ĐHCĐ Sợi Thế kỷ: Quý 1/2019 ghi nhận lãi ròng 51 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ
Ngoài sợi tái chế, dự kiến trong quý 2 hoặc quý 3 năm nay, Sợi Thế Kỷ sẽ đưa dự án sợi màu vào hoạt động. Song theo lãnh đạo, kế hoạch kinh doanh năm 2019 của Sợi Thế Kỷ sẽ không tính đến sợi màu, vì Công ty xác định 2019 là năm chạy thử do đó công suất rất nhỏ.
Ngày 2/4/2019, Sợi Thế Kỷ (STK) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2019 và thông qua kế hoạch doanh thu thuần với 2.603 tỷ đồng, tăng 8%; tương ứng mức lợi nhuận sau thuế khoảng 200 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2018.
Theo báo cáo thời trang của McKinsey, năm 2019, dự báo tăng trưởng của ngành dệt may nói chung giảm còn 3,5 - 4,5%, so với năm 2018 là 4 - 5%. Do đó, chiến lược năm nay của Sợi Thế Kỷ sẽ đẩy mạnh tìm kiếm thị phần ở các phân khúc khách hàng khác, thay vì tập trung ở phân khúc cao cấp như các năm trước.
2019 sẽ đầu tư thêm sợi màu, nhưng chưa ghi nhận lợi nhuận
Chia sẻ tại đại hội, ông Đặng Triệu Hoà, Chủ tịch HĐQT Sợi Thế Kỷ (STK) cho biết, kết thúc quý 1/2019, Công ty ước doanh thu đạt 605 tỷ đồng, tăng 3%, và lợi nhuận sau thuế 51 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ nhờ đóng góp của sợi tái chế. Chia sẻ sâu hơn về rào cản tham gia sản xuất sợi tái chế, ông Hoà cho biết, doanh nghiệp cần đầu tư hệ thống nhà máy sản xuất bài bản, phải có nguồn cung nguyên liệu tái chế ổn định đi kèm yêu cầu nhà cung cấp này cũng phải có giấy chứng nhận, kiểm định của bên độc lập thứ ba. Chưa hết, các doanh nghiệp làm sợi tái chế cũng phải được đánh giá cấp chứng nhận về môi trường xã hội, quản lý, chuỗi cung ứng... của các tổ chức độc lập. Đây chính là rào cản, do đó những đơn vị khác nếu muốn tham gia sản phẩm này sẽ phải mất một thời gian và đi chậm hơn Sợi Thế Kỷ.
Ngoài sợi tái chế, dự kiến trong quý 2 hoặc quý 3 năm nay, Sợi Thế Kỷ sẽ đưa dự án sợi màu vào hoạt động. Song theo lãnh đạo, chỉ tiêu kinh doanh năm 2019 của Sợi Thế Kỷ sẽ không tính đến sợi màu, vì Công ty xác định 2019 là năm chạy thử do đó công suất rất nhỏ. Dự án theo kế hoạch sẽ bắt đầu hoạt động kể từ tháng 7, đến cuối năm chính thức sản xuất với hơn 1.000 tấn, tương ứng doanh thu khoảng 2 triệu USD, tuy nhiên lợi nhuận thu về trong năm này ước tính chưa đáng kể.
Dệt nhuộm không còn là nút thắt cổ chai
Mặt khác, chia sẻ nhiều hơn về liên minh sợi dệt nhuộm trước nhiều ý kiến ví rằng "dệt nhuộm là nút thắt cổ chai", tức dù có ra sợi thì sản phẩm sau cùng vẫn không mang lại hiệu quả. Ông Hoà khẳng định: "Nhuộm không còn là nút thắt cổ chai, đó chỉ là câu chuyện của 2 năm về trước, đó cũng là lý do vì sao đơn hàng dệt hiện đổ về rất nhiều".
Theo lời vị bày, giai đoạn 2017-2018, dệt nhuộm vào Việt nam rất nhiều, đơn cử khách hàng của ông Hoà là doanh nghiệp Hàn Quốc trước đây đặt đơn hàng với 2.000 tấn/tháng, thì bây giờ con số tăng lên đến 6.000 tấn/tháng. "Đơn giản là vì trước đây, đối tác kỳ vọng lớn từ việc TPP có Mỹ. Tuy nhiên sau đó Mỹ rút khỏi Hiệp định, trong khi nhà máy đã đầu tư ở Việt Nam thì vẫn phải tiếp tục đầu tư. Và bây giờ, thật may mắn là có CPTPP, nút thắt theo đó cũng được mở", Chủ tịch Sợi Thế Kỷ nói thêm.
Nói là vậy, vị này vẫn bày tỏ sự tiếc nuối vì khối lượng chủ yếu xuất phát từ các doanh nghiệp FDI, bởi các đơn vị này mở nhà máy tại nước ta, gia tăng công suất thì họ chuyển đơn hàng về. Còn doanh nghiệp Việt Nam, muốn mở rộng kho hay đầu tư thêm nhà máy, thì đầu tiên phải tính đến chuyện kiếm thêm đầu ra cho sản phẩm.
Cũng tại đại hội, Sợi Thế Kỷ đặt mục tiêu đến năm 2020, sau khi thay đổi chủng loại sợi theo chất lượng, doanh thu toàn Công ty có thể tăng lên 2.900 tỷ, lãi sau thuế 230 tỷ đồng. Năm 2021, doanh thu dự kiến gần 3.000 tỷ đồng, lãi sau thuế 238 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2018, Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu 2.408 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2017. Lợi nhuận sau thuế đạt 178,3 tỷ đồng, tăng 79% và vượt đến 41,7% kế hoạch năm. Với kết qủa này, HĐQT công ty đã trình cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2018 trong đó chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 15%.
Trí Thức Trẻ