MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Chứng khoán SHS: Mục tiêu lợi nhuận 1.103 tỷ đồng, tham vọng trung và dài hạn lọt Top 3 thị phần, không tham gia cuộc đua tăng vốn trong vài năm tới

ĐHĐCĐ Chứng khoán SHS: Mục tiêu lợi nhuận 1.103 tỷ đồng, tham vọng trung và dài hạn lọt Top 3 thị phần, không tham gia cuộc đua tăng vốn trong vài năm tới

Riêng về vấn đề trái phiếu, ông Tiến chia sẻ SHS tự tin là nhà tư vấn trái phiếu hàng đầu Việt Nam và hoàn toàn không có tên trong danh sách liên quan tới các trái phiếu vi phạm, vỡ nợ hay quá hạn.

Ngày 28/04/2023, Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (mã chứng khoán: SHS) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên, thông qua kế hoạch kinh doanh và xây dựng định hướng hoạt động cho năm 2023. Theo tiết lộ của ban lãnh đạo, số lượng cổ đông của SHS năm nay lên tới 49.000 cổ đông, do đó Đại hội đã thực hiện qua cả hình thức trực tiếp và trực tuyến để thuận tiện hơn cho các cổ đông.

Kế hoạch lợi nhuận tăng 6 lần lên mức nghìn tỷ

SHS đưa ra giả định chỉ số VN-Index sẽ dao động trong khoảng từ 1.120 đến 1.150 điểm với giá trị giao dịch bình quân khoảng 12.000 tỷ đồng/phiên. Trên cơ sở đó, SHS đặt kế hoạch doanh thu 1.942 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 1.103 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 25,5% và gấp 6 lần so với thực hiện năm 2022.

Phát biểu tại Đại hội, ông Đỗ Quang Vinh, Chủ tịch HĐQT SHS cho biết để đạt được mục tiêu trên, SHS đặt kế hoạch hành động trước mắt lấy lại vị thế trong Top 10 công ty chứng khoán có thị phần môi giới hàng đầu, mở rộng đội ngũ môi giới và nâng cao năng lực tư vấn đầu tư. Bên cạnh đó, Công ty đẩy nhanh quá trình triển khai nghiệp vụ chứng khoán phái sinh, chuẩn bị đủ các điều kiện để có thể phát hành chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant).

Trước tháng 3/2023, Công ty chưa triển khai các nghiệp vụ liên quan đến chứng khoán phái sinh do thị trường chưa thuận lợi. SHS sẽ tiếp tục nâng cấp phần mềm lõi cơ sở tăng cường trải nghiệm khách hàng trên Mobile app và Webtrading, đảm bảo các hệ thống vận hành an toàn và bảo mật, kiểm thử thành công hệ thống KRX và sẵn sàng golive cùng kế hoạch của cơ quan quản lý.

ĐHĐCĐ Chứng khoán SHS: Mục tiêu lợi nhuận 1.103 tỷ đồng, tham vọng trung và dài hạn lọt Top 3 thị phần, không tham gia cuộc đua tăng vốn trong vài năm tới - Ảnh 1.

Đối với hoạt động Tư vấn và Bảo lãnh phát hành , SHS tìm kiếm khách hàng thuộc các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau có khả năng tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn, thiết lập hệ thống đối tác là các nhà đầu tư lớn, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước để thực hiện cho các thương vụ M&A, IPO đồng thời, tìm kiếm, tuyển dụng các chuyên gia hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự. Đặc biệt, đối với lĩnh vực đầu tư, Công ty chủ trương hiện thực hóa các khoản đã đầu tư và tìm kiếm các danh mục đầu tư an toàn, hiệu quả và tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư giá trị phù hợp.

Đối với tổ chức quản trị, Công ty xây dựng mới mô hình tổ chức theo hướng hiện đại, tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp phù hợp với chiến lược phát triển và tương xứng với vị thế của Công ty. Công ty tăng cường công tác quản trị rủi ro, đáp ứng các yêu cầu của công tác quản trị cũng như tuân thủ quy định.

Theo ông Vinh, năm 2023 vẫn là năm đầy khó khăn cho cả nền kinh tế nói chung và cả SHS nói riêng. Công ty xác định phương châm là Tích luỹ - Thận trọng - Phát triển. SHS xác định thận trọng trong đầu tư và kinh doanh để bảo vệ an toàn vốn cho cổ đông và công ty.

"Định hướng năm 2023 sẽ thực hiện tái cấu trúc công ty triệt để, hướng tới mô hình tiêu chuẩn. Các mảng kinh doanh chưa thể chứng tỏ được hiệu quả sẽ được chuẩn bị nền tảng để phát huy tốt trong tương lai, dần trở thành một trong những tổ chức hàng đầu về tư vấn tài chính cho doanh nghiệp. Việc chuẩn bị sẽ đi từ đầu tư công nghệ thông tin tới đầu tư vào con người và làm việc với các tổ chức tư vấn nước ngoài, qua đó đích tới cuối cùng là phục vụ khách hàng", Chủ tịch Đỗ Quang Vinh chia sẻ với cổ đông.

Sẽ không tăng vốn trong 2-3 năm tới, mục tiêu lọt Top 3 thị phần

Chia sẻ thêm về chiến lược trung và dài hạn, ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc SHS cho biết không những trở lại Top 10 mà SHS hướng tới việc lọt top 3 thị phần môi giới sàn HoSE.

Vị Tổng giám đốc này chia sẻ trước đây SHS từng lọt vào top 5 nhưng sau đó bị loại ra do thua kém về nguồn vốn, công nghệ thông tin, về cách tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên hiện nay, SHS đã và đang khắc phục được các vấn đề trên, đặc biệt là kết nối với Ngân hàng SHB để khai thác triệt để tệp khách hàng và mở rộng mạng môi giới.

Theo ông Tiến, SHS tăng vốn thành công vào khoảng tháng 7/2022, tức là đã đi qua hơn nửa chặng đường của năm, do đó nguồn lực huy động về chưa có đủ thời gian để phát huy hiệu quả vào hoạt động kinh doanh của công ty. Ngoài ra, trong năm qua SHS duy trì hoạt động trên quan điểm thận trọng, từ đầu tư cổ phiếu tới trái phiếu. Minh chứng là công ty đã thành công chốt danh mục trong tháng 3/2022, ngay trước khi thị trường giảm sâu.

Sang tới năm 2023, ông Tiến cho biết SHS đang quan sát trạng thái của nền kinh tế để đưa ra chiến lược cụ thể. Nếu sự phục hồi diễn ra thì SHS sẽ đẩy mạnh đầu tư theo đúng chiến lược. SHS sẽ luôn hoạt động theo xu hướng, không ngồi yên với trạng thái hiện tại mà luôn quan sát để đồng vốn cổ đông bỏ ra phải hiệu quả.

"Ngoài ra, nợ vay của SHS hiện đang khá thấp, vẫn còn nhiều dư địa để tăng thêm nguồn vốn cho hoạt động. Với uy tín của mình, SHS hoàn toàn có thể được các ngân hàng tài trợ vốn, phục vụ cho hoạt động cho vay margin, kinh doanh trái phiếu chính phủ thậm chí là đầu tư thêm", ông Tiến cho biết.

ĐHĐCĐ Chứng khoán SHS: Mục tiêu lợi nhuận 1.103 tỷ đồng, tham vọng trung và dài hạn lọt Top 3 thị phần, không tham gia cuộc đua tăng vốn trong vài năm tới - Ảnh 2.

Riêng về vấn đề trái phiếu , ông Tiến chia sẻ đây là vấn đề ảnh hưởng vô cùng lớn, tuy nhiên không thể đánh đồng tất cả. Không phải trái phiếu nào cũng xấu, trái phiếu niêm yết chưa chắc đã tốt hơn trái phiếu chưa niêm yết và không phải tổ chức tư vấn phát hành nào cũng yếu kém. SHS tự tin là nhà tư vấn trái phiếu hàng đầu Việt Nam và hoàn toàn không có tên trong danh sách liên quan tới các trái phiếu vi phạm, vỡ nợ hay quá hạn. Hiện danh mục trái phiếu khoảng 2.000 tỷ đồng, so sánh với mức vốn chủ sở hữu khoảng 10.000 tỷ thì đây là mức đầu tư an toàn, các trái phiếu đều có tài sản bảo đảm.

Liên quan tới hoạt động cho vay margin cổ phiếu Novaland (NVL), Tổng Giám đốc SHS cho biết đây từng là khoản mục có giá trị lớn. Khi giá cổ phiếu giảm sâu thì việc bán giải chấp đã diễn ra và SHS không chịu thiệt hại nào. Hiện công ty cũng không còn dư nợ cho vay margin đối với mã cổ phiếu này.

Liên quan tới hoạt động đầu tư cổ phiếu Eximbank (EIB), ông Tiến chia sẻ cổ phiếu này đã có thời điểm tốt để đầu tư trong năm 2022. SHS hiện đầu tư không nhiều vào mã cổ phiếu này, chỉ khoảng 400 tỷ đồng.

Liên quan với hoạt động tăng vốn, ông Tiến cho biết hoạt động này cần phù hợp với thị trường. SHS đã tăng vốn liên tục trong giai đoạn 2021-2022, mức vốn chủ hiện đạt hơn 9.600 tỷ đồng, Trong bối cảnh thị trường chỉ đi ngang như hiện tại thì vấn đề tăng vốn trong 1 vài năm tới sẽ chưa thực hiện. Vấn đề cuối cùng mà SHS hướng tới là tới là chỉ số EPS chứ không phải vốn chủ.

Phương Linh

Nhịp Sống Thị Trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên