: Xin cho biết các kết quả thanh tra của NHNN với PVcomBank?
Ông Nguyễn Đình Lâm: Tại kết luận thanh tra mới nhất, chỉ có một số khoản có sự tham gia của ông Nguyễn Hoàng Nam là ký trình xin cấp tín dụng... Về nguyên lý, những người có tên ký trong các tài liệu của các hồ sơ gây nên nợ xấu thì đều được nêu tên. Ngoài ra, các khoản nợ nằm trong nợ xấu được NHNN chấp thuận đều là nợ đúng quy định và có tài sản đảm bảo chứ không phải không. Tất cả các khoản đó đến nay đều có phương án thu hồi cả gốc lẫn lãi. Với nghị quyết về xử lý nợ xấu do Quốc hội vừa thông qua, việc xử lý tài sản đảm bảo sẽ diễn ra nhanh hơn.
12h10: Đại hội thông qua kết quả biểu quyết và kiểm phiếu
Các tờ trình đều được cổ đông thông qua với tỷ lệ trên 99%.
Liên quan kết quả kiểm phiếu, cổ đông nhất trí bầu ông Nguyễn Hoàng Nam, Tổng giám đốc vào Hội đồng quản trị với tỷ lệ đồng ý 99,91% số cổ phần có quyền được bỏ phiếu.
Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Tổng giám đốc, được thông qua với tỷ lệ 99,87% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Trí Thức Trẻ