ĐHCĐ Sơn Hà (SHI): Tìm động lực tăng trưởng từ sản phẩm mới, hiệu quả hoạt động Toàn Mỹ cải thiện kể từ sau khi sáp nhập
Sơn Hà đặt kế hoạch cho năm tài chính 2019 với doanh thu hợp nhất 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, cổ tức 10% mệnh giá cổ phần, trong đó 5% chia bằng tiền mặt, 5% chia bằng cổ phiếu.
Ngày 25/4/2019 đã diễn ra ĐHCĐ thường niên của CTCP Quốc tế Sơn Hà (SHI). Điểm lại hoạt động kinh doanh năm 2018, SHI đã thực hiện doanh thu 4.486 tỷ đồng, vượt 9,4% kế hoạch nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 103,1 tỷ đồng, bằng 85,8% kế hoạch đề ra (120 tỷ đồng). Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) năm 2018 là 1.443 đồng/cổ phiếu, tăng 25 đồng/cổ phiếu so với năm 2017.
Theo kế hoạch ĐHCĐ năm 2018 đã thông qua, SHI dự kiến chi trả cổ tức 10%, bao gồm 5% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, để tăng cường lợi ích cho cổ đông hiện hữu, SHI đã thông qua việc tăng cổ tức bằng tiền mặt từ 5% lên 8%. Như vậy, cổ tức năm 2018 là 8% mệnh giá cổ phần bằng tiền mặt, tương đương 800 đồng/cổ phiếu, 2% chia bằng cổ phiếu.
Trong năm 2018, SHI đã hoàn tất thủ tục hoán đổi cổ phần với CTCO Sản xuất kinh doanh Toàn Mỹ dẫn đến việc sở hữu 99,78% cổ phần, đồng thời tăng vốn điều lệ lên hơn 850 tỷ đồng. Ngoài ra, SHI đã tăng vốn cho Công ty TNHH MTV Sơn Hà SSP Việt Nam và tăng vốn góp tại CTCP Phát triển năng lượng Sơn Hà (SHE), đồng thời thông qua chủ trương niêm yết SHE trên HNX.
Năm 2019 đặt kế hoạch lãi 110 tỷ đồng, gia tăng đầu tư vào lĩnh vực cung cấp nước, năng lượng tái tạo
Năm 2019, SHI sẽ tiếp tục gia tăng đầu tư vào lĩnh vực mới như cung cấp nước và năng lượng tái tạo; Đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển để không ngừng đưa các sản phẩm mới được cải tiến về tính năng và thiết kế; Xây dựng và triển khai phần mềm quản lý nguồn lực của toàn tập đoàn; Nâng cao quyền lợi cho cổ đông góp vốn.
Đại hội thống nhất đặt kế hoạch cho năm tài chính 2019 với doanh thu hợp nhất 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 110 tỷ đồng, cổ tức 10% mệnh giá cổ phần, trong đó 5% chia bằng tiền mặt, 5% chia bằng cổ phiếu.
So với thực hiện năm 2018, kế hoạch lợi nhuận năm 2019 có sự tăng trưởng 7% về doanh thu và tăng 6,7% về lợi nhuận.
Lý giải lợi nhuận tăng trưởng chậm, tìm hướng đi từ các sản phẩm mới
Theo chia sẻ của Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn, Sơn Hà hoạt động được hơn 20 năm với lĩnh vực cốt lõi là ngành cung cấp các sản phẩm về dân dụng, công nghiệp phục vụ cho một gia đình của người Việt. Từ thuở sơ khai Sơn Hà làm bồn chứa nước, về sau phát sinh các sản phẩm phục vụ nhu cầu gia đình như Thái Dương Năng, thiết bị nhà bếp, gia dụng.
Sau giai đoạn 20 năm hoạt động, một số sản phẩm truyền thống của Sơn Hà đã chững lại như bồn nước. Do đó Sơn Hà đã nghiên cứu các sản phẩm mới để thúc đẩy đà tăng trưởng của công ty.
Ngoài sản phẩm nhà bếp, thiết bị gia dụng, Sơn Hà nhận thấy một số sản phẩm mới thay thế cho các sản phẩm truyền thống, như bể xử lý nước thải ngầm thay thế bể phốt truyền thống; bể chứa nước ngầm thay thế bồn nước trên mái. Trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, Sơn Hà đã nghiên cứu với công ty Đức chế tạo ra các tấm panel để trên mái nhà, tạo ra điện năng cho hộ gia đình.
Trong năm 2019, Sơn Hà vẫn trong giai đoạn nghiên cứu, bắt đầu triển khai các dự án mới nên chưa tăng trưởng mạnh về KQKD.
Giai đoạn này, các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng nói chung đang có cuộc cạnh tranh mạnh, do đó KQKD sẽ khó tăng mạnh. Nhưng trong vài năm tới, cuộc "thanh lọc" diễn ra, thị phần sẽ về tay một vài doanh nghiệp lớn mạnh thực sự.
Bên cạnh đó, các quốc gia đang dựng lên các rào cản thương mại, dẫn đến chu kỳ khó khăn của kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp sẽ gặp phải không ít khó khăn.
Sơn Hà hiện vẫn là công ty dẫn đầu trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm cho gia đình. Mặc dù nhiều sản phẩm đang đi ngang, nhưng với kinh nghiệm lâu năm, ông Lê Vĩnh Sơn tự tin sẽ tạo dựng được các sản phẩm mới, phổ biến với người dân, từ đó bước vào nhịp tăng trưởng mạnh trong tương lai.
Lý giải thêm về doanh thu tăng, nhưng lợi nhuận tăng chậm bên cạnh yếu tố một số sản phẩm chững lại, chủ tịch Lê Vĩnh Sơn cho rằng những năm trước, Sơn Hà ép chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu rất mạnh, dẫn tới gia tăng chi phí quá cao và điều này khiến lợi nhuận không cải thiện như kỳ vọng. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu đầu vào cũng tăng mạnh ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận công ty.
Kết quả kinh doanh Toàn Mỹ cải thiện kề từ khi sáp nhập
Sơn Hà vào tiếp quản Toàn Mỹ từ tháng 7/2017 và sang năm 2018 mới chính thức hoàn thành thủ tục hoán đổi cổ phiếu và biến thành công ty con. Năm 2018, KQKD Toàn Mỹ được cải thiện tích cực và sẽ tăng trưởng trong năm 2019.
Chủ tịch Lê Vĩnh Sơn đáng giá thương vụ Toàn Mỹ rất thành công. Trước đây, Toàn Mỹ là thương hiệu số 1 thị trường, nhưng khi vào tay một nhà đầu tư khác đã suy giảm. Sơn Hà đã cải tổ, nâng cao chất lượng để giúp Toàn Mỹ lấy lại thị trường. Năm 2018, Toàn Mỹ đạt 21,6 tỷ đồng lợi nhuận, đạt kỳ vọng của Sơn Hà.
Sản phẩm của Toàn Mỹ là sản phẩm khác so với SHA, do đó sẽ không có sự cạnh tranh trực tiếp về giá, chất lượng sản phẩm. Chỉ có cạnh tranh về nhu cầu thay thế, nhưng mức độ cạnh tranh là không đáng kể.
Sơn Hà dự kiến sẽ triển khai nhà máy quy mô 3-4.000 m2 ở Cần Thơ để mở rộng thị phần xuống khu Đồng Bằng Sông Cửu Long. Nhà máy của Toàn Mỹ ở Bình Dương để vận chuyển sản phẩm chi phí khá cao, nên phải đầu tư thêm nhà máy mới. Cần Thơ là vùng nước trũng và nhu cầu về bồn nhựa rất cao. Nếu tối ưu hóa thêm vấn đề vận chuyển sẽ mang lại hiệu quả rất cao.
Lãnh đạo công ty kỳ vọng cuối năm 2019 nhà máy Cần Thơ sẽ đi vào hoạt động và điều này giúp khẳng định vị thế của Toàn Mỹ, cũng như Sơn Hà ở miền nam.
Trí Thức Trẻ