MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ bất thường Vinaland quyết định về "số phận" dự án tại Quận 7

31-12-2019 - 14:15 PM | Bất động sản

Công ty CP Bất động sản Việt Nam (Vinaland) vừa tổ chức ĐHĐCĐ bất thường xem xét thông qua việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ quản lý vi phạm Điều lệ công ty, Luật doanh nghiệp và "số phận" của dự án BĐS của đơn vị này tại P.Phú Mỹ, Q.7, Tp.HCM.

Ngoài ra, Đại hội của Vinaland cũng xem xét việc bầu cử thành viên hội đồng quản trị ban kiểm soát…các tờ trình liên quan đến các nội dung này được Đại hội thông qua.

Trong đó, 2 vấn đề đáng được chú ý nhất được đưa ra trong ĐHCĐ là xử lý cán bộ vi phạm và tái khởi động dự án Vinaland Tower và chợ Phước Long tại Q.7, Tp.HCM.

Tờ trình cổ đông của Vinaland, nêu rõ năm 2020 sẽ lựa chọn đơn vị uy tín để xây dựng dự án. Trong danh sách HĐQT đề xuất có các đơn vị xây dựng như Hòa Bình, Conteccons, An Phong, Phước Thành, SCCP, Cosaco, Unicons.

ĐHĐCĐ bất thường Vinaland quyết định về số phận dự án tại Quận 7 - Ảnh 1.

Ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT, người đại diện pháp luật Vinaland thông qua các tờ trình về các vấn đề của công ty, lấy ý kiến của cổ đông tại ĐHĐCĐ bất thường Vinaland diễn ra chiều 30/12/2019.

“Dự án sẽ được đưa vào kế hoạch kinh doanh năm 2020 của công ty. Trong đó, lựa chọn đơn vị phân phối sản phẩm BĐS uy tín để bán hàng tại dự án với mức phí dịch vụ không vượt quá 7% đã bao gồm chi phí tiếp thị. Giá bán bình quân không thấp hơn 40 triệu đồng/m2, sau khi trừ các căn hộ được chuyển giao thực hiện nghĩa vụ đối với khách hàng sở hữu chứng chỉ quyền mua nhà theo quy chế số: 09/002/QĐ-TG-VNI ngày 19/02/2009”, ông Trần Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT - người đại diện pháp luật Vinaland nêu rõ trong tờ trình.

Về việc xây dựng lại chợ Phước Long, thành viên HĐQT trình ĐHĐCĐ chưa thực hiện việc bán, chuyển nhượng sản phẩm tại phần trung tâm thương mại nếu chưa có phương án bố trí kinh doanh cho các tiểu thương tại dự án chợ Phước Long để triển khai xây dựng tại dự án Phước Long. HĐQT dự kiến sẽ sử dụng phần trung tâm thương mại của Vinaland Tower cho mục đích này.

Bên cạnh việc tái khởi động dự án sau nhiều năm “án binh bất động” thì ĐHĐCĐ còn thông qua tờ trình xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các cán bộ quản lý vi phạm Điều lệ công ty và Luật doanh nghiệp. Trong đó, một số cán bộ đã giả mạo hồ sơ, thay đổi người đại diện theo pháp luật công ty; tự ý ban hành các Nghị quyết trái với quyết định của ĐHĐCĐ, trái quy định Luật doanh nghiệp….

Tờ trình về các vấn đề này được biểu quyết thông qua trong cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường ngày 30/12/2019.

ĐHĐCĐ bất thường Vinaland quyết định về số phận dự án tại Quận 7 - Ảnh 2.

Sau suốt thời gian lùm xùm nội bộ kéo dài khiến nhiều khách hàng mua dự án Vinaland Tower (SaiGon South Plaza) lo lắng, đến nay trọng tâm của ĐHĐCĐ Vinaland là tái khởi động dự án, lựa chọn nhà thầu xây dựng uy tín cho dự án.

Được biết, từ nhiều năm nay, Vinaland tập trung nguồn lực vào hai dự án chính là Vinaland Tower và dự án chợ Phước Long. Việc thực hiện dự án chợ Phước Long giúp Vinaland có được nguồn tài chính ổn định để hoạt động, đồng thời mở ra một hướng đi mới là kinh doanh hàng hóa bán lẻ và kinh doanh căn hộ bán lẻ.

Theo Vinaland, thành công của việc kinh doanh Chợ Phước Long cũng giúp gia tăng đáng kể giá trị và khả năng tiêu thụ sản phẩm cho dự án Vinaland Tower đang xây dựng bên cạnh chợ. Với mục tiêu lâu dài của Công ty là phát triển dự án Vinaland Tower và chợ Phước Long thành cụm dân cư thương mại dịch vụ giá rẻ sầm uất, mang đậm nét văn hóa truyền thống phương Nam, thu hút khách hàng khu vực Quận 7, Nhà Bè nói riêng và cả TP.HCM nói chung.

Tuy vậy, đang trên đà khởi sắc, Vinaland lại đối mặt với những bất ổn mới khi Sở KH&ĐT TP.HCM cấp giấy CNĐKDN lần thứ 14 do ông Trần Minh Hoàng làm Chủ tịch HĐQT vào 17 /7.2019. Từ đó đến nay, rất nhiều xáo trộn đã xảy ra không chỉ với nhân sự mà còn với các hoạt động kinh doanh của Vinaland.

Riêng dự án Vinaland Tower sau này là SaiGon South Plaza, tọa lạc trên đường Nguyễn Lương Bằng (phường Phú Mỹ, quận 7, TPHCM), được xây dựng trên khu đất có diện tích 5.852m2, cao 26 tầng với tổng diện tích sàn xây dựng 35.829m2, gồm 237 căn hộ. Năm 2009, dự án này được Vinaland huy động vốn trên thị trường bằng cách cho phát hành “chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở, mỗi chứng chỉ quỹ có giá 5 triệu đồng”.

Chứng chỉ này được xem như một loại giấy chứng nhận chủ đầu tư đã vay tiền của người mua để xây dự án và có trả lãi. Theo đó, khách hàng mua chứng chỉ quỹ tiết kiệm nhà ở sẽ có quyền mua căn hộ tại dự án sau 60 tháng kể từ ngày mua chứng chỉ.

Theo hợp đồng, nếu Vinaland không giữ đúng cam kết sẽ chịu phạt 200% trên lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, vì tranh chấp nội bộ kéo dài đã khiến dự án “án binh bất động”. Nhiều khách mua chứng chỉ sau gần 10 năm vẫn chưa nhận được nhà, tiền gốc lấy lại cũng không được.

Công ty Cổ phần Đầu tư Bất động sản Việt Nam (Vinaland) là công ty đại chúng, niêm yết trên sàn UPCOM tại Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (mã chứng khoán VNI). Theo quy định của pháp luật Việt Nam về điều kiện tổ chức ĐHĐCĐ của Công ty cổ phần đại chúng niêm yết, Công ty phải được Trung tâm lưu ký chứng khoán (chi nhánh Tp.HCM) danh sách tổng hợp người sở hữu chứng khoán để gửi Thư mời họp ĐHĐCĐ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên cổng thông tin của Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), cũng như Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) chưa có thông báo nào về việc chốt quyền tổ chức cũng như biên bản, nghị quyết...liên quan đến ĐHĐCĐ bất thường lần 2 tổ chức ngày 30/12/2019 của Vinaland. Do vậy, tính pháp lý về cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường này còn bỏ ngỏ.

Hạ Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên