ĐHĐCĐ EVN Genco3 (PGV) : Quyết liệt triển khai tái cơ cấu, thoái vốn… để đưa hệ số nợ/vốn về mức 3 lần, đặt chỉ tiêu LNTT 409 tỷ đồng
Tham dự và phát biểu tại đại hội, đại diện EVN cho biết, năm 2020-2021 Tập đoàn sẽ tiến hành thoái vốn tại các đơn vị bán lẻ điện, trong đó sau Genco3 sẽ đến Genco1, 2... Hiện, Genco3 do EVN chi phối nên phải tuân thủ quy định, chưa được phép hedging ngoại tệ.
Sáng ngày 27/6/2019, Tổng Công ty Phát điện 3 (Genco3, PGV) đã tổ chức ĐHĐCĐ nhằm thông qua tình hình kinh doanh 2018 cũng như lên kế hoạch cho năm tiếp theo, trong đó địa diện Công ty nhấn mạnh bài toán bây giờ là tái cơ cấu để đảm bảo tài chính hoạt động hiệu quả.
Lỗ chênh lệch 2019 dự hơn 1.000 tỷ, sẽ không chia cổ tức
Tính đến hết quý 1/2019, Công ty ghi nhận 78.302 tỷ tổng tài sản, trong đó tài sản ngắn hạn 20.328,5 tỷ đồng (khoản phải thu chiếm tỷ trọng lớn với 11.879 tỷ, tiền – tương đương tiền cũng như đầu tư tài chính ngắn hạn 4.821 tỷ đồng), tài sản dài hạn 52.734,5 tỷ đồng. Tổng nợ Công ty vào mức 67.876 tỷ, chủ yếu nợ vay dài hạn với giá trị lên đến 55.679 tỷ đồng. Hệ số nợ theo đó hơn 6,6 lần! Chưa kể, Genco3 đang ghi nhận khoản lỗ 1.098,5 tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá.
Được biết, 3 tháng cuối năm Genco3 buột phải hạch toán khoản lỗ chênh lệch 1.504 tỷ sau khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm chuyển thành CTCP, theo đó cả năm Công ty ghi nhận thua lỗ sau thuế 628 tỷ đồng.
Lên kế hoạch cho năm 2019, Công ty đặt mục tiêu sản lượng điện 32.570 triệu kWh, doanh thu lợi nhuận trước thuế tương ứng 42.550 tỷ và 409 tỷ đồng. Dự kiến lỗ chênh lệch tỷ giá năm nay vào mức 1.067 tỷ đồng, Genco3 sẽ không chia cổ tức do còn lỗ luỹ kế chưa thể giải quyết.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư 2019 hơn 6.670,5 tỷ đồng
Về công tác đầu tư xây dựng, năm 2019 Genco3 làm chủ đầu tư các dự án gồm:
(1) Dự án Điện mặt trời Vĩnh Tân 2: Đã đưa vào vận hành thương mại vào tháng 6/2019. Dự án đạt 42,64 MWp, sản lượng điện sản xuất hàng năm là 68 triệu kWh, được đầu tư tại Bình Thuận. Giá trị hợp đồng đấu thầu rộng rãi theo ban lanh đạo Genco3 chia sẻ là 727 tỷ đồng, trong khi tổng chi phí bao gồm quản lý, tư vấn, bồi thường (chính yếu)… vào khoảng 17 tỷ đồng/MWp, tức tổng mức đầu tư thực tế là 725 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với dự kiến trước đó.
(2) Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 2: Tiếp tục thi công hạng mục cuối cùng là Nhà hành chính và quyết toán toàn bộ dự án.
(3) Dự án Cơ sở hạ tầng trung tâm điện lực (TTĐL) Vĩnh Tân: Thực hiện công tác quyết toán dự án theo tiến độ.
(4) Dự án Cảng than Vĩnh tân: Tiếp tục thi công hạng mục nạo vét luồng dẫn và vũng quay tàu đáp ứng tàu 70.000 DWT. Thực hiện thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch TTĐL Vĩnh Tân.
(5) Dự án Thuỷ điện Thượng Kon Tum: Dự kiến phát điện tổ máy số 1 trong quý 4/2019.
Ngoài ta, Genco3 cũng xúc tiến đầu tư các dự án nguồn điện mới gồm Trung tâm điện lực Long Sơn sử dụng khí LNG nhập khẩu tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Dự án Điện mặt trời Ninh Phước 7 (200 MWp) tại Ninh Thuận.
Tính chung, tổng vốn đầu tư 2019 dự kiến 6.670,5 tỷ đồng, bao gồm trả nợ vốn vay (gốc và lãi) 5.484 tỷ và đầu tư thuần 1.186 tỷ đồng.
Đã ký hợp đồng nhập khẩu than dài hạn với nước ngoài
Liên quan đến công tác đảm bảo nhiên liệu than cho Genco3 nói chung và dự án nhiệt điện nói riêng, Tổng Giám đốc – ông Đinh Quốc Lâm – cho biết hiện nay than cấp cho Công ty từ 3 nhà máy, chính yếu gồm Vĩnh Tân 2, Mông Dương 1. Trong đó, nhà máy Vĩnh Tân 2 có nhu cầu vào mức than 3,8 triệu tấn/năm, con số tại Mông Dương 1 đâu đó tối đa 3,4 triệu tấn/năm.
Theo tiến độ, TKV có thể cung cấp 60 triệu tấn than cho toàn Việt Nam, tuy nhiên hiện nay sơ đồ than theo Bộ Công Thương phê duyệt con số cung ứng chỉ khoảng 40 triệu tấn than cho cả nước. Trong đó, ông Lâm cho biết lượng cung cấp này sẽ ưu tiên cho các tỉnh phía Bắc vì tập trung mạng lưới điện quốc gia. Còn phía nam theo đó sẽ phải hập khẩu than cũng như dùng thêm than trộn, tức than nhập trộn với than trong nước.
Riêng Vĩnh Tân 2 đang có lợi thế là gần cảnh lớn ở Nam Trung Bộ do đó thuận lợi để nhập khẩu, với nhu cầu 3,8 triệu tấn/năm thì hiện TKV và Genco3 đã thoả thuận cấp 2 triệu tấn than trong nước hoặc than pha trộn.
Còn Nhiệt điện Mông Dương 1, TKV dự cấp khoảng 3 triệu tấn than trong nước, dự kiến phải nhập khẩu 400.000 tấn than trộn.
Hiện nay, nguồn than nhập lớn nhất của Công ty đến từ Nam Phi, và cũng có kế hoạch hướng đến nguồn thứ hai là Úc, chất lượng than từ hai vùng này theo ban lãnh đạo đánh giá là tốt, thạm chí ông Lâm cho rằng than từ Nam Phi tốt hơn cả than trong nước. Ngoài ra, Genco3 cũng đã ký hợp đồng nhập khẩu dài hạn với sản lượng 1,8 tấn bắt đầu từ năm nay, trong đó nhiên liệu than Genco3 đấu thầu rộng rãi quốc tế và đang rất thuận lợi, nhận được giá thấp hơn giá than trộn trong nước.
Phải làm sao đưa hệ số nợ/vốn về mức 3 lần
Liên quan đến kế hoạch cổ phần hoá năm 2018, đại diện Công ty cho biết đã đang và sẽ thực hiện theo tiến độ của Nhà nước, trong đó đợt cổ phần hoá Genco3 thực hiện thông qua hình thức huy động vốn chứ không thoái vốn. Bởi, đa số các nhà máy Genco3 đang phải vay tiền, do đó tổng nợ vay trên vốn chủ tương đối cao, có lúc đạt gần 8 lần, hiện con số có giảm những vẫn xấp xỉ 6,6 lần.
Nói về điều này, Chủ tịch Nguyễn Văn Lê cho biết Công ty đang làm mọi hình thức để cân đối tài chính, giảm hệ số nợ/vốn xuống mức 3 lần, thông qua bán những gì đang có…
Mặt khác, Genco3 lên lộ trình thoái vốn tại 3 đơn vị là Thuỷ điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, hiện đã triển khai thuê tư vấn, Điện Việt Lào, Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch.
Song song Công ty cũng nghiên cứu, hoàn thiện phương án tái cơ cấu (bao gồm cổ phần hoá Nhiệt điện Mông Dương và các phương án phát hành tăng vốn điều lệ, giảm tỷ lệ sở hữu của EVN) để lành mạnh tài chính theo chỉ đạo Thủ tướng.
Tham dự và phát biểu tại đại hội, đại diện EVN cho biết, năm 2020-2021 Tập đoàn sẽ tiến hành thoái vốn tại các đơn vị bán lẻ điện, trong đó sau Genco3 sẽ đến Genco1, 2... Hiện, Genco3 do EVN chi phối nên phải tuân thủ quy định, chưa được phép hedging ngoại tệ.
Trí Thức Trẻ