ĐHCĐ Saigonbank: Dự kiến dư nợ cho vay tăng 8,5%, đặt mục tiêu lợi nhuận 130 tỷ đồng
Năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 22.968 tỷ đồng. Dư nợ cho vay dự kiến tăng 8,5% so với thực hiện năm 2019, đạt 16.336 tỷ đồng, đảm bảo phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN.
Sáng nay (30/6), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020.
Tại đại hội, lãnh đạo ngân hàng đã báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2019. Cụ thể, năm 2019, tổng tài sản của ngân hàng đạt 22.440 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện năm 2018. Vốn huy động tăng 14% đạt 18.940 tỷ đồng, dư nợ cho vay tăng 10% đạt 18.940 tỷ đồng. Nợ xấu kiểm soát dưới 3% tổng dư nợ. Thanh toán đối ngoại đạt 390 triệu USD, tăng 10% so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 175 tỷ đồng, được điều chỉnh thành 200 tỷ đồng.
Cuối năm 2019, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của Saigonbank đạt 18,39%, cao hơn rất nhiều so với quy định tại Thông tư 36 của NHNN (9%). Tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn đước sử dụng để cho vay trung và dài hạn đáp ứng quy định, ở mức 19,02%.
Ban lãnh đạo Saigonbank nhận định, vốn điều lệ cuối năm 2019 là 3.080 tỷ đồng, vẫn còn khiêm tốn, quy mô hoạt động của một số đơn vị trực thuộc còn hạn chế nên Saigonbank gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với các ngân hàng thương mại khác.
Trong các năm qua, do hạn chế nguồn vốn đầu tư cho hệ thống công nghệ thông tin nên hệ thống công tin không đáp ứng được yêu cầu phát triển công nghệ, sản phẩm mới trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay.
Năm 2020, ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 22.968 tỷ đồng, huy động vốn đạt 19.400 tỷ đồng. Dư nợ cho vay dự kiến tăng 8,5% so với thực hiện năm 2019, đạt 16.336 tỷ đồng, đảm bảo phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ của NHNN. Mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 130 tỷ đồng.
Ngân hàng sẽ tận dụng tối đa lợi thế của mình để tiếp cận nguồn vốn ngân sách nhà nước, khai thác nguồn vốn giá rẻ để giảm chi phí huy động vốn.
Đối với việc xử lý nợ tồn đọng, Saigonbank cho biết sẽ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, hiệu quả nhằm xử lý cơ bản nợ xấu, tăng thu nhập cho ngân hàng; kiểm soát nợ xấu theo quy định của NHNN. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ rà soát, kiểm tra lại toàn bộ các tài sản là bất động sản do ngân hàng đang quản lý, tăng cường cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết nhằm tăng thu nhập cho ngân hàng.
Tại đại hội, ông Vũ Quang Lãm, Chủ tịch HĐQT Saigonbank đã giải thích về việc năm nay chưa chia cổ tức. "Khi tôi nhận chức TGĐ cách đây 3 năm, tôi có đứng ra xin lỗi cổ đông về việc chia cổ tức. Đáng ra năm nay, chúng tôi sẽ báo cáo xin phép chia với tỷ lệ 4%, ngân hàng cũng đã có sẵn nguồn tiền, nhưng vẫn xin phép cổ đông để dành chưa chia, ngân hàng sẽ trình các cấp có thẩm quyền để có thể chia cổ tức trong đầu năm 2021. Năm nay, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu các ngân hàng giữ lại lợi nhuận để nâng cao năng lực tài chính. Chúng tôi cam kết năm 2020, dù Covid-19 tác động nặng nề, ngân hàng cũng sẽ quyết tâm đạt mục tiêu lợi nhuận".
Một cổ đông phát biểu tại cuộc họp, cho rằng Saigonbank có lợi thế khi sở hữu những tài sản cố định có giá trị lớn, nhưng ngân hàng chưa biến được lợi thế này thành lợi nhuận, đem lại lợi ích cho cổ đông.
Trả lời vấn đề này, ông Vũ Quang Lãm cho biết, Saigonbank có tài sản lớn. Lợi nhuận từ tài sản này là về dài hạn thì chính cổ đông sẽ được hưởng thông qua giá trị cổ phiếu. Ông nêu ví dụ, một số cổ đông lớn như VietinBank trong năm 2019 đã bán được cổ phần Saigonbank với giá rất cao, gấp đôi mệnh giá.
Tại cuộc họp, đại diện UBCKNN nói thêm về việc ngân hàng không chia cổ tức là do NHNN yêu cầu các ngân hàng tăng trích lập dự phòng, không chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Những ngân hàng cổ phần lớn như HDBank, ACB cũng chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Ngoài ra, đại diện UBCKNN cũng cho biết, Saigonbank cũng đã nộp hồ sơ niêm yết trên sàn UPCOM.
Trí Thức Trẻ