MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Chứng khoán Bản Việt: 2020 sẽ là năm bỏ đi vì lợi nhuận không đáng kể!

Ước kết quả kinh doanh nửa đầu năm, VCI dự báo quý 2 ghi nhận khoảng 200 tỷ, luỹ kế 6 tháng có thể đạt 300 tỷ lợi nhuận, nếu may mắn có thể đạt 350 tỷ đồng.

Chiều ngày 24/6/2020, Chứng khoán Bản Việt (VCSC, VCI) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, thông qua kế hoạch doanh thu 1.390 tỷ, giảm 10% và LNTT 550 tỷ đồng, giảm 55% so với năm trước. Với chỉ tiêu trên, Công ty sẽ trả cổ tức tỷ lệ 10-15%.

Theo VCI, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường tài chính toàn cầu và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ. Do ảnh hưởng từ việc thị trường lao dốc, nhiều công ty chứng khoán (CTCK) kinh doanh thua lỗ và sụt giảm lợi nhuận trong quý đầu năm.

Cùng với đó, lĩnh vực môi giới tiếp tục đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ các CTCK có vốn Hàn Quốc với chiến lược giảm lãi suất cho vay margin và phí giao dịch để tăng thị phần. Với lợi thế top 2 thị phần môi giới nước ngoài và top 3 thị phần môi giới trên Ho SE, trong năm 2020, VCI đặt mục tiêu tiếp tục nằm trong các công ty có thị phần lớn nhất.

Phát biểu tại Đại hội, ông Tô Hải – Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc cho biết: "Năm 2019 có nhiều ảnh hưởng xấu đến ngành chứng khoán, thanh khoản sụt giảm chỉ còn tương đương 70-80% năm ngoái, dù nền kinh tế nói chung tăng trưởng. Về mảng môi giới bị cạnh tranh bởi các CTCK nước ngoài, khi mà các đơn vị này có mức lãi suất khá thấp. Điều này xuất phát từ việc mặt bằng lãi suất tại các quốc gia này đang thấp hơn so với Việt Nam. Theo đó, CTCK Thái Lan, Hàn Quốc vay được vốn với lãi thấp do đó sang Việt Nam có được lợi thế cạnh tranh".

Vị này cũng nói thêm, tương lai dự báo tất cả các phí sẽ về 0, như vậy CTCK chỉ có thể thu lãi từ việc cho vay margin, tuy nhiên như đã đề cập tại khoản này thì doanh nghiệp nội địa không có lợi thế so với các đơn vị ngoại. Năm qua, hoạt động môi giới VCI giảm từ 1.000 tỷ về 400 tỷ, tuy nhiên mảng môi giới thực tế chỉ giảm khoảng 20%, mức giảm còn lại do chi phí ẩn của mảng ngân hàng đầu tư kéo lùi tăng trưởng.

Bước sang năm 2020, ông Hải nhấn mạnh: "2020 là năm sẽ bỏ đi vì lợi nhuận sẽ không đáng kể so với tiềm năng của Công ty. Nhưng từ năm 2021 thì sẽ lấy lại đà tăng trưởng như giai đoạn 2016-2017, mục tiêu tăng gấp đôi vốn chủ sở hữu (hiện đang sụt giảm về 3.600 tỷ đồng) trong 3 năm tới, ước tính phải có LNTT trên 3.500 tỷ, như vậy mỗi năm phải thu về trên ngàn tỷ".

Ước kết quả kinh doanh nửa đầu năm, VCI dự báo quý 2 ghi nhận khoảng 200 tỷ, luỹ kế 6 tháng có thể đạt 300 tỷ lợi nhuận, nếu may mắn có thể đạt 350 tỷ đồng. Nhận định thị trường chứng khoán 6 tháng cuối năm, đại diện Công ty ví von sẽ giống như "coi bói", bởi bối cảnh hiện nay có nhiều biến động, rủi ro tiềm ẩn không thể đoán định trước được, đặc biệt trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19.

Riêng mảng ngân hàng đầu tư, Công ty đang có deal với giá trị khoảng 2 tỷ USD, nhưng sẽ ghi nhận vào các năm sau. "Nếu không có Covid-19 sẽ chốt 1 deal trị giá 1,5 tỷ USD. Với tình hình hiện tại, trong năm nay, Công ty chỉ có khả năng hoàn thành deal này khoảng 40%", ông Hải nói thêm.

Đại hội cũng thông qua việc bầu bổ sung 2 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2016-2020 là ông Lê Phạm Ngọc Phương – Phó Tổng Giám đốc CTCP Lothamilk và ông Nguyễn Lân Trung Anh – Tổng Giám đốc của Công ty TNHH Phoenix Holdings.

Về phương án bán cổ phiếu quỹ, VCI sẽ bán toàn bộ cổ phiếu quỹ đã được Công ty mua lại từ nhân viên nghỉ việc theo chương trình ESOP (tính đến thời điểm gần nhất) với giá bán 12.000 đồng/cp. Tổng số tiền thu được dự chi bổ sung vốn lưu động và giảm nợ vay ngân hàng.

Cuối cùng, với phương án phát hành cổ phiếu ESOP, VCI dự kiến sẽ phát hành 1,2 triệu cổ phần với giá phát hành 10.000 đồng/cp, tương đương 12 tỷ đồng. Vốn điều lệ dự kiến sau phát hành của VCI sẽ tăng từ 1.644 tỷ đồng lên 1.656 tỷ đồng.

Tri Túc

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên