MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Licogi 16 (LCG): Sẽ phát hành 500 tỷ cổ phần mới, nếu không thành sẽ được ông Nguyễn Văn Nghĩa mua toàn bộ

ĐHĐCĐ Licogi 16 (LCG): Sẽ phát hành 500 tỷ cổ phần mới, nếu không thành sẽ được ông Nguyễn Văn Nghĩa mua toàn bộ

Trả lời cổ đông nhận định liệu kế hoạch huy động 500 tỷ có khả năng thành công hay không, ông Nguyễn Văn Nghĩa – Thành viên HĐQT Licogi 16 (LCG) – cho biết năm qua phương án phát hành 300 tỷ từng thất bại liên quan đến giá cổ phiếu. Lúc bấy giờ, HĐQT từng bàn chia nhau ban lãnh đạo mua để có vốn, nhưng "lực bất tòng tâm". Năm nay, thị giá đã cải thiện, ông Nghĩa khẳng định: "Chắc chắn thành công. Nếu cổ đông không mua tôi sẽ mua hết!".

Sáng ngày 3/4/2020, CTCP Licogi 16 (LCG) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2021, nhằm báo cáo tình hình kinh doanh năm 2020 cũng như kế hoạch, chiến lược hoạt động thời gian tới.

Sẽ thoái hết vốn Nhà nước trong năm 2021, thay đổi thương hiệu và tập trung mảng bất động sản

Tại đại hội, Công ty trình kế hoạch doanh thu 3.600 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ năm 2020 chuyển tiếp sang 27 tỷ đồng, doanh thu mảng dân dụng 129 tỷ (Khu du lịch sinh thái Cẩm Đình, Hòn Rơm, thi công nhà Hiệp Thành), mảng hạ tầng giao thông dự kiến đóng góp 1.000 tỷ (từ Vân Đồn Tiên Yên, các dự án đấu thầu), mảng năng lượng tiếp tục đóng góp chính tổng doanh thu với 1.796 tỷ đồng và doanh thu công trình xây lắp điện của EVN vào khoảng 150 tỷ đồng.

Khấu trừ chi phí, LCG dự kiến lợi nhuận giảm nhẹ về mức 300 tỷ đồng. Theo lý giải, năm 2020 lợi nhuận cao hơn so với các năm cũng như dự phóng năm nay do có lợi nhuận đột biến từ việc chuyển nhượng dự án Điền Phước. Như vậy, nếu xét trên lợi nhuận từ HĐKD thuần tuý thì con số kế hoạch 300 tỷ là phù hợp, thực tế có thể cao hơn nếu ghi nhận lợi nhuận đột biến từ việc chuyển nhượng, phía Công ty nhấn mạnh.

Ước tính tình hình kinh doanh quý 1/2021, ban lãnh đạo cho biết doanh thu vào khoảng 470 tỷ, tương ứng lợi nhuận 57 tỷ đồng.

Song song, Đại hội cũng thống nhất thay đổi nhận diện thương hiệu Công ty. Theo ban lãnh đạo, cái tên Licogi 16 trải qua 20 năm và xuất thân là doanh nghiệp Nhà nước. Đến nay, Công ty tự tin đã có những thay đổi về lượng và chất, cũng như tạo dựng đủ niềm tin với thị trường, với cổ đông; và đây cũng là lúc cần thay đổi thương hiệu theo triết lý mới. Chưa kể, theo kế hoạch năm nay LCG sẽ thoái hết phần vốn còn lại của Nhà nước, định hướng thời gian tới không còn tập trung vào xây dựng hạ tầng nữa mà chuyển trọng tâm sang mảng bất động sản.

ĐHĐCĐ Licogi 16 (LCG): Sẽ phát hành 500 tỷ cổ phần mới, nếu không thành sẽ được ông Nguyễn Văn Nghĩa mua toàn bộ - Ảnh 1.

Điện gió: Vay lãi suất 4,5%/năm so với lãi ngân hàng 10,5%/năm, đầu tư kiểu gì cũng thắng!

Chi tiết từng mảng kinh doanh, đầu tiên nói đến năng lượng tái tạo, năm 2021 LCG dự kiến thực hiện triển khai tiếp cận chào thầu một số dự án điện mặt trời nổi từ các đối tác như EVN, KN Group, Macquirie, Blueleaf với tổng quy mô công suất trên 3.000Mwp.

Về phía doanh nghiệp, LCG sẽ tiếp tục xin phê duyệt chủ trương cho phép khảo sát và triển khai nghiên cứu dự án đầu tư nhà máy điện mặt trời (NMĐMT) nổi, dự án điện gió trên biển. Trong đó, dự án điện gió Thăng Hưng đang triển khai trên cơ sở thống nhất hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài. Song song, Công ty cũng dự đưa các dự án điện gió Quảng Trị, Gia Lai và NMĐMT nổi vào nhóm quy hoạch điện VIII (tức huy động công suất trong năm 2022).

Công ty đã đăng ký giá trị đầu tư 2 dự án điện gió lớn với 776 tỷ đồng, dự kiến sẽ tiếp tục ghi nhận trong năm 2021. Cùng với đó, tại mảng điện mặt trời:

(1) dự án NMĐMT Chư Ngọc – Gia Lai giai đoạn 2 với công suất 25Mwp, LCG hiện đã hoàn tất thủ tục pháp lý và dự triển khai ngay trong năm 2021 (giai đoạn 1 đã hoàn thành, đóng góp mức doanh thu khoảng 47,2 tỷ đồng).

(2) dự án NMĐMT Nhơn Hải – Ninh Thuận: Doanh thu 6 tháng cuối năm 2020 hơn 38 tỷ, chỉ đạt khoảng 65% sản lượng thiết kế do ảnh hưởng thời tiết cũng như ưu tiên phát điện thuỷ điện. Dự kiến đến hết quý 2/2021, công suất dự án sẽ phát ổn định.

Nói về tiềm năng mảng điện gió, đại diện LCG cho biết theo chính sách mới khi chuyển sang chế độ đấu giá điện gió, các chuyên gia trong ngành tính toán: nếu vận tốc gió 6m/s trở xuống và vay vốn ngân hàng thì nhà đầu tư sẽ tiếp tục lỗ. Do đó, LCG chọn phương án ký kết đầu tư với các đối tác ngoại, cụ thể là Nhật và Đức với cam kết huy động vốn rẻ. Hiện, dự án của LCG đang được phê duyệt vay vốn Nhật, lãi suất tính về nước ở mức chỉ 4,5%, so với lãi suất ngân hàng trong nước cho vay hiện nay là 10,5%/năm. Do đó, vị này khẳng định đấu kiểu gì LCG cũng tự tin sẽ thắng ở mảng này.

Tính trung bình, một suất đầu tư điện gió Công ty hiện nay vào khoảng 1,35 – 1,4 triệu USD, đây được đánh giá mức phù hợp mang lại hiệu quả cho dự án. Bên cạnh các đối tác hiện hữu, LCG cũng sẽ huy động vốn từ đối tác nước ngoài cho mảng năng lượng tái tạo này.

Mảng xây lắp tái tạo tăng trưởng nổi trội trong năm 2020

Về các mảng kinh doanh còn lại, với lĩnh vực hạ tầng Công ty dự kiến phối với với Công ty khai thác Cảng để hoàn tất công tác quyết toán dự án BOT 38 và BOT Bắc Giang. Tại dự án Hữu Nghị Chi Lăng, LCG sẽ phối hợp với các nhà đầu tư để hoàn thành các thủ tục pháp lý, đặc biệt thủ tục về cơ chế vốn của ngân sách trung ương để triển khai dự án từ quý 3/2021.

Song song, với mảng xây lắp năng lượng tái tạo, LCG dự tiếp tục hoàn thành các hạng mục còn dang dở, quyết toán để thu hồi giá trị giữ lại và các công nợ tồn đọng tại các công trình cũ gồm KN Vạn Ninh, Solar Mỹ Sơn, Solar Đầm Trà Ố…

Tại mảng bất động sản, LCG dự hoàn tất thủ tục chuyển nhượng tại dự án Điền Phước, Long Tân City; hoàn thành chuyển đổi khu đất tại dự án trường nghề sang nhà ở xã hội; triển khai thủ tục pháp lý tại dự án Nam Phương 3,4ha; hoàn thiện hạng mục hạ tầng kỹ thuật dự án Hiệp Thành City… cũng như tìm kiếm các quỹ đất mới để đầu tư tại Ninh Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, Vĩnh Phúc…

Năm 2020, LCG ghi nhận doanh thu 3.536 tỷ đồng – tăng 39% so với năm 2019 và vượt 33% so với kế hoạch. LNST thu về 311 tỷ đồng, tăng đến 63%. Trong đó, hoạt động xây lắp dự án năng lượng tái tạo đã có đóng góp nổi bật cho chỉ số kinh doanh của Công ty với doanh thu đạt 2.708 tỷ đồng (chiếm hơn 80% tổng doanh thu xây lắp 3.381 tỷ đồng) thông qua 5 dự án điện mặt trời lớn nhất trong năm.

Được biết, đặc thù xây lắp mảng năng lượng tái tạo theo LCG là có thời gian thi công ngắn, giá trị hợp đồng lớn do tỷ trọng thiết bị cao. So với tổng doanh thu 3.536 tỷ đồng, mảng xây lắp năng lượng tái tạo tăng mạnh và đóng góp đến 76% tỷ trọng, đây là điểm sáng trong bối cảnh lĩnh vực hạ tầng giao thông và dân dụng công nghiệp gặp nhiều khó khăn, cụ thể là sự cạnh tranh gay gắt từ các đơn vị khác trong ngành.

Với kết quả trên, HĐQT trình kế hoạch chia cổ tức 2020 ở mức 15%, bao gồm 7% tiền mặt và 8% cổ phiếu. Tương ứng, Công ty lên kế hoạch phát hành hơn 9 triệu cổ phần, tỷ lệ 100:8 từ nguồn lợi nhuận giữ lại trên BCTC.

Dự phát hành 50 triệu cổ phiếu mới, giá chào bán 10.000 đồng/cp

Song song, Công ty cũng chào bán mới 50 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, dự kiến tăng vốn lên 1.765 tỷ đồng. Giá chào bán vào mức 10.000 đồng/cp (thấp hơn so với mức thị giá 15.000 đồng/cp hiện nay), tổng tiền thu về ở mức 500 tỷ đồng.

Được biết, kế hoạch phát hành huy động nhiều năm qua được LCG trình tuy nhiên chưa thực hiện được do thị giá không phù hợp. Năm 2020, với sự tăng trưởng chỉ số kinh doanh, cổ phiếu LCG cũng tăng trưởng mạnh, từ mức 4.000 đồng/cp lên hơn 15.000 đồng/cp chỉ sau 1 năm giao dịch.

Dự kiến, LCG sẽ chi 204 tỷ thu từ phát hành để thanh toán nợ vay, chi 146 tỷ để góp vốn vào công ty năng lượng Licogi 16 Gia Lai (thực hiện dự án NMĐMT Chư Ngọc công suất 25Mwp) và chi 150 tỷ còn lại đầu tư khu dân cư Long Tân.

Trả lời cổ đông nhận định liệu kế hoạch huy động 500 tỷ có khả năng thành công hay không, ông Nguyễn Văn Nghĩa – Thành viên HĐQT – cho biết năm qua phương án phát hành 300 tỷ từng thất bại liên quan đến giá cổ phiếu. Lúc bấy giờ, HĐQT từng bàn chia nhau ban lãnh đạo mua để có vốn, nhưng "lực bất tòng tâm". Năm nay, thị giá đã cải thiện, ông Nghĩa khẳng định: "Chắc chắn thành công. Nếu cổ đông không mua tôi sẽ mua hết!".

Báo cáo cổ đông việc mua vào lượng lớn cổ phần TCM của Dệt may Thành Công và đăng ký mua cổ phiếu LCG nhưng sau đó huỷ, ông Nghĩa nói: "Thực tế tôi muốn mua nhưng lực bất tòng tâm. Biết LCG tốt, và sở dĩ tôi không mua nữa vì không đủ tiền mua nữa, tôi đã dồn tiền TCM nên hết tiền mua LCG". Vị này nhấn mạnh LCG năm qua tái cơ cấu rất tốt, và việc huỷ số lượng đăng ký mua chỉ do một lúc đầu tư vào nhiều nơi nên không đủ nguồn lực.

ĐHĐCĐ Licogi 16 (LCG): Sẽ phát hành 500 tỷ cổ phần mới, nếu không thành sẽ được ông Nguyễn Văn Nghĩa mua toàn bộ - Ảnh 2.

Tri Túc

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên