MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Tập đoàn Cao su (GVR): Năm 2020 sẽ thu tiếp 1.000 tỷ tiền đền bù đất sân bay Long Thành, thoái vốn khỏi SIP qua sàn, lên kế hoạch thoái tại NTC

GVR sẽ tiếp tục thoái vốn các doanh nghiệp để tập trung đầu tư các lĩnh vực có biên lợi nhuận cao là phát triển khu công nghiệp/ Trong đó, Tập đoàn tính xin chủ trương để thoái vốn tại Nam Tân Uyên (NTC), ngược lại sẽ vẫn giữ cổ phần tại Cao su Phước Hoà (PHR).

Ngày 12/6/2020, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020, thông qua kế hoạch kinh doanh với doanh thu 24.647 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4.029 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 5% so với thực hiện năm trước. Tuy nhiên, trước sự phức tạp của dịch bệnh Covid-19, HĐQT cũng trình và được cổ đông thông qua việc ủy quyền cho HĐQT điều chỉnh kế hoạch kinh doanh và đầu tư năm 2020 phù hợp với tình hình thực tế. Với chỉ tiêu trên, Công ty đặt mục tiêu duy trì trả cổ tức với tỷ lệ 6%.

Mảng cao su chỉ duy trì, tập trung khai thác mảng khu công nghiệp nhằm đón đầu dòng vốn dịch chuyển

Năm 2020 được dự báo là một năm khó khăn với mảng kinh doanh cao su, lĩnh vực chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất của GVR. Hiện, Tập đoàn đang quản lý 410.000 ha cao su với hơn 70% diện tích tại Việt Nam. Dự báo giá bán tiếp tục ở mức thấp, GVR sẽ duy trì quy mô hiện tại và không đầu tư mở rộng.

Ngoài ra, mảng  sản xuất gỗ và công nghiệp cũng chịu áp lực cạnh tranh gay gắt. Trong khi đó, khối khu công nghiệp chưa có tín hiệu rõ ràng về cơ chế thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Năm nay, hạ tầng khu công nghiệp là lĩnh vực được Tập đoàn ưu tiên đầu tư với kỳ vọng dòng dịch chuyển sản xuất toàn cầu sẽ từ Trung Quốc sang Việt Nam thời gian tới. GVR hiện đang quản lý 16 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 6.566 ha. GVR đang lên kế hoạch triển khai các KCN Nam Tân Uyên, Rạch Bắp mở rộng và dự kiến đến cuối năm sẽ có sản phẩm thương mại. Phần còn lại, các KCN Bắc Đồng Phú, Nam Đồng Phú, Long Thành - Dầu Giây… đang tiến hành thực hiên các thủ tục.

Theo chia sẻ của Thành viên HĐQT Phạm Văn Thành, GVR đang phối hợp với các địa phương để quy hoạch các KCN, diện tích dự kiến trong giai đoạn 2021-2025 lên đến 15.000 ha, trung bình mỗi năm cho thuê từ 600-1.000 ha.

Năm 2020 sẽ thoái vốn khỏi SIP bằng việc bán trực tiếp trên sàn, lên kế hoạch thoái tiếp tại NTC

Đáng chú ý, theo lộ trình tái cấu trúc, GVR đang nghiên cứu chuyển đổi 20 công ty nông nghiệp TNHH MTV sang CTCP, thu hút vốn đầu tư bên ngoài và giảm vốn của Tập đoàn tại các đơn vị này.

Riêng phần vốn tại CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (UPCoM: SIP), đại diện GVR cho biết đã thẩm định giá xong. Tổng Giám đốc Huỳnh Văn Bảo cho biết giá trị cần phải thoái vốn của GVR theo phương án đã được phê duyệt là 2.061 tỷ đồng, trong đó khoản 1.079 tỷ đồng là giá trị của 5 công ty thủy điện.

Phía GVR muốn bán trực tiếp trên sàn giao dịch trong khi quyết định trước đây của Bộ Nông Nghiệp là thoái vốn thông qua đấu giá. Đến nay, quyết định cuối cùng vẫn chưa có và phía GVR đang tiến hành thẩm định giá lần hai, dự kiến sẽ thoái vốn tại SIP trong năm 2020.

Tập đoàn tiếp tục thoái vốn các doanh nghiệp khác, kể cả các doanh nghiệp đang hiệu quả để tập trung đầu tư các lĩnh vực có biên lợi nhuận cao là phát triển khu công nghiệp gắn liền với khu dân cư. Trong đó, Tập đoàn cũng tính xin chủ trương để thoái vốn tại Nam Tân Uyên (NTC), ngược lại sẽ vẫn giữ cổ phần tại Cao su Phước Hoà (PHR).

Hạch toán tiếp 1.000 tỷ đền bù đất sân bay Long Thành

Liên quan đến đền bù đất làm sân bay Long Thành, phía GVR đến nay công tác đền bù đã xong, 40% giá trị đền bù đã được hạch toán năm 2019 và 60% sẽ hạch toán 2020. Ước tính, với đơn giá đền bù 600 triệu đồng/ha trên tổng cộng 2.000 ha thì số tiền Tập đoàn tiếp tục thu về khoảng 1.000 tỷ đồng tiền đền bù. GVR sẽ giao đất cho tỉnh Đồng Nai vào tháng 11/2020, theo đó tiếp tục bàn giao cho nhà đầu tư triển khai xây dựng sân bay.

Ngoài ra, GVR cũng dự kiến giao cho địa phương 1.000 ha đất mỗi năm. Giá đền bù theo giá Nhà nước tối đa chỉ 100-200 triệu đồng/ha, tuy nhiên, lãnh đạo GVR cho biết đã đấu tranh với các địa phương sử dụng đất để phát triển kinh tế với mức giá là 500-600 triệu/ha.

Lên kế hoạch cho giai đoạn 2021-2015, GVR xác định 3 lĩnh vực sẽ tập trung gồm sản phẩm cao su, chế biến gỗ và phát triển các khu công nghiệp. Công ty cũng sẽ tái cơ cấu các nguồn lực của doanh nghiệp gồm cơ cấu quỹ đất và thoái vốn ngoài doanh nghiệp. Về cơ cấu quỹ đất, quỹ đất không phù hợp trồng cây cao su thì chuyển đổi thành cây trồng; trồng khoảng 20.000 ha rừng, tương ứng 5% diện tích cao su hiện nay.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên