[ĐHCĐ Vietjet] Đặt mục tiêu 6.219 tỷ đồng LNTT, chưa có kế hoạch hedging giá nhiên liệu
Trong giai đoạn 3 năm tiếp theo, Vietjet đặt mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu về lượng khách vận chuyển nội địa, mở rộng hiệu quả các đường bay quốc tế, xem xét các cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng...
Sáng 19/4, CTCP Hàng không Vietjet (VJC) đã tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019.
Báo cáo tại đại hội, Vietjet cho biết trong năm 2018, công ty đã vận chuyển hơn 23 triệu lượt khách trên toàn mạng bay, thực hiện gần 118.923 chuyến bay với 261 nghìn giờ khai thác an toàn, hệ số sử dụng ghế đạt 88,06%, độ tin cậy kỹ thuật đạt 99,64% và các chỉ số an toàn khai thác bay, khai thác mặt đất thuộc nhóm tốt nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tỉ lệ chuyến bay đúng giờ (OTP) đạt 84,2% ở mức tốt so với chỉ số OTP bình quân trên thế giới 78,69% (nguồn IATA).
Trong năm 2018, Vietjet mở thêm 1 đường bay nội địa và 22 đường bay quốc tế.
Năm 2018, doanh thu vận tải hàng không đạt 33.779 tỷ đồng, tăng 49,8% so với năm trước và đạt 112,2% so với kế hoạch. Lợi nhuận vận tải hàng không trước thuế tăng trưởng 48,9% so với năm trước.
Doanh thu phụ trợ đạt 8.410 tỷ đồng tăng trưởng 53,5% so với năm trước. Cơ cấu doanh thu phụ trợ trong tổng doanh thu vận chuyển hàng không cũng có sự chuyển dịch, tăng từ 24,5% năm 2017 lên 25,4% năm 2018 do đẩy mạnh các hoạt động vận chuyển hành khách quốc tế, hoàn chỉnh hạng vé SkyBoss đồng thời đa dạng hóa các dịch vụ cộng thêm cho khách hàng như dịch vụ ưu tiên, dịch vụ chọn chỗ ngồi, thực đơn bán hàng trên chuyến bay, v.v.
Sang năm 2019, với kế hoạch tiếp tục mở thêm hơn 20 đường bay quốc tế, chuyên chở gần 28 triệu lượt khách, Vietjet đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu vận tải hàng không lên 42.250 tỷ đồng và lợi nhuận từ vận tải hàng không là 3.800 tỷ đồng.
Kế hoạch tiếp tục đặt trọng tâm vào việc mở rộng các đường bay quốc tế giúp Hãng tăng cường doanh thu ngoại tệ từ bán vé, có lợi thế giá nhiên liệu quốc tế thấp hơn trong nước, cũng như tăng tỷ trọng doanh thu các mặt hàng phụ trợ vốn có tỷ suất lợi nhuận cao từ phân khúc khách hàng có thu nhập cao.
Cũng tại Đại hội lần này, ông Donal Joseph Boylan (sinh năm 1963) ứng cử làm Thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2017-2022. Ông Boylan có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành hàng không và tài chính hàng không, ông kinh qua vị trí lãnh đạo cấp cao ở các định chế lớn, công ty niêm yết ở châu Âu và Hong Kong.
Đại hội cũng đã nghe báo cáo định hướng phát triển 3 năm tới của Vietjet. Trong giai đoạn 3 năm tiếp theo, Vietjet đặt mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu về lượng khách vận chuyển nội địa, mở rộng hiệu quả các đường bay quốc tế, xem xét các cơ hội đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ga, dịch vụ kỹ thuật, mặt đất, đào tạo., phát huy hiệu quả, lợi thế, kinh nghiệm của hãng hàng không.
Thảo luận tại Đại hội:
Đánh giá của ban điều hành về triển vọng hàng không Việt Nam?
Ông Lưu Đức Khánh- Giám đốc điều hành Vietjet: Theo chúng tôi dư địa cho ngành hàng không nói chung và VJC nói riêng còn rất rất rất nhiều. Trong 10-20 năm nữa nhu cầu đi lại rất cao, lấy ví dụ do chuyển từ Bắc vào Nam thì đi xe và tàu tốn rất nhiều thời gian và vô cùng khó khăn. Thử hỏi có ai đi làm việc mà mất thời gian để đi tàu không? Nói như vậy để thấy vận chuyển bằng hàng không rất tiềm năng.
Đó là thị trường nội địa. Còn về thị trường quốc tế thì gần như không có giới hạn, thể hiện qua nhu cầu du lịch khắp thế giới. Bây giờ vấn đề cần giải quyết chính là làm sao để có thể nới lỏng dịch vụ cấp visa thì lúc đó ngành hàng không quốc tế sẽ tăng trưởng vượt bậc hơn nữa.
Tóm lại, ngành hàng không thì tiềm năng tăng trưởng rất lớn, cả nội địa và quốc tế thì thực ra không có giới hạn. VJC cần làm là phải kiểm soát chặt chẽ chi phí để đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Bà Thảo nói thêm, thu nhập bình quân nước ta và thế giới đang ngày càng cao nên việc chi trả cho hàng không tăng. Đi cùng sự tăng trưởng của thị trường du lịch nên ngành này tăng trưởng tốt.
Khả năng quản lý giá xăng dầu, Công ty có định hedging thời gian tới hay không?
PTGĐ Tô Việt Thắng: Năm 2018 giá nguyên liệu tăng cao dù có giảm nhưng đã tăng trở lại.Trong năm qua, với chiến lược từ ngày đầu tiên khai thác thì VJC quản lý chi phí nguyên liệu khá tốt. Năm qua VJC có mở rộng đường bay quốc tế, với ưu đãi về thuế môi trường dẫn đến lợi thế hơn về chi phí nguyên liệu tại các đường bay ngoại.
Từ đó làm giảm chi phí khai thác Công ty, lấy ví dụ chi phí trên ghế khoảng 0,32 cent, kết quả làm tăng lợi nhuận. Chiến lược 2019 VJC sẽ phát triển đội tàu bay thế hệ mới tiết kiệm nhiên liệu, khả năng tiết kiệm được 5%, tức 3 triệu đô. Đồng thời giảm thiểu khí thải.
Công ty còn có hệ thống mua nhiên liệu cho phép lựa chọn điểm mua với giá hợp lý khác cho VJC. Về hedging hiện Công ty chưa có lên kế hoạch, nhưng vẫn sẵn sàng triển khai nếu cần thiết trong năm tới.
Câu hỏi 5: VJC đặt mua máy bay số lượng lớn, kế hoạch sở hữu máy bay như thế nào?
Hiện VJC đang sử dụng đội tàu bay theo hướng Sale and Leaseback. Kế hoạch sắp tới về tăng trưởng tàu bay theo BCTC HN thì từ 3-5 tàu bay mỗi năm. Tiền đầu tư tàu bay sẽ đến từ nguồn huy động tài chính khác.
Hiện có một số giải pháp tài chính cho việc tăng trưởng tàu bay như thông qua phát hành trái phiếu, cung cấp bảo lãnh các công ty bảo hiểm để thông qua đó các định chế tài chính hỗ trợ vốn.
Nhìn chung thời gian tới VJC sẽ cân đối nguồn tài chính cho việc tăng trưởng đội tàu bay sao cho tình hình kinh doanh được đảm bảo. Giảm chi phí trên 1 triệu đô 1 tàu mỗi năm, bà Thảo nói thêm, dĩ nhiên với điều kiện có được nguồn huy động tối ưu, nếu đi vay ngân hàng tại Việt Nam để thực hiện thì thực sự không hiệu quả.
Trí Thức Trẻ