MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ PVTrans: Lợi nhuận 2019 dự giảm 48% do đối mặt nguy cơ thiếu hụt dầu thô

05-03-2019 - 14:19 PM | Doanh nghiệp

Đặt kế hoạch cho năm 2019, PVTrans Corp dự kiến doanh thu 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng 400 tỷ đồng. So với thực hiện năm 2018, PVTrans mục tiêu giảm 30% doanh thu và hơn 48% lợi nhuận sau thuế.

Sáng ngày 5/3/2019, Tổng Công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans Corp, PVT) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 nhằm thông qua kết quả kinh doanh sau 1 năm, đồng thời lên kế hoạch hoạt động thời gian tới. Công ty cũng trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm TV HĐQT đối với ông Nguyễn Xuân Sơn.

Kết thúc năm 2018, Công ty ghi nhận doanh thu 7.836 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 975 tỷ, tương ứng vượt 49% và 122% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 780 tỷ, tăng 46% so với thực hiện năm 2018 đồng thời vượt xa chỉ tiêu.

Trong đó, dịch vụ vận tải tiếp tục đóng góp lớn nguồn thu cho PVTrans (chiếm 55% tổng doanh thu) với khối lượng vận chuyển gồm 7 triệu tấn dầu thô cho BSR, 1,5 triệu tấn dầu thô từ Kuwait về NSRP, hơn 2 triệu tấn dầu sản phẩm cho doanh nghiệp xăng dầu…

Tăng số tàu mới từ 18 lên 25 đơn vị năm 2018

Một số điểm đáng ghi nhận trong năm qua, PVTrans đã đầu tư 7 tàu mới trong năm 2018, nâng tổng số tàu từ 18 lên 25 chiếc. Đồng thời, Công ty cũng đầu tư tàu hàng rời Supramax PVT Sapphire, tham gia vận chuyển nhập khẩu than từ Indonesia/Úc về Vĩnh Tân.

Kế hoạch cho năm 2019, Công ty dự kiến chi 855,5 tỷ tiếp tục phục vụ công tác đầu tư tàu, song song mua sắm trang thiết bị… "Đầu tư tàu nhằm nâng cao năng lực, lúc cổ phần hóa có 2 tàu dầu thô và đến nay đã đạt 25 đơn vị, mục tiêu thứ hai PVTrans là trẻ hóa đội tàu, tức mua tàu mới và bán tàu cũ. Vì tàu cũ theo Công ty chi phí đầu tư lớn, mức tiêu thụ nhiên liệu cao làm giảm tính cạnh tranh", người đứng đầu Công ty chia sẻ.

Tổng mức đầu tư riêng về mua sắm thiết bị cho Công ty mẹ năm 2019 theo đó dự ở mức 1.085 tỷ, Công ty bỏ 553 vốn chủ sở hữu, còn lại đi vay hơn 532 tỷ đồng, tỷ giá kế hoạch là 23.000 VND/USD. Tính chung toàn Tổng Công ty, mức đầu tư cho năm nay dự ở mức 5.887 tỷ đồng, trong đó ngoại tệ tương đương 241,81 triệu USD, chiếm phần lớn tổng vốn đầu tư với khoảng 95%.

ĐHĐCĐ PVTrans: Lợi nhuận 2019 dự giảm 48% do đối mặt nguy cơ thiếu hụt dầu thô - Ảnh 1.

Giải đáp về nợ vay ngoại tệ lớn sẽ dẫn đến một rủi ro lớn về tỷ giá, PVTrans khẳng định đang quản lý rất tốt, ước tính nếu tỷ giá thay đổi 1% thì lỗ của PVTrans trên số dư nợ hiện là 15 tỷ đồng. Thường xây dựng kế hoạch là 3% thì mức lỗ vẫn được đảm bảo, trong đó Công ty có thể bù đắp cân đối từ các nguồn thu ngoại tệ…

Còn thay đổi về nợ gốc ngoại tệ, thì 2016 phát sinh lỗ 16-17 tỷ, năm 2017 không có và năm 2018 thì phát sinh dương. Năm 2019, Nhà nước thắt chặt cho vay ngoại tệ và dự kiến dừng tính đến tháng 9/2019, do đó PVTrans sẽ cân đối để có được nguồn vay ngoại tệ tốt nhất.

Trở lại với tình hình hoạt động của PVTrans, năm 2018 là năm đầu tiên Công ty tham gia thị trường cung cấp tàu VLCC (tàu dầu lớn nhất thế giới) với 6 chuyến tàu VLCC vận chuyển dầu thô từ Kuwait về Việt Nam, đảm nhận 25% sản lượng cho nhà máy NSRP.

Mặc dù vậy, vẫn còn nhiều khó khăn cho PVTrans khi giá dầu thế giới còn nhiều bất ổn, thị trường vận tải quốc tế mặc dù có tăng về giá cước vận chuyển song giá nguyên liệu cũng tăng tương ứng.

Cuối năm 2019 sẽ ký hợp đồng dài hạn tại dự án Nghi Sơn

Ở thị trường nội địa, các dự án nhà máy nhiệt điện của PVN như Thái Bình 2, Long Phú 1 và Sông Hậu 1 bị chậm tiến độ ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư chuẩn bị đội tàu/xà lan vận chuyển/chuyển tải than cho các nhà máy. Về phía doanh nghiệp, các hợp đồng thỏa thuận dài hạn về việc vận chuyển dầu thô, dầu sản phẩm cho NSRP vẫn chưa được ký kết. Đồng thời, việc vận chuyển, chuyển tải cho các nhà máy nhiệt điện khác cũng đang bị chậm tiến độ và chưa được cụ thể hóa bằng hợp đồng/thoả thuận.

Tại đại hội, giải đáp thắc mắc về tiến dự án Nghi Sơn, đại diện Công ty phân trần đây là trọng điểm và kỳ vọng phát triển mảng dịch vụ, đặc biệt vận tải dầu thô (25% sản lượng vận chuyển) và vận tải thành phẩm (khoảng hơn 9 triệu tấn, mục tiêu vận chuyển 4-4,5 triệu sản phẩm). Dự án đang chạy thử, tuy nhiên còn nhiều khó khăn nên công tác này vẫn còn ngổn ngang, đại diện PVTrans nói thêm.

Theo đó, đến nay sự án Nghi Sơn thì PVTrans vẫn chưa ký thỏa thuận dài hạn vì dự án đang chạy thử, kế hoạch lượng hàng cũng chưa rõ ràng. Dự kiến đến cuối năm 2019, PVTrasns sẽ ký kết hợp đồng dài hạn, có 2 phương án và PVTrans đều tham gia cả 2.

Đối mặt với thiếu hụt nguồn dầu thô, đặt kế hoạch lợi nhuận đi lùi

Đặt kế hoạch cho năm 2019, Công ty dự kiến doanh thu 5.500 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng 400 tỷ đồng. So với thực hiện năm 2018, PVTrans mục tiêu giảm 30% doanh thu và hơn 48% lợi nhuận sau thuế. Đại diện PVTrans bổ sung, mảng vận chuyển sản phẩm dự kiến đóng góp tỷ trọng 25% lợi nhuận từ vận chuyển sản phẩm.

Giải đáp về kế hoạch đi lùi cho năm 2019, phía PVTrans cho biết dầu thô thì Công ty đang bao tiêu toàn bộ cho dự án Bình Sơn, song đối mặt với nguy cơ nguồn dầu thô trong nước không đảm bảo nên nếu nhập thì sẽ khó khăn hơn. Hơn nữa, PVTrans phải đấu thầu, dự kiến đảm bảo sản lượng 6-7 triệu tấn/năm dầu thô cho Bình Sơn, còn lại cho các nhà máy khác như Nghi Sơn… dự cung cấp 4-4,5 triệu tấn năm 2019.

Cũng nhấn mạnh về việc vận chuyển dầu sản phẩm, ban lãnh đạo Công ty đồng ý đây là mảng có biên lợi nhuận thấp, đi cùng mức độ cạnh tranh xã hội hóa rất cao, bởi trước đây có nhiều hệ thống cảng gần sông dẫn đến nhiều công ty tư nhân tham gia, cạnh tranh theo đó khốc liệt. Ngoài ta, còn khó khăn về hao hụt, phân phối…

Tuy nhiên với những đầu mối lớn như Bình Sơn… thì đòi hỏi đơn vị vận tải phải có quy mô lớn, đảm bảo bao tiêu. Thực tế, đầu mối xăng dầu phải có công ty vận tải, hoặc có hợp đồng dài hạn với công ty vận tải, PVTrans hoàn toàn tự tin về vị thế hiện tại của mình

Một vấn đề đáng quan tâm khác liên quan đến công tác thoái vốn của PVN, đại diện Công ty cho rằng sẽ thông qua việc tăng vốn và phát hành cổ phiếu riêng lẻ từ đó giảm sở hữu PVN, thay vì thoái vốn trên sàn. Còn việc PVN thoái vốn là xu hướng chung và nên làm, tạo điều kiện cho nhà đầu tư bên ngoài tham gia vào, sẽ minh bạch và rõ ràng hơn. Đồng thời, cơ chế hoạt động cũng được nới lỏng, linh hoạt hơn.

ĐHĐCĐ PVTrans: Lợi nhuận 2019 dự giảm 48% do đối mặt nguy cơ thiếu hụt dầu thô - Ảnh 2.

Túc Mạch

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên