MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ Sacombank: Đại hội trực tuyến, cổ đông chất vấn nhiều câu hỏi "nóng"

05-06-2020 - 09:34 AM | Tài chính - ngân hàng

Cổ đông ngân hàng cũng đặt nhiều câu hỏi đối với Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát chưa cho ngân hàng chia cổ tức dù lợi nhuận tốt.

Sáng nay ngày 5/6, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – mã chứng khoán STB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2019. Đại hội được tổ chức theo hình thức họp trực tuyến – là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam tổ chức theo hình thức này, nhằm tạo điều kiện cho cổ đông trên toàn quốc tham dự, đồng thời đảm bảo tuân thủ các quy định và hướng dẫn về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Chương trình họp Đại hội trực tuyến của Sacombank thông qua website http://codong.sacombank.com khá dễ dàng thao tác, được xây dựng trên nền tảng công nghệ hiện đại và khai thác tối đa lợi thế của hạ tầng điện toán đám mây nên có tính ổn định và bảo mật cao, đảm bảo cho số lượng lớn cổ đông tham gia.

Với các thiết bị cá nhân có kết nối internet, gần 71.000 cổ đông ngân hàng hoàn toàn chủ động trong việc tham gia, theo dõi đại hội, gửi ý kiến và bỏ phiếu biểu quyết mà không phụ thuộc vào việc phải đến địa điểm tổ chức.

Đại hội của Sacombank cũng được livestream trên Fanpage của ngân hàng.

ĐHCĐ Sacombank: Đại hội trực tuyến, cổ đông chất vấn nhiều câu hỏi nóng - Ảnh 1.

Cổ đông Sacombank bỏ phiếu trực tuyến (ảnh chụp màn hình trực tiếp đại hội)

Trở lại mạnh mẽ

Báo cáo tại đại hội, ông Phạm Văn Phong, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng quản trị cho biết, trong năm 2019 Sacombank ghi nhận sự tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực hoạt động; hoàn thành 3 trong số 6 chỉ tiêu chính, các chỉ tiêu còn lại cũng đạt kết quả khả quan với tỷ lệ trên 97% kế hoạch mặc dù hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do hạn chế về tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, tổng tài sản hơn 453 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với đầu năm, đạt 99,% kế hoạch; Huy động vốn tăng 11,9% đạt hơn 414 nghìn tỷ đồng – đạt 97,8% kế hoạch; dư nợ tín dụng tăng 15,3% đạt hơn 296 nghìn tỷ đồng – đạt 99,4% kế hoạch; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,9%, giảm 0,22% so với mức 2,11% của năm trước – đạt kế hoạch cổ đông giao dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng tăng 43,2% đạt 3.217 tỷ đồng và sau thuế đạt 2.455 tỷ đồng, tăng 37,1% so với năm 2018 – đạt 121,4% kế hoạch. Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn (ROE) lần lượt đạt 0,57% và 9,56%, tăng 0,11% và 0,28% so với năm 2018. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 1.119 đồng, tăng 338 đồng so với năm trước. Các tỷ lệ an toàn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Trong năm qua, Hội đồng quản trị Sacombank cũng đã thực hiện nhiều nội dung quan trọng do cổ đông giao, trong đó có việc kiến nghị NHNN chấp thuận phương án chi trả cổ tức cho cổ đông (trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại phù hợp với kết quả tài chính hàng năm nhằm nâng cao vị thế của Sacombank trên thị trường và đảm bảo hài hoà lợi ích của cổ đông). Tuy nhiên đến nay Sacombank vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi. HĐQT cho biết sẽ tiếp tục theo dõi và thực hiện nhiệm vụ này.

Báo cáo thêm về kết quả điều hành 2019, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, trong năm qua hoạt động của ngân hàng và các công ty con đều cải thiện đáng kể so với các năm trước. Trong đó lợi nhuận của công ty quản lý nợ và khai thác tài sản SBA  tăng 60%; của công ty cho thuê tài chính SBL tăng 21%; của công ty kiều hối SBR tăng 109%; của công ty vàng bạc đá quý SBJ tăng 158%; Sacombank Lào lợi nhuận đạt 1 triệu USD. Riêng tình hình của Sacombank Campuchia đang nỗ lực xử lý và thu hồi nợ và phải trích lập dự phòng cao nên mức lợi nhuận bị âm 2,6 triệu USD, dự kiến năm 2020 sẽ xứt lý dứt điểm các khoản nợ xấu và có lợi nhuận dương trở lại.

Nhìn chung trong năm 2019, theo lãnh đạo Sacombank, ngân hàng đã có những bước tiến vượt bậc và trở lại mạnh mẽ trên thị trường với thị phần được gia tăng, mạng lưới rộng mở, lợi nhuận trở về mức cao của nhiều năm.

ĐHCĐ Sacombank: Đại hội trực tuyến, cổ đông chất vấn nhiều câu hỏi nóng - Ảnh 2.

Tổng giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm báo cáo tại đại hội

Về kế hoạch 2020, lãnh đạo Sacombank cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới và Việt Nam biến động theo chiều hướng tiêu cực, đặc biệt trước ảnh hưởng của Covid-19 ngay từ những ngày đầu năm. Mặc dù vậy ngân hàng vẫn tự tin đặt mục tiêu tăng tổng tài sản thêm 10% lên hơn 498 nghìn tỷ đồng; tổng huy động vốn tăng 10% lên trên 457 nghìn tỷ; dư nợ tín dụng tăng 11% đạt hơn 329 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.573 tỷ đồng và nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, ngân hàng sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt kế hoạch lợi nhuận bằng với năm 2019 tức hơn 3.200 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện tái cơ cấu được đẩy nhanh

Cũng theo báo cáo của lãnh đạo Sacombank tại đại hội, năm 2019 là năm thứ 3 Sacombank thực hiện đề án tái cơ cấu và đạt nhiều thành quả quan trọng. 

Các chỉ số sinh lời cải thiện rõ rệt so với trước tái cơ cấu như ROE tăng gấp 27 lần năm 2016; ROA tăng gấp 23 lần; NIM tăng gấp 1,5 lần; Trích lập luỹ kế được 6.200 tỷ đồng để xử lý các tài sản tồn đọng, vượt 158,9% so với tiến độ; doanh số thu hồi và xử lý nợ trong riêng năm 2019 đạt 18.400 tỷ trong đó thuộc đề án là hơn 12.400 tỷ đồng, nâng tổng số luỹ kế thu hồi và xử lý nợ lên 38.346 tỷ đồng; Tài sản tồn đọng giảm 35,6% so với năm 2016; Các tỷ lệ an toàn vốn được kiểm soát theo quy định của NHNN.

Ngoài những thành quả đạt được thì Sacombank cũng có những tồn tại, hạn chế như quy mô kinh doanh và tín dụng chưa đạt mức tăng trưởng cao như tại Đề án do bị hạn chế về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo quy định của NHNN nên Sacombank phải cân đối nguồn vốn và tổng tài sản phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn; Tiến độ thu hồi và xử lý nợ tại đề án chưa phù hợp với thực trạng hiện nay do phụ thuộc vào thị trường bất động sản và các vướng mắc pháp lý tài sản đảm bảo vẫn chưa được tháo gỡ.

Đại hội cổ đông thảo luận

Ông Dương Công Minh, chủ tịch HĐQT cho biết, các cổ đông có thể trao đổi ý kiến trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử, đều có giá trị như nhau. Đại hội trực tuyến là để tuân theo quy định về phòng chống dịch bệnh Covid-19, điều này có thể gây khó khăn cho các cổ đông cao tuổi và ông chủ tịch Sacombank mong được cổ đông thông cảm bởi đây là sự việc bất khả kháng.

ĐHCĐ Sacombank: Đại hội trực tuyến, cổ đông chất vấn nhiều câu hỏi nóng - Ảnh 3.

Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh trao đổi với cổ đông

Cổ đông 1 hỏi: Sacombank xem xét lại chiến lược với nhà đầu tư tổ chức (tiếp xúc nhà đầu tư như một số ngân hàng khác). Ban lãnh đạo cho biết có hay không sự uỷ quyền cho ngân hàng khác về tài sản tại khu công nghiệp Phong Phú? Mục tiêu xử lý nợ xấu năm nay bao nhiêu?

Cổ đông 2 hỏi: Với lợi nhuận hơn 3.200 tỷ đồng cổ đông ghi nhận HĐQT làm tốt. Năm nay không chia cổ tức nhưng năm sau phải chia 3-5%?

Cổ đông 3 hỏi: Là ngân hàng cũng lớn vì sao giá cổ phiếu thấp?

Ông Nguyễn Miên Tuấn, phó chủ tịch HĐQT trả lời: 

Thực tế giá cổ phiếu Sacombank thời gian qua dao động quanh mức 10.000 theo thực tế diễn biến thị trường chứng khoán. Đầu năm 2020, cổ phiếu STB có lúc lên gần 13.000 đồng, sau đó Covid-19 xảy ra bị bán hàng loạt, STB có lúc xuống đáy 7.500, hiện tại lên trên 10.000 đồng là đã có sự tăng trưởng tở lại khá ấn tượng. Hiện STB giá trị sổ sách xấp xỉ 15.000 đồng, đang giao dịch dưới giá trị sổ sách có thể là cơ hội để cổ phiếu đi lên sau khi quá trình tái cấu trúc thành công.

Về việc không chia cổ tức, đây là vấn đề HĐQT thấu hiểu và chia sẻ với cổ đông. HĐQT đã đề nghị NHNN cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu nhưng tới nay vẫn chưa thông qua đề xuất. Lợi nhuận giữ lại của Sacombank riêng lẻ hơn 4.500 tỷ đồng, hợp nhất là hơn 5.000 tỷ, hiện tại chưa được chia thì sau này sẽ được hưởng.

Về việc gặp mặt nhà đầu tư tổ chức thường niên, đây là thông lệ tốt mà một số công ty đang triển khai. Tuy nhiên một vài năm gần đây Sacombank tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ, phát triển hoạt động kinh doanh, vấn đề này sẽ ghi nhận và thực hiện thời gian tới. 

Về khách hàng KCN - KĐT Phong Phú, khách hàng rất hợp tác và uỷ quyền cho ngân hàng. Sacombank đã nhiều lần thông báo, tuy nhiên tại KCN-KĐT này có nhiều vấn đề tồn tại nên tạm thời được yêu cầu từ phía UBND Thành phố tạm dừng bán đấu giá để chờ tháo gỡ vướng mắc.

ĐHCĐ Sacombank: Đại hội trực tuyến, cổ đông chất vấn nhiều câu hỏi nóng - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Miên Tuấn trả lời cổ đông

Cổ đông tại đầu cầu Hà Nội hỏi: Dự kiến khi nào chi trả cổ tức? Đề nghị cổ đông lớn đại diện cho các cổ đông Sacombank là NHNN (đại diện 53%) có ý kiến quyết liệt với NHNN tạo điều kiện để chúng ta xử lý nhanh được các khoản nợ xấu, bảo vệ tài sản của Sacombank? 5 tháng lãi bao nhiêu?

Cổ đông tại đầu cầu TPHCM: Có thể ứng cổ tức cho cổ đông để động viên, nếu ít thì 2%, vài năm nữa khá hơn sẽ chia cao hơn?

Cổ đông tại TPHCM: Đề nghị NHNN có ý kiến, tại sao NHNN chen chân vào việc chia cổ tức của ngân hàng? NHNN chỉ nên giám sát, quản lý về chính sách? 

Ông Dương Công Minh trả lời: Lợi nhuận tích luỹ hiện tại hơn 4.000 tỷ đồng, nhưng ngân hàng là đơn vị kinh doanh có điều kiện nên phải được NHNN đồng ý mới được chia. Thay mặt cổ đông chúng tôi sẽ tiếp tục xin NHNN.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Kế hoạch xử lý nợ xấu năm nay là 11.000 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm, nợ xấu đã được đấu giá và đang làm thủ tục chuyển giao đã lên đến 9.700 tỷ đồng, kế hoạch cả năm chắc chắn vượt.

Cổ đông hỏi: Vì sao kế hoạch 2020 lại giảm so với 2019? Covid-19 ảnh hưởng thế nào tới ngành ngân hàng?

Ông Dương Công Minh: Các chỉ tiêu của Sacombank năm nay phần lớn đều cao hơn so với 2019, nhưng nếu dịch bệnh qua sớm thì sẽ cố gắng vượt kế hoạch và bằng năm 2019. 

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Hiện dư nợ 25.000 tỷ đồng của Sacombank đang nhận yêu cầu của khách hàng về giảm lãi suất do tác động của Covid-19. Đây là con số lớn, nếu giảm lãi suất 1-2% sẽ ảnh hưởng lợi nhuận. Tuy nhiên ngân hàng sẽ phấn đấu đạt cao hơn.

Lợi nhuận 5 tháng đầu năm nay cao hơn 5 tháng đầu năm 2019. Các chỉ tiêu huy động vốn và tín dụng tăng trên dưới 5% Lợi nhuận trước thuế khoảng 1.303 tỷ đồng.

Còn các vấn đề khác liên quan đến NHNN, Sacombank mong muốn đại diện NHNN trả lời giúp.

ĐHCĐ Sacombank: Đại hội trực tuyến, cổ đông chất vấn nhiều câu hỏi nóng - Ảnh 5.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm trả lời cổ đông

Cổ đông Kim Cúc hỏi: Tại sao thời ông Trầm Bê còn ở đây NHNN không giám sát, vì sao trước khi sáp nhập không cảnh báo mà đến bây giờ lại giám sát khi ngân hàng làm tốt. Nếu không có ông Trầm Bê vào thì ngân hàng có cần phải tái cơ cấu không, bây giờ đã vững mạnh? 

Ông Dương Công Minh: Chúng tôi chịu áp lực lớn, trên có NHNN dưới là các cổ đông. Hi vọng 2022 - 2023 sẽ không phải nói những điều như thế này, sẽ bứt phá mạnh. Khi ấy tái cơ cấu xong chắc chắn mạnh hơn bây giờ nhiều lần và được chia cổ tức. Sacombank mong NHNN có thêm nhiều hỗ trợ.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm: Sacombank nhận được 32 câu hỏi trực tuyến trong đó có nhiều câu trùng với nội dung đã được trả lời. Còn một số vấn đề xin trả lời như sau:

-Hoạt động kinh doanh; thực hiện tái cơ cấu; làm rõ cơ cấu thu nhập hiện nay với tỷ lệ nguồn thu dịch vụ? Hiện nay tỷ trọng thu từ lãi là 66%, thu ngoài lãi là 34%. Với chiến lược tối ưu hoá làm sao tăng thu nhập phi tín dụng, ngân hàng đang đặt mục tiêu tiêu tăng tỷ trọng lên 38%.

-Lộ trình Basel II?: Đã và đang thực hiện theo đúng lộ trình của NHNN.

- Nhân sự?: Giảm 2,5%, đã tái cơ cấu bộ máy để tăng hiệu quả, tăng năng suất.

- Mạng lưới?: Đã xin thêm NHNN để mở rộng chi nhánh, tái cơ cấu lại các điểm giao dịch để tăng hiệu quả.

Đại hội bước vào biểu quyết các nội dung đại hội

ĐHCĐ Sacombank: Đại hội trực tuyến, cổ đông chất vấn nhiều câu hỏi nóng - Ảnh 6.

Đại hội cổ đông Sacombank tiến hành bỏ phiếu điện tử, kết quả các tờ trình đều được thông qua với tỷ lệ trên 94%. Cụ thể như sau:

ĐHCĐ Sacombank: Đại hội trực tuyến, cổ đông chất vấn nhiều câu hỏi nóng - Ảnh 7.



Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên