MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ ngân hàng BIDV: Dự kiến tăng vốn điều lệ lên 43.638 tỷ đồng

21-04-2018 - 16:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ tăng vốn theo 3 phương thức, bao gồm chào bán cổ phiếu ra công chúng, phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành cổ phiếu ESOP.

Mặc dù có chút sự cố xảy ra về việc cư dân mua nhà ở Bright City kéo đến đến trước Đại hội đòi chủ đầu tư và BIDV chịu trách nhiệm, ĐHĐCĐ thường niên 2018 của BIDV vẫn tiếp tục diễn ra như chương trình ban đầu. 

Tại cuộc họp, Ông Trần Anh Tuấn, Uỷ viên phụ trách Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng cho biết, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017 và cho biết năm 2018, BIDV đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng tối đa 17% và trong giới hạn được NHNN giao; Huy động vốn tăng trưởng 17% và phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn. Nợ xấu phấn đấu giữ tỷ lệ dưới 2% và lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 9.300 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2017. 

Ngân hàng đã trình phương án phân phối lợi nhuận năm 2017 tới cổ đông, trong đó dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt theo tỷ lệ 7% với tổng dự chi là gần 2.400 tỷ đồng. 

Đặc biệt, Ban lãnh đạo BIDV trình cổ đông kế hoạch tăng vốn khá mạnh trong năm nay. Cụ thể, ngân hàng dự kiến tăng vốn từ mức 34.187 tỷ đồng lên 43.638 tỷ đồng, tương đương mức tăng 28%. Theo đó, có 3 phương thức thực hiện. 

Thứ nhất, BIDV sẽ chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ hơn 170,9 triệu cổ phiếu (5% vốn điều lệ). Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2018-2019.

Thứ hai, BIDV phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài hơn 603,3 triệu cổ phiếu.

Thứ ba, phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động là 170,9 triệu cổ phiếu (tương đương 5% vốn điều lệ).

Một nội dung đáng chú ý là nhân sự cấp cao cũng được bàn. HĐQT đã trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Nguyễn Huy Tựa và bà Lê Thị Kim Khuyên. Đồng thời, bầu ông Phạm Quang Tùng (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phát triển Việt Nam VDB) giữ chức vụ thành viên HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2017-2022. 

Sau khi báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 2017, kế hoạch 2018 và trình bày các tờ trình tới các cổ đông, Đại hội bước vào phần thảo luận. Tuy nhiên, phần trả lời cổ đông diễn ra khá trầm lắng khi chỉ có vài cổ đông đặt ra câu hỏi cho chủ tọa.

Một cổ đông hỏi về vấn đề tăng vốn của ngân hàng và thông tin có một ngân hàng Hàn Quốc sẽ mua cổ phần của BIDV.

Ông Phan Đức Tú cho biết, BIDV 3 năm trở lại đây đã không tăng được vốn như kế hoạch đặt ra. Tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng cũng sắp đến giới hạn. Đây là điều trăn trở của lãnh đạo ngân hàng mấy năm gần đây. Năm 2017, ngân hàng có đặt ra phương án nhưng không thể thực hiện, trong đó có phương án bán cổ phần ESOP, phát hành cổ phiếu riêng lẻ,… 

Sau ĐHĐCĐ năm 2017, lãnh đạo ngân hàng cũng đã rất nỗ lực trong việc tìm kiếm phát hành riêng lẻ cho NĐT chiến lược nước ngoài và thu được một số kết quả. Có hơn 20 quỹ đầu tư lớn nước ngoài tiềm năng, có nhu cầu đầu tư. Nhiều nhà đầu tư quan tâm sâu hơn để trở thành cổ đông chiến lược của BIDV.

"Chúng ta đã hoàn thiện sơ bộ thỏa thuận, hợp đồng. Đang trình các cơ quan quản lý Nhà nước xem xét quyết định, sau đó sẽ xem xét mức giá kỳ vọng và ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, HĐQT vẫn phải lấy ý kiến cổ đông một lần nữa thông qua khi ký kết thỏa thuận chính thức".

Cổ đông trên cũng đặt câu hỏi về ghế Chủ tịch HĐQT đang trống hiện nay sẽ như thế nào trong thời gian tới. Ông Phan Đức Tú trả lời, theo quy định, đại hội bầu thành viên HĐQT, hôm nay bầu được thêm ông Phạm Quang Tùng, tăng số thành viên HĐQT lên 9 người. HĐQT sẽ bầu 1 người giữ quyền Chủ tịch trong số 9 người. "Đối với ông Trần Anh Tuấn, khi ông Tuấn nghỉ hưu thì sẽ có một người thay quyền thực hiện quyền của Chủ tịch BIDV, chúng tôi sẽ công bố thông tin vào lúc đó", ông Tú nói.

Cổ đống khác hỏi về kết quả kinh doanh năm 2018, lãnh đạo ngân hàng cho biết tính đến 20/4, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt 2,3%, huy động tăng 5,5%, lợi nhuận trước thuế đạt 2.700 tỷ, bằng 29% kế hoạch năm 2018. Tăng trưởng tín dụng tuy có khiêm tốn nhưng phù hợp, năm nay NHNN cũng đã cho phép BIDV tăng trưởng tín dụng 14%, nếu có thể sẽ xin lên 17%.

Hải Vân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên