ĐHCĐ Vietcombank: Phấn đấu giảm thiểu tác động của Covid-19, sẽ không cắt giảm lương nhân viên
Vietcombank vừa để ngỏ kế hoạch kinh doanh cụ thể, vừa để ngỏ kế hoạch chi trả cổ tức vì chờ cơ quan quản lý phê duyệt.
Sáng ngày 26/6, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020.
Sau năm 2019 lợi nhuận cao kỷ lục, Vietcombank muốn "hạ cánh mềm"
Báo cáo tại đại hội, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, năm 2019 Vietcombank đã hoàn thành trước hạn kế hoạch tái cơ cấu ngân hàng đến 2020 được NHNN phê duyệt.
Trong hoạt động, ngân hàng cũng hoàn thành phần lớn các kế hoạch, chỉ tiêu do cổ đông giao. Cụ thể, tổng tài sản tăng trưởng 13,8% so với năm 2018 và vượt 1,6% kế hoạch; huy động vốn tăng 15,9% và vượt 2,1% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế tăng 26,6% - vượt 15,6% kế hoạch và đạt cao kỷ lục, dẫn đầu ngành ngân hàng với hơn 23.122 tỷ đồng. Duy chỉ có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng là còn thiếu chút ít so với kế hoạch khi đạt 15,9% (kế hoạch tăng 16%).
Các chỉ số khác như chi phí lương trên lợi nhuận; mở rộng mạng lưới và tăng nhân sự đều nằm trong kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát tốt ở mức chỉ 0,78% - so với kế hoạch dưới 1% được cổ đông giao. Năng suất lao động của cán bộ nhân viên được cải thiện, lợi nhuận bình quân 1,681 tỷ đồng/người, vượt 12% kế hoạch.
Kế hoạch 2020, theo ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Hội đồng quản trị, ngân hàng đặt kế hoạch phát triển an toàn, bền vững, hiệu quả, "hạ cánh mềm". Trong đó chỉ tiêu tăng trưởng tổng tài sản 7%, dư nợ tín dụng tăng 10% - tương đương với định hướng điều hành của NHNN, cũng là mức cao nhất trong nhóm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước. Huy động vốn sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn (dự kiến tăng 8%). Lợi nhuận trước thuế chưa đặt con số cụ thể mà sẽ thực hiện theo ý kiến của NHNN cũng như diễn biến của dịch bệnh.
Trong năm 2020, Vietcombank hướng tới 4 trọng tâm trong chuyển dịch cơ cấu kinh doanh đó là: Giảm dần tỷ lệ tăng trưởng tín dụng, gắn với chuyển dịch cơ cấu tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững; Tăng tỷ trọng thu nhập phi tín dụng, trọng tâm là thu từ dịch vụ và đầu tư kinh doanh vốn; Cơ cấu lại danh mục nguồn vốn theo hướng hiệu quả, bền vững; đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm, cung cấp các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng công nghệ mới...
Bầu bổ sung thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2018 - 2023
Tại đại hội lần này, cổ đông Vietcombank bầu ông Lại Hữu Phước vào Ban kiểm soát để thay thế cho bà Vũ Thị Bích Vân nghỉ hưu theo chế độ trong năm 2019, nhằm đảm bảo đủ số lượng thành viên BKS theo quy định.
Ông Lại Hữu Phước sinh năm 1967, hiện là Trưởng phòng kiểm tra nội bộ của Vietcombank, đã công tác tại ngân hàng này được 10 năm. Trước đó ông từng công tác tại Kiểm toán Nhà nước.
Giảm tiền thù lao của HĐQT và Ban kiểm soát
Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, trong năm 2019 ĐHCĐ đã phê duyệt mức thù lao cho HĐQT và BKS là 0,35% lợi nhuận sau thuế. Trên cơ sở kết quả đạt được của năm vừa qua, thù lao theo con số được phê duyệt tương đương với hơn 64 tỷ đồng.
Trong năm 2020, do tình hình dịch bệnh Covid-19 cùng những chỉ tiêu kinh doanh được trình cổ đông tại đại hội và tham khảo các mức chi thù lao cho HĐQT và BKS ở các ngân hàng khác, Vietcombank dự định giảm mức thù lao cho HĐQT và BKS xuống mức tối đa là 0,28% lợi nhuận sau thuế. Như vậy mức thù lao của lãnh đạo nhà băng này sẽ giảm khoảng 20% so với năm trước.
Có thể chi trả cổ tức năm 2019 tỷ lệ 8%, dự kiến năm 2020 tiếp tục chia 8%
Tại thời điểm cuối năm 2019, Vietcombank có lợi nhuận phân phối là hơn 18.000 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ, ngân hàng còn lại hơn 13.000 tỷ đồng và dự tính chi trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 8% (tương đương khoảng 2.967 tỷ đồng). Sau khi chia cổ tức, ngân hàng còn khoản tiền để lại là hơn 10.000 tỷ, còn nếu không trả cổ tức thì lợi nhuận để lại phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là hơn 13.000 tỷ.
Năm 2020, tỷ lệ chi trả cổ tức phấn đấu đảm bảo ở mức 8%, tương tự như năm 2019.
Tiếp tục tăng vốn điều lệ
Ngân hàng cũng trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ theo 2 cấu phần. Cấu phần thứ nhất là phát hành cổ phiếu tăng vốn cổ phần từ chi trả cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 18%%. Thời gian thực hiện dự kiến trong nửa cuối năm 2020, thời điểm cụ thể giao cho HĐQT quyết định sau khi được chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Vốn điều lệ sau chia cổ tức dự kiến tăng thêm 6.675 tỷ đồng lên 43.764 tỷ đồng.
Cấu phần thứ hai là phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 6,5% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán. Khối lượng phát tối đa là 241 triệu cổ phiếu. Trong đó, phát hành cho các nhà đầu tư dự kiến 204,9 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 5,19% tổng số cổ phiếu sau phát hành; phát hành cho đối tác chiến lược (Ngân hàng Mizuho) để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15% (dự kiến 36.161.771 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,92% tổng số cổ phiếu sau phát hành) trên cơ sở quyết định đầu tư của Ngân hàng Mizuho.
Toàn cảnh ĐHCĐ Vietcombank
Hỏi đáp cổ đông
Các cổ đông tham dự đại hội của Vietcombank hỏi lãnh đạo ngân hàng về tình hình hoạt động như: kết quả hoạt động 5 tháng, nợ xấu, mục tiêu kinh doanh cụ thể năm 2020, tình hình bán lẻ hiện nay ra sao, mảng bảo hiểm liên kết với FWD khi nào thì hạch toán vào lợi nhuận, nợ cơ cấu liên quan Covid-19 ra sao...Cổ đông cũng hỏi về chi phí cho nhân viên sẽ thay đổi thế nào trong năm nay do tác động của dịch bệnh Covid-19, thậm chí có cổ đông còn cho rằng ngân hàng nên tăng thu nhập cho nhân viên để khuyến khích họ tiếp tục mang về lợi nhuận?
Trả lời câu hỏi, ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết: Tính đến ngày 25/6, huy động vốn tăng 3,4%, tín dụng cũng tăng 3,4% so với cuối năm. Dự kiến lợi nhuận 6 tháng ngót nghét mức cùng kỳ 2019,
Huy động vốn đang xấp xỉ tốc độ toàn ngành, trong khi tín dụng cao hơn mức tăng của toàn hệ thống. Mức tăng trưởng cao hơn so với các ngân hàng nhóm Big4. Nợ xấu kiểm soát tốt, hiện chỉ chiếm 0,82% dư nợ, rất tốt so với dự kiến.
Về cơ cấu nợ bị ảnh hưởng Covid-19: Đại dịch chắc chắn ảnh hưởng lớn đến toàn ngành. Vietcombank kiểm soát tốt trong thời gian qua, nhưng diễn biến dịch bệnh khó lường nên thời điểm hiện tại đánh giá tác động tương đối khó khăn.
Danh mục tín dụng của Vietcombank trải rộng khắp các ngành và cả nước, hiện dư nợ đã được xem xét và cơ cấu lại nợ với tổng 14 nghìn tỷ; khoảng 10 nghìn tỷ nữa có thể được cơ cấu lại tức tổng 24 nghìn tỷ đồng sẽ xem xét cơ cấu lại nợ cho cổ đông. Con số này so với tổng mức cho vay (gần 750 nghìn tỷ và năm nay tăng 10% nữa) thì con số chưa đáng kể.
Về dự phóng lãi bao nhiêu trong năm nay? Ngân hàng dự kiến kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh cũng như theo định hướng của NHNN. HĐQT đã xin cổ đông giao cho HĐQT chủ động thực hiện dựa theo chỉ đạo của cơ quan quản lý. Nhìn chung mặc dù dịch bệnh nhưng Vietcombank đang tăng trưởng tốt hơn toàn ngành.
Về thoả thuận ký với FWD, theo ông Dũng, đây là nội dung thuộc bảo mật thông tin hai bên nên VCB không thể công bố với cổ đông, chỉ biết rằng đây là con số cao kỷ lục của một công ty bảo hiểm trả cho ngân hàng VIệt Nam. Cũng may mắn là thoả thuận thực hiện sớm, nếu muộn mà rơi vào Covid-19 thì không được cao như cũ.
Về chi phí cho nhân viên, lãnh đạo Vietcombank cho biết hiện Vietcombank nằm trong nhóm chi trả thu nhập cao cho cán bộ nhân viên, là một trong các ngân hàng có môi trường làm việc tốt nhất. CEO của Vietcombank cảm ơn cổ đông chia sẻ, sẽ cố gắng cải thiện cuộc sống cho người lao động để gia tăng lợi ích cho ngân hàng.
Covid-19 ngân hàng có cắt giảm chi phí nhân viên không? Ngân hàng cố gắng kiểm soát để giảm thiểu tác động của dịch bệnh tới hoạt động. Về cắt giảm lương thì chủ trương của ngân hàng là không cắt giảm lương của người lao động, nếu cắt giảm thì sẽ giảm của lãnh đạo.
Ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT bổ sung thêm về cơ chế chi lương cho người lao động. Theo ông Thành hiện nay cơ chế tiền lương của Vietcombank là tuân theo quy định của Nhà nước, và phải xem xét giải quyết hài hoà giữa quyền lợi của cổ đông và người lao động.
Cổ đông đề nghị làm rõ việc chi trả cổ tức
Đại diện cổ đông đến từ công ty chứng khoán HSC đề nghị làm rõ việc chi trả cổ tức năm nay là thế nào, tại sao lại có hai trường hợp là chi trả và không chi trả?
Lãnh đạo Vietcombank cho biết, việc chi trả cổ tức sẽ phải xin ý kiến cơ quan quản lý. Hiện ngân hàng đang để 2 kế hoạch, 1 là chi trả 8% bằng cổ tức hoặc tiền mặt; hai là không trả mà giữ lại toàn bộ lợi nhuận phục vụ sản xuất kinh doanh. Việc thực hiện thế nào, ngoài trình cổ đông hôm nay thì chờ phê duyêt từ cơ quan quản lý.
Thông qua các tờ trình
Đại hội cổ đông Vietcombank thông qua các tờ trình với tỷ lệ thống nhất cao.
Trí Thức Trẻ