MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ PVcomBank: Hiện nay chưa phải là lúc thích hợp để niêm yết

30-06-2016 - 10:30 AM | Tài chính - ngân hàng

PVcomBank sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ngày 10/3/2016, NHNN sẽ tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của PVN tại PVcomBank sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu PVcomBank.

Sáng nay (30/6), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2016.

Trình bày trước Đại hội, Chủ tịch HĐQT- ông Nguyễn Đình Lâm cho biết trong năm 2016, hoạt động của các TCTD sẽ có những ảnh hướng đáng kể, làm cho hoạt động cho vay nhằm tăng trưởng dư nợ sẽ khó khăn, công tác huy động vốn cũng như hiệu quả các hoạt động tài chính khác bị ảnh hưởng, rủi ro tiềm ẩn...Với PVcomBank, ngân hàng đang trong giai đoạn đầu hợp nhất và tái cấu trúc, tình hình đó chắc chắn làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.

Do đó, năm 2016, PVCombank đặt mục tiêu thu về 5.500 tỷ đồng doanh thu và 65 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Ông Lâm cho biết thêm PVcomBank sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu giai đoạn 2016 - 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận ngày 10/3/2016, NHNN sẽ tiếp nhận đại diện chủ sở hữu phần vốn của PVN tại PVcomBank sau khi hoàn thành Đề án tái cơ cấu PVcomBank.

Về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 98,6 nghìn tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt hơn 10 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 43 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 57 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ ngắn hạn trên tổng dư nợ là 5,6%.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết: "Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, PVcomBank xác định mục tiêu cốt lõi là tiếp tục thực hiện tái cơ cấu để phát triển an toàn, đảm bảo sự lành mạnh cho hệ thống. Trong năm 2015, PVcomBank đã tập trung hoàn thành các mục tiêu đã được NHNN thông qua tại Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020, quá trình tái cơ cấu đòi hỏi nhiều nguồn lực cần được bổ sung và các nỗ lực phải được triển khai đồng bộ, do vậy PVcomBank chưa thể tập trung ngay vào việc tăng trưởng nhanh các chỉ tiêu doanh thu lợi nhuận".

Cổ đông ngân hàng cũng đã thông qua việc ủy quyền cho HĐQT ngân hàng tiếp tục hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để PSI, PVFC Capital trở thành công ty con của ngân hàng; Làm việc với NHNN và các cơ quan quản lý có liên quan để thực hiện sáp nhập CTCP Mỹ Khê Việt Nam vào Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và Khai thác tài sản - Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PAMC).

Về thù lao, quỹ thù lao chi trả cho các thành viên của HĐQT và BKS năm 2015 là 9,1 tỷ đồng tương đương 73% kế hoạch trong đó, HĐQT là 6,83 tỷ đồng và BKS là hơn 2,2 tỷ đồng. Năm 2016, dự toán quỹ thù lao sẽ tăng lên 10,1 tỷ đồng.

Cũng tại Đại hội, ngân hàng đã tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT đối với ông Nguyễn Hoàng Linh - Tổng giám đốc PVcomBank sau khi ngân hàng đã miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Lê Minh Tuấn. Đồng thời, bầu bổ sung ông Đào Văn Chung và bà Phạm Thu Thủy làm thành viên chuyên trách vào BKS.

Lương cán bộ PVcombank đang ở mức dưới trung bình thị trường

Trước chất vấn của cổ đông về việc tại sao nhiều năm không được nhận cổ tức đồng thời cũng cho rằng mức thù lao của lãnh đạo ngân hàng hiện quá cao trong khi tình hình lợi nhuận chưa khởi sắc. Ông Nguyễn Đình Lâm cho biết: "Một số người trong HĐQT đến từ Tập đoàn Dầu khí, đi theo quy chế của DNNN, bởi vậy chúng tôi có mức lương do PVN trả rất thấp.

Và mức thù lao đã được NHNN phê duyệt trong đề án. So với thị trường ngân hàng hiện nay thì mức lương của cán bộ nhân viên ngân hàng ở mức dưới trung bình của thị trường. Trong khi đó ngân hàng cần người làm việc giỏi, họ cần mức lương tốt đảm bảo cuộc sống. Chúng ta cũng không thể trả nhân viên lương thấp mà bắt họ làm việc nhiều".

Ông Lâm cho biết thêm, ngân hàng WesternBank và PVFC đều tồn tại nhiều khó khăn, sau khi sáp nhập lãnh đạo ngân hàng đã báo cáo rất rõ các khó khăn mà ngân hàng cùng các cổ đông phải trải qua. Tất cả các báo cáo của HĐQT và BKS bản chất chỉ ra hoạt động tái cấu trúc, đến năm 2020 sẽ có 1 ngân hàng ổn định và giữ giá trị cổ phiếu ổn định.

"Cá nhân tôi cũng là nhà đầu tư, đương nhiên khi bỏ tiền đầu tư sẽ mong đợi lợi nhuận nhưng do đưa vào thời điểm thị trường không phù hợp và theo đề án tái cấu trúc đã phê duyệt, để hoạt động an toàn ngân hàng sẽ không chia cổ tức. Thoạt nghe, việc không được nhận cổ tức thì quyền lợi của cổ đông bị suy giảm nhưng thực ra ngân hàng đang đảm bảo quyền lợi của cổ đông một cách bền vững.

Chúng tôi cũng xin nhấn mạnh ngân hàng có cổ phần của Nhà nước hay không thì đều là tổ chức hoạt động có điều kiện tất cả các hoạt động phải hoạt động theo giám sát của NHNN. Bản thân tôi cũng muốn chia cổ tức, nhưng nếu chia sẽ khiến ngân hàng tiếp tục chìm sâu vào khó khăn thậm chí gây đổ vỡ", vị Chủ tịch ngân hàng chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều cổ đông tỏ ra sốt ruột khi đề cập đến việc ngân hàng bao giờ sẽ có kế hoạch niêm yết. Lãnh đạo ngân hàng cho hay sau khi hủy niêm yết để tiến hành hợp nhất, theo luật quy định một tổ chức sáp nhập sẽ được xem xét niêm yết trong vòng 12 tháng. Và sau 2 năm phải phụ thuộc các chỉ số hoạt động tài chính, tổ chức mới được phép nộp hồ sơ niêm yết trở lại.

"Tất nhiên khi đó chúng ta phải tổ chức ĐHĐCĐ lại để thảo luận trước khi niêm yết. Hiện nay ngân hàng đang phụ thuộc hành lang pháp lý rất lớn trong đề án, hướng tới ngân hàng ổn định trong tương lai, đây cũng là vấn đề chính yếu, xương sống của đề án. Vì vậy thời điểm hiện nay chưa phải là lúc thích hợp để niêm yết, do cả yếu tố khách quan từ thị trường", đại diện ngân hàng PVcomBank trả lời chất vấn.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên