MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Minh Phú (MPC): 4 nhà đầu tư từ Nhật, Mỹ, Hàn đang "trả giá" mua cổ phần, tham vọng sau hợp tác chiếm đến 25% thị phần tôm toàn cầu

29-01-2019 - 10:21 AM | Doanh nghiệp

"Mong muốn đạt 25% thị phần tôm toàn cầu, thì phải tăng trưởng 25%, mà muốn đạt được tăng trưởng này thì phải có tiềm lực tài chính mạnh, và đợt phát hành mong muốn có được những đối tác ưng ý", Chủ tịch Minh Phú nhấn mạnh.

Sáng ngày 29/1/2019, CTCP Thủy sản Minh Phú (MPC) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua nhà đầu tư mua cổ phần phát hành riêng lẻ cùng một số nội dung khác.

ĐHĐCĐ bất thường đó đã thông qua phương án phát hành riêng lẻ 75,72 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư đủ tiêu chí. Giá chào bán ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT đàm phán quyết định nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách Công ty tại thời điểm lập BCTC trước thời điểm nộp hồ sơ lên UBCKNN, đồng thời không thấp hơn giá đóng cửa bình quân 10 phiên liên tiếp ngay trước thời điểm nộp hồ sơ. Dự kiến sau phát hành Thủy sản Minh Phú sẽ tăng vốn điều lệ lên hơn 2.157 tỷ đồng. Số tiền thu được từ đợt chào bán riêng lẻ Công ty cho biết sẽ dùng để tăng cường năng lực tài chính, bổ sung vốn lưu động cho hoạt động SXKD.

Phải trả giá cao hơn 20% để sở hữu thêm cổ phần Minh Phú

Và, nội dung ĐHĐCĐ lần này trọng tâm nhấn vào những đối tác tham gia góp vốn vào Minh Phú, tính đến hiện tại Công ty đã đàm phán xong với Mitsui & Co.,Ltd cùng các công ty con, công ty liên kết cũng như các đơn vị liên quan. Thực tế, thông tin Mitsui tham gia Minh Phú đã rỏ rỉ trước đó, khi trong buổi tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 15/1, ông Tatsuo Yasunaga, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty Mitsui cho biết Mitsu đầu tư 100 triệu USD vào một doanh nghiệp nuôi tôm của Việt Nam là Minh Phú (MPC) để phát triển xuất khẩu tôm, trong đó có việc đầu tư kho đông lạnh. Tuy nhiên, thời điểm bấy giờ theo đại diện Minh Phú vẫn đang trong quá trình thương thảo. Đến nay, tại Đại hội lần này Minh Phú mới chính thức công bố Mitsui trong danh sách nhà đầu tư tham gia mua vốn.

Cùng với đó, một số nhà đầu tư Nhật Bản khác cũng ngỏ lời tham gia, tuy nhiên Minh Phú chưa tiện công bố tên tuổi. Không chỉ Nhật, một nhà đầu tư Mỹ và một nhà đầu tư Hàn Quốc khác cũng đang đàm phán chào giá với Minh Phú. Về mức vốn thì hiện Minh Phú cho biết chưa ưng ý mức giá mà các nhà đầu tư chào đợt đầu, dự kiến sẽ có mức giá chào mua mới vào quý 1/2019.

Trong một lần chia sẻ trước đó, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Minh Phú cho biết thậm chí có đối tác muốn mua đến 65% vốn, tuy nhiên phía Chủ tịch và gia đình chỉ muốn bán tối đa 61%. Trường hợp nếu đồng ý bán, ông Quang khẳng định giá trả để mua phải cao hơn 20% mức giá thỏa thuận so với trường hợp ban đầu.

Một nội dung đáng chú ý khác, Minh Phú cũng trình cổ đông cho phép các nhà đầu tư được quyền nhận chuyển nhượng cổ phần có quyền biểu quyết trong một lần hoặc nhiều lần dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phần có quyền biểu quyết của Công ty mà không phải chào mua công khai theo quỹ định của pháp luật. Như vậy, nếu một nhà đầu tư mua hết số cổ phần chào bán riêng lẻ và mua hết cổ phần có quyền biểu quyết như trên thì có thể sở hữu đến 61% cổ phần của Minh Phú.

Trở lại với kế hoạch thời gian tới, ông Quang cho biết đang đợi nguồn vốn mới để triển khai nhà máy sau, tuy nhiên trước mắt vẫn sẽ đầu tư tập trung phát triển nguồn nuôi để cung cấp nguyên liệu cho nhà máy. "Mong muốn đạt 25% thị phần tôm toàn cầu, thì phải tăng trưởng 25%, mà muốn đạt được tăng trưởng này thì phải có tiềm lực tài chính mạnh, và đợt phát hành mong muốn có được những đối tác ưng ý", Chủ tịch Công ty nhấn mạnh.

Cổ tức tiền mặt sẽ được chi ngay trong quý 1/2019

Kết thúc năm 2018, Minh Phú ghi nhận 1.030 tỷ lãi ròng, theo đó HĐQT Công ty dự chi cổ tức bằng tiền mặt ở mức 50-70%, tương đương 5.000-7.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện ngay trong quý 1/2019.

Đặt kế hoạch cho năm 2019, theo đánh giá của MPC lượng tôm năm nay sẽ có sản lượng tốt, bởi tình hình khả quan năm 2018 sẽ kích thích dân nuôi tôm dẫn đến sản lượng dự kiến dồi dào.

Mặt khác, năm 2018 do giá tôm giảm mạnh, dẫn đến DN xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, thậm chí đóng cửa nhà máy, đồng thời việc huy động vốn từ nhà băng cũng bị hạn hẹp… kết quả là nguồn tôm nguyên liệu tăng, trong khi nhu cầu tại các nhà máy bị sụt giảm. Như vậy, nguồn nguyên liệu dồi dào kéo giá nguyên liệu giảm, lợi nhuận theo đó sẽ cao hơn.

Một cơ sở khác cho năm tiếp theo, đánh giá tình hình tôm tại Ấn Độ - thị trường cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam – giá tôm vụ 1 giảm mạnh khiến người nuôi tôm tại quốc gia này lỗ. Các DN chế biến tôm cũng thua lỗ theo, dẫn đến vụ 2 này Ấn Độ sẽ không tăng so với năm 2017, trong khi vụ 1 tăng 20%.

Với những luận điểm trên, kế hoạch năm 2019 Công ty dự kiến sản lượng đạt 77.400 tấn, tương đương 850 triệu USD kim ngạch. Chế biến xuất khẩu sẽ mang về 2.000 tỷ trước thuế.

Ngoài ra, sau khi thử nghiệm công nghệ nuôi tôm mới, MPC dự nuôi 554 ao với sản lượng 11.080 tấn. Lợi nhuận nuôi tôm theo đó dự kiến đóng góp thêm 300 tỷ trước thuế. Tổng cộng, lãi trước thuế năm 2019 MPC kỳ vọng là 2.300 tỷ đồng.

ĐHĐCĐ Minh Phú (MPC): 4 nhà đầu tư từ Nhật, Mỹ, Hàn đang trả giá mua cổ phần, tham vọng sau hợp tác chiếm đến 25% thị phần tôm toàn cầu - Ảnh 1.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên