MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ SCB: Cổ đông "đòi" cổ tức, ngân hàng nói không được phép chia

18-04-2017 - 09:23 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều cổ đông cho rằng họ chờ đợi nhiều năm qua mà vẫn không được chia cổ tức, trả lời vấn đề này, lãnh đạo ngân hàng cho biết chia cổ tức không phải do ngân hàng quyết được mà do Nhà nước quy định.

Sáng nay (18/4), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.

Báo cáo trước Đại hội, ông Võ Tấn Hoàng Văn, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc SCB cho biết trong 5 năm vừa qua, SCB đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận.

Đến nay, ngân hàng đã phục hồi được 77% so với những kiến nghị của đoàn thanh tra đưa ra hồi tháng 8/2015. Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, SCB nhận được rất nhiều hỗ trợ của NHNN.

Tính đến 31/12/2016, giá trị tổng tài sản (hợp nhất) của SCB đạt 361 nghìn tỷ đồng. Tính trung bình giai đoạn 2012-2016, tổng tài sản của SCB tăng trưởng bình quân 20% mỗi năm và đến cuối năm 2016, SCB trở thành ngân hàng có tổng tài sản lớn thứ 5 trong hệ thống.

Trong giai đoạn sau hợp nhất 3 ngân hàng (Tín Nghĩa, Đệ Nhất, SCB ), SCB hợp nhất đã nỗ lực xử lý nợ xấu, thu hồi nợ và kiểm soát chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 7,25% đầu năm 2012 xuống còn 0,68% vào cuối năm 2016.

Về khoản vay Ngân hàng Nhà nước, SCB đã tất toán toàn bộ dư nợ vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn về thanh khoản sau khi hợp nhất.

Tính đến cuối 2016, số dư vay Ngân hàng Nhà nước còn 5.633 tỷ đồng so với đầu năm 2012 là 18.134 tỷ đồng, đây là khoản SCB tận dụng nguồn vốn giá rẻ để bổ sung thanh khoản và hỗ trợ nguồn vốn kinh doanh.

Về các giao dịch liên ngân hàng, tính đến cuối 2013, SCB đã hoàn trả toàn bộ các khoản vay hỗ trợ thanh khoản trên liên ngân hàng và hoàn tất phương án cơ cấu nợ thị trường 2 (liên ngân hàng).

Kết quả kinh doanh năm 2016, SCB đạt 136 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và chỉ đạt 74,3% kế hoạch năm.

Theo SCB, lợi nhuận của ngân hàng còn khiêm tốn chủ yếu là do chi phí tái cơ cấu còn tương đối cao và trích lập dự phòng. Trong giai đoạn 2012 – 2016, SCB đã trích lập 6.638 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, trong đó trích lập trái phiếu VAMC là 3.369 tỷ đồng.

Kế hoạch năm 2017 lợi nhuận 171 tỷ đồng

Năm 2017, SCB sẽ tiếp tục chiến lược tái cơ cấu giai đoạn 2015 – 2019. Cụ thể, theo kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015 – 2019 được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, SCB phải đạt mức vốn điều lệ 16.000 tỷ đồng và năm 2019 đạt 18.000 tỷ đồng.

Trong năm 2016, SCB đã có kế hoạch tăng vốn từ 14.295 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng và đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Hiện SCB đang bổ sung hồ sơ và dự kiến trong năm 2017 tăng vốn điều lệ thêm 1.705 tỷ đồng và hoàn thành mức 16.000 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu khác trong năm 2017 như tổng tài sản dự kiến đạt 427.021 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016.

Tổng dư nợ tín dụng dự kiến 251.234 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2016; Dự phòng rủi ro dự kiến 2.658 tỷ đồng, tăng gần 26% so với năm 2016; Huy động thị trường 1 dự kiến 356.242 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016; Huy động thị trường 2 dự kiến 40.902 tỷ đồng, tăng gần 37% so với năm 2016; Lợi nhuận trước thuế dự kiến 171 tỷ đồng, tăng gần 26% so với năm 2016.

Trong năm 2017, SCB đặt mục tiêu thu hồi 1.500 tỷ đồng nợ quá hạn, nợ xấu.

Danh sách bầu cử thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 bao gồm:

  1. Ông Chiêm Minh Dũng
  2. Ông Henry Sun Ka Ziang
  3. Bà Nguyễn Thị Phương Loan
  4. Ông Đinh Văn Thành
  5. Ông Tạ Chiêu Trung
  6. Ông Võ Tấn Hoàng Văn
  7. Ông Nguyễn Tiến Thành – thành viên HĐQT độc lập

Ban kiểm soát dự kiến:

  1. Bà Võ Thị Mười
  2. Ông Trần Chấn Nam
  3. Bà Phạm Thu Phong
  4. Ông Vũ Mạnh Tường

Hiện nay HĐQT của SCB có 5 người. Như vậy so với HĐQT cũ, ngân hàng dự kiến sẽ bầu thêm 2 thành viên vào HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022.

Còn đối với ban kiểm soát ngân hàng, SCB sẽ bầu thêm ông Vũ Mạnh Tường vào ban kiểm soát nhiệm kỳ mới.

Thảo luận:

Cổ đông: Lơi nhuận ngân hàng năm 2015, 2016 đều có mà người gửi tiền hàng năm còn có lãi. Chúng tôi thì không được đồng lãi nào. Quỹ phúc lợi và khen thưởng cao để làm gì?

TGĐ Võ Tấn Hoàng Văn: Đây là quỹ phúc lợi và khen thưởng cho nhân viên. Có nghĩa là một năm họ đi làm vất vả, dịp Tết, ngày lễ, họ có vài trăm nghìn cho những hoạt động đó.

Về vấn đề không chia cổ tức, tôi cũng là cổ đông, tôi cũng không có cổ tức, tôi cũng buồn nhưng nhìn bối cảnh kinh tế, cả thị trường khó khăn, các ngân hàng khác cũng vậy, chúng ta cần nhìn đại cục.

Cổ tức là ngân hàng không được chia, Nhà nước quy định trong quá trình tái cấu trúc, ngân hàng cần tăng cường năng lực tài chính, lợi nhuận để lại và không chia cổ tức song quyền lợi của cổ đông vẫn được đảm bảo. Lợi nhuận lũy kế chưa phân phối hiện nay vẫn là hơn 500 tỷ, nếu NHNN chỉ đạo tăng vốn hay chia thì chúng tôi sẽ thực hiện theo.

Tôi xin nhắc lại việc chia cổ tức không phải do ngân hàng quyết được, chúng tôi làm ngày làm đêm mà vẫn bị cổ đông trách. Nếu Nhà nước cho chia thì chúng tôi cũng chẳng có cớ gì mà giữ lại nhưng đây là chủ trương chung của Chính phủ, chúng ta cần chấp hành.

Trong số khoảng 4.000 cổ đông của ngân hàng mới chỉ có khoảng 50% sử dụng tài khoản tại SCB. Nếu cổ đông nào đăng ký tài khoản tại SCB sẽ có ngay 1 triệu đồng trong tài khoản, đây coi như là một phần quà động viên của ngân hàng dành cho cổ đông năm nay.

Thuế TNDN năm qua tại sao lại cao quá?

Hoàn toàn do cơ quan thuế quyết định. Có nghĩa trong hoạt động quyết toán thuế, phát sinh 1 số chi phí không được khấu trừ. Năm 2016, thanh tra thuế có lật lại 1 số chi phí phát sinh từ năm 2011.

Khoản lợi ích cổ đông không kiểm soát là 178 tỷ đồng vào cuối năm, chênh lệch thấp hơn 33 tỷ đồng so với đầu năm?

Đây là vấn đề mang tính kỹ thuật. Số cổ đông thiểu số năm nay giảm so với năm trước do SCB mua thêm cổ phần từ cổ đông khác để nâng sở hữu bảo hiểm Bảo Long lên. Năm 2016 doanh thu đạt 800 tỷ, kế hoạch 2017 là 1.000 tỷ đồng. khoản đầu tư này tạo hiệu ứng bán chéo khá tốt trên thị trường.

Đại hội kết thúc với việc các cổ đông đã thông qua tất cả nội dung được trình.

Ông Đinh Văn Thành tiếp tục làm Chủ tịch HĐQT, ông Võ Tấn Hoàng Văn tiếp tục làm TGĐ

Đại hội cổ đông cũng đã bầu ra Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 – 2022 như sau:

Hội đồng Quản trị nhiệm kỳ 2017 – 2022:

Ông Đinh Văn Thành – Chủ tịch HĐQT

Ông Henry Sun Ka Ziang – Phó Chủ tịch HĐQT

Ông Tạ Chiêu Trung – Phó Chủ tịch HĐQT

Ông Chiêm Minh Dũng – Thành viên HĐQT

Ông Võ Tấn Hoàng Văn – Thành viên HĐQT

Bà Nguyễn Thị Phương Loan – Thành viên HĐQT

Ông Nguyễn Tiến Thành – Thành viên HĐQT độc lập

Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 – 2022:

Bà Phạm Thu Phong – Trưởng BKS

Bà Võ Thị Mười – Thành viên BKS chuyên trách

Ông Trần Chấn Nam – Thành viên BKS chuyên trách

Ông Vũ Mạnh Tường – Thành viên BKS chuyên trách

Đại hội cũng đã thông qua việc tái bổ nhiệm ông Võ Tấn Hoàng Văn giữ chức vụ Tổng Giám đốc SCB nhiệm kỳ 2017 – 2022.


HĐQT và Ban kiểm soát ngân hàng SCB nhiệm kỳ mới.

HĐQT và Ban kiểm soát ngân hàng SCB nhiệm kỳ mới.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên