ĐHĐCĐ Sacombank: Ông Dương Công Minh làm chủ tịch Sacombank
Với tỷ lệ phiếu bầu cao nhất tới hơn 198%, ông Dương Công Minh được bầu làm chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank.
Sáng nay (30/6), Ngân hàng TMCP Sài Gòn thương tín (Sacombank - mã: STB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2015, 2016.
Theo phần giới thiệu của ngân hàng, đến dự ĐHĐCĐ Sacombank hôm nay có ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN, ông Nguyễn Văn Hưng Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng, ông Nguyễn Văn Dũng- Cục trường Cục Thanh tra, giám sát NHNN TP.HCM và một số đại diện của Công ty Quản lý tài sản của TCTD (VAMC)...
Tính đến thời điểm 8h30, có 461 cổ đông tham dự Đại hội chiếm tỷ lệ 83,478% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, ĐHĐCĐ thường niên năm tài chính 2015 - 2016 đủ điều kiện tiến hành.
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất tại kỳ ĐHĐCĐ năm nay là việc bầu cử 6 ứng viên vào HĐQT và 4 ứng viên vào BKS nhiệm kỳ 2017-2021.
Danh sách nhân sự dự kiến làm thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2017-2021
Danh sách ứng cử viên trên đã được NHNN phê duyệt. Tuy nhiên, số lượng thành viên hội đồng quản trị chỉ còn 6 thay vì 7 như danh sách ban đầu.
Trong đó, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Công ty Him Lam- nguyên Chủ tịch LienVietPostBank và bà Lê Thị Hoa - thành viên HĐQT Vietcombank là 2 ứng viên thay thế ông Nguyễn Đức Hưởng - Tân Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank và bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán Liên Việt, rút lui vai trò ứng cử viên HĐQT Sacombank vào đầu tháng 6/2017.
Nhân sự thành viên HĐQT trong nhiệm kỳ 2011-2015
Năm 2011, ĐHĐCĐ đã bầu HĐQT nhiệm kỳ 2011-2015 gồm có 07 thành viên, đến năm 2012 có 08 thành viên; năm 2013 có 10 thành viên; từ năm 2014 đến 2016 có 09 thành viên; Hiện nay, HĐQT có 07 thành viên, cơ cấu. HĐQT hiện tại bao gồm: 01 Chủ tịch, 02 Phó Chủ tịch, 03 Thành viên, và 01 Thành viên HĐQT độc lập.
Nợ xấu cuối năm 2016 là 6,81%
Theo báo cáo của HĐQT Sacombank, năm 2015, 2016 là những năm đầu của giai đoạn tái cơ cấu toàn diện Sacombank sau sáp nhập, được xác định là gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động của Sacombank được duy trì ổn định nhưng kết quả hoạt động kinh doanh đạt được chưa như mong muốn, nợ xấu còn ở mức cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro, một số chỉ tiêu trọng yếu về hoạt động kinh doanh thực hiện trong năm 2015, 2016 như sau:
Chia cổ tức và cổ phiếu thưởng cho cổ đông
Trong cả nhiệm kỳ, HĐQT đã thực hiện việc đảm bảo quyền lợi cho cổ đông thông qua việc chi cổ tức, cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ chi trả trong cả nhiệm kỳ là 66,75% trên giá trị mệnh giá vốn góp của cổ đông, bình quân mỗi năm trong cả nhiệm kỳ, tỷ lệ chi trả cổ tức cho cổ đông là gần 11,2%; cụ thể như sau:
+ Năm 2013: Chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 6%; Chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 14%;.
+ Năm 2014: Chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 8%.
+ Năm 2015: Chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%; Chia cổ phiếu quỹ kết hợp thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 10%; Chia cổ phiếu hoán đổi từ giao dịch sáp Southern Bank vào Sacombank với tỷ lệ 8,75%.
Theo BCTC hợp nhất năm 2016 đã kiểm toán, tính đến ngày 31/12/2016 lợi nhuận lũy kế giữ lại chưa thực hiện chi trả cổ tức cho cổ đông là 1.014 tỷ đồng.
Kế hoạch lợi nhuận 2017 đạt 585 tỷ đồng
Về kế hoạch hoạt động kinh doanh năm 2017, Sacombank đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 384.600 tỷ đồng, tăng 16% so năm 2016; Tổng nguồn vốn huy động đạt 356.100 tỷ đồng, tăng 17%. Trong đó, huy động từ TCKT&DC là 351.400 tỷ đồng, tăng 20%; Tổng dư nợ tín dụng đạt 277.000 tỷ đồng, tăng 19%. Trong đó, cho vay khách hàng đạt 235.500 tỷ đồng, tăng 18%; Lợi nhuận trước thuế đạt 585 tỷ đồng;
Đồng thời, HĐQT xác định các nhiệm vụ trọng tâm: Củng cố và kiện toàn hoạt động của ngân hàng sau sáp nhập, hoàn thiện cấu trúc tổ chức và chuẩn hóa các Đơn vị sáp nhập. Xây dựng chi tiết kế hoạch để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu đã được NHNN phê duyệt. Xử lý dứt điểm các vấn đề tài chính còn tồn tại trước đây, tái cấu trúc tài sản có và tài sản nợ để giảm dần các khoản phải thu, tăng tài sản sinh lợi thông qua việc đẩy nhanh tiến trình xử lý tài sản cấn trừ nợ, giảm dần lãi dự thu. Kiểm soát hiệu quả và ngăn chặn nợ quá hạn, quyết liệt xử lý nợ xấu và nợ cơ cấu để nhanh chóng thu hồi vốn, tăng tài sản có sinh lời nhằm góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Đẩy mạnh công tác quản lý và kiểm soát rủi ro, triển khai hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, thực hiện các giải pháp khắc phục và xử lý dứt điểm. Triển khai áp dụng chuẩn mực Basel II theo chỉ đạo của NHNN,...
--------------------------
10h: Bầu thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ mới.
Một cổ đông hỏi: Ông Trầm Bê đâu? Cân nhắc bầu ông Dương Công Minh
Cổ đông bất ngờ lên tiếng trước khi bầu lãnh đạo nhiệm kỳ mới. Cổ đông thắc mắc tại sao đại hội không có ông Trầm Bê, ai đồng ý cho sáp nhập ngân hàng Phương Nam và Sacombank, trong khi cổ đông không đồng ý sáp nhập. Mấy năm trước ngân hàng vẫn làm ăn tốt, còn chia cổ tức cho cổ đông, còn mấy năm gần đây thì không.
Cổ đông cũng đề nghị cân nhắc sự có mặt của ông Dương Công Minh trong HĐQT. Tuy nhiên, một cổ đông khác lên tiếng với những gì đóng góp cho LienVietPostBank, ủng hộ việc ông Dương Công Minh ứng cử vào HĐQT.
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT CTCP Him Lam tham gia ứng cử vào HĐQT Sacombank nhiệm kỳ mới. Ảnh: HP.
Chủ tịch HĐQT ông Kiều Hữu Dũng chia sẻ, Sacombank gặp rất nhiều khó khăn sau sáp nhập. Giai đoạn 2012 - 2014 lợi nhuận đều tăng trưởng. Từ năm 2015, nếu loại trừ phần trích lập từ gánh nặng Ngân hàng Phương Nam thì lợi nhuận của Sacombank vẫn ở mức cao. Đơn cử như 6 tháng đầu năm nay nếu tách ra và không phải trích lập dự phòng thì lợi nhuận Sacombank khoảng 3.000 tỷ đồng. Chi nhánh của Sacombank đều làm ăn có lãi, có uy tín trên địa bàn.
Tại sao gánh một gánh nặng nợ xấu lớn của SouthernBank nhưng NĐT vẫn quan tâm đến cp Sacombank chứng tỏ vẫn đánh giá cao Sacombank. Đây là 1 gánh nặng mà hệ thống tài chính nào cũng cần vượt qua. Mong cổ đông đồng lòng.
10h45: Các cổ đông bắt đầu bỏ phiếu biểu quyết.
11h: Đại hội thảo luận:
Ông Đặng Văn Thành có trở về ngôi nhà chung Sacombank không?
Một cổ đông 65 tuổi: Nghe đâu đó tin ông Đặng Thành sẽ trở về mái nhà chung Sacombank. Ông Thành là người sáng lập nên tâm huyết với ngân hàng.
"Xin cho chúng tôi biết ông Đặng Thành có trở lại mái nhà chung không. Đây cũng là lời nhắn gửi của nhiều cổ đông khác. Chúng tôi không phải là người thân quen hay bè nhóm gì với ông Thành. Chỉ là tôi thấy ai giỏi, ai giúp cho Sacombank đi lên thì chúng tôi tin. Còn ông Trầm Bê, tại sao ông Trầm Bê phải đi. Hãy trả lời cho chúng tôi. Ông Trầm Bê đến hoành tráng thế, sao giờ ông ấy đi không đến chào chúng tôi?" - cổ đông hỏi.
Cổ đông cho biết đã gắn bó với ngân hàng hơn 20 năm.
Người băn khoăn, người ủng hộ ông Dương Công Minh vào HĐQT
Một cổ đông khác ý kiến khi trao đổi về sự tham gia của ông Dương Công Minh: Đề nghị không lôi chuyện sân golf vào đại hội, chuyện sân golf là sân golf, không dính gì về Sacombank. "Tôi đánh giá cao ông Dương Công Minh. Ông Minh với kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản sẽ hỗ trợ Sacombank trong việc xử lý nợ xấu nhà đất."
Cổ đông khác: Với kinh nghiệm của mình, ông Dương Công Minh có kế hoạch gì trong việc xử lý nợ xấu ở Sacombank trong thời gian tới không?
Ông Trầm Bê gửi lời xin lỗi cổ đông
Chủ tịch Hội đồng quản trị Kiều Hữu Dũng cho biết ông Trầm Bê cũng rất muốn đến dự đại hội nhưng vì đã ủy quyền cho NHNN nên không còn quyền cổ đông để đến. Đặc biệt, ông Dũng cho biết, thông qua ông, ông Trầm Bê muốn gửi lời xin lỗi tới các cổ đông.
Ông Kiều Hữu Dũng cũng đại diện HĐQT gửi lời xin lỗi tới các cổ đông vì những kết qủa kinh doanh của ngân hàng không như ý trong thời gian qua.
Vào lúc 13h20, ĐHĐCĐ Sacombank đã chính thức thông qua danh sách HĐQT và BKS nhiệm kỳ mới 2017 - 2020 với toàn bộ thành viên ứng cử đều trúng cử.
Trong đó, ông Dương Công Minh có tỷ lệ trúng cử cao nhất với hơn 198%, ông Kiều Hữu Dũng đạt tỷ lệ 66,4%. Bà Lê Thị Hoa trúng cử thành viên HĐQT độc lập tỷ lệ trên 95%.
Sau khi có kết quả bỏ phiếu, HĐQT đã họp nhanh và thống nhất bầu ông Dương Công Minh làm chủ tịch HĐQT ngân hàng Sacombank nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Vì sao có tỷ lệ trúng cử trên 100%?
Ở nhiều doanh nghiệp, và Sacombank hôm nay là một ví dụ điển hình, việc bầu cử thành viên HĐQT và Ban kiểm soát trong đại hội cổ đông được tiến hành theo phương thức bỏ dồn phiếu.
Theo phương thức này, cổ đông có quyền sử dụng tổng số quyền bầu cử của mình cho một ứng cử viên; hoặc một số ứng cử viên với số lượng bầu cho mỗi ứng cử viên không bắt buộc phải bằng nhau; hoặc chỉ bầu một phần tổng số quyền bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên, phần quyền bầu còn lại cho bất kỳ ứng cử viên nào. Số lượng ứng viên được bầu trong mỗi phiếu không vượt quá số lượng tối đa được phép bầu.
Trí Thức Trẻ