ĐHĐCĐ Taxi Vinasun (VNS): Nếu tiếp tục lỗ thì cổ phiếu sẽ bị huỷ niêm yết, chính điều này thôi thúc ban lãnh đạo quyết tâm phải có lãi trở lại!
Giải trình tại Đại hội, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Vinasun (VNS), ông Trần Anh Minh trong kỳ cả nước phải đối mặt với dịch Covid lần thứ 3, các tỉnh thành trọng điểm thực hiện giãn cách, từ đó ảnh hưởng đển thời gian hoạt động của Công ty. Ước tính sang quý 2, doanh thu Công ty thu về 260 tỷ và tiếp tục lỗ 21 tỷ đồng.
CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, VNS) đã tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, vấn đề được quan tâm tại Đại hội năm nay vẫn xoay quanh kế hoạch tăng trưởng kinh doanh thời gian tới, giữa bối cảnh áp lực cạnh tranh gia tăng, đặc biệt là các đối thủ vận tải công nghệ.
Quý 2 tiếp tục lỗ 21 tỷ đồng
Năm 2020, VNS ghi nhận doanh thu thuần 1.006 tỷ đồng, giảm 49% so với năm 2019 và tiếp tục lỗ ròng hơn 207 tỷ đồng. Bước sang quý 1/2021, doanh thu tiếp tục giảm 39% xuống 222,7 tỷ đồng, khấu trừ chi phí VNS lỗ 30 tỷ đồng – ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp kinh doanh thua lỗ. Đây là quý VNS giảm sút trở lại sau 3 quý liên tiếp nỗ lực phục hồi.
Giải trình tại Đại hội, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng Trần Anh Minh trong kỳ cả nước phải đối mặt với dịch Covid lần thứ 3, các tỉnh thành trọng điểm thực hiện giãn cách, từ đó ảnh hưởng đển thời gian hoạt động của Công ty. Ước tính sang quý 2, doanh thu Công ty thu về 260 tỷ và tiếp tục lỗ 21 tỷ đồng.
Dự báo năm 2021, theo VNS dịch Covid-19 cơ bản sẽ được kiểm soát nhờ các loại vắc xin, tuy nhiên hoạt động kinh doanh của VNS sẽ vẫn còn nhiều khó khăn. Năm 2021 do đó sẽ là năm Công ty tập trung cho mục tiêu chiến lược duy trì sự ổn định và tái cấu trúc toàn diện.
Thúc đẩy chính sách giữ chân tài xế
Theo kế hoạch, VNS sẽ đầu tư khoản 500 chiếc, thanh lý và bán trả chậm cho anh em lái xe để kinh doanh dưới hình thức thương quyền 1.020 chiếc; đồng thời phát triển số lượng xe hợp tác kinh doanh với các đối tác bên ngoài 200 chiếc. Tổng số xe dự kiến hoạt động kinh doanh cuối năm 2021 là 4.834 chiếc.
"Mô hình hợp tác kinh doanh năm 2020 đã thu hút được các đối tác bên ngoài Công ty và giữ chân được 1 số anh em lái xe có khả năng đầu tư để kinh doanh taxi, đến cuối năm 2020 có 1.066 hợp đồng được ký kết và thực hiện.
Ngoài ra, VNS tiếp tục kết hợp với Hiệp hội taxi cả nước phản ảnh việc Grab lợi dụng kẽ hở của chính sách chưa được điều chỉnh để hoạt động kinh doanh taxi thông qua bình phong là Công ty công nghệ nhằm hưởng hàng loạt ưu đãi về chính sách để khống chế và độc quyền thị trường", Tổng Giám đốc Đặng Thị Lan Phương nói thêm.
Song song, VNS cũng lên kế hoạch phát triển việc thanh toán online trên Vinasun App kết hợp với các ví điện tử trên thị trường và các Mobile Money App sắp được triển khai và thay thế toàn bộ Pos thanh toán hiện nay bằng SmartPos.
Một nội dung cũng đáng quan tâm khác liên quan đến nhân sự, năm 2020 VNS cắt giảm hơn 1.000 nhân viên, quý 1/2021 tiếp tục cắt giảm hơn 300 nhân viên. Trả lời cổ đông về chiến lược để giữ chân các tài xế cũ thời gian tới, ông Trần Anh Minh cho biết VNS đang thực hiện giảm cầm máu cho anh em lái xe.
"Việc tài xế nghỉ kéo dài từ tháng 4/2020 đến nay thực sự là điều nhức nhối, và quyết tâm của HĐQT là không để xe nằm trên bãi. Mới đây, chúng tôi vừa cho lăn bánh dòng xe mới và việc này sẽ phục hồi, tăng thêm khách hàng cho Công ty. Đồng thời, chúng tôi cũng có những chính sách tiếp tục hỗ trợ anh em lái xe", phía VNS khẳng định.
Sẽ không chia cổ tức 2020-2021, cân nhắc việc chia cổ phiếu
Về chỉ tiêu kinh doanh, năm 2021 VNS dự kiến doanh thu đạt 1.050 tỷ, tăng 4% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 79 tỷ đồng (có cải thiện so với mức lỗ năm trước gần 211 tỷ đồng).
Hiện, Công ty đang dành khoản tiền mặt gần 250 tỷ đồng để chuẩn bị đầu tư xe mới khi tình hình dịch bệnh được khống chế và các điều kiện kinh doanh trở lại bình thường. Ngoài ra, để đảm bảo nguồn lực cho chiến lược đầu tư thời gian tới, Đại hội đã thống nhất không chia cổ tức năm 2020 và 2021.
Trao đổi với cổ đông về kiến nghị có thể chia cổ tức bằng cổ phiếu, đại diện VNS cho biết sẽ xem xét lại. "Cần nhấn mạnh, giá trị cổ phiếu hiện đang giao dịch khoảng 10.000 đồng. Trong đó, việc khôi phục lại giá trị cổ phiếu là nhiệm vụ trọng tâm, nên nếu pha loãng tăng số lượng cổ phiếu thì chúng tôi phải cân nhắc để đảm bảo giá trị của cổ đông", vị này nhấn mạnh.
Liên quan đến giao dịch cổ phiếu, liên tiếp thua lỗ khiến mã VNS bị đưa vào diện cảnh báo. Thậm chí, nếu 2022 tiếp tục lỗ thì VNS sẽ bắt buộc phải rời sàn chứng khoán. "Điều này đã thôi thúc chúng tôi, năm bản lề năm 2021 chúng tôi sẽ tập trung vào 3 chiến lược chính là khôi phục tài trợ cho anh em lái xe, thúc đẩy tiềm năng khách hàng và chấm dứt lỗ. Chúng tôi quyết tâm sẽ có lãi trong năm 2022", ông Minh nói.
Doanh Nghiệp Tiếp Thị