MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHĐCĐ Techcombank: Kế hoạch lợi nhuận trên 3.500 tỷ, tiếp tục không chia cổ tức

23-04-2016 - 10:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Sáng nay (23/4) Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016.

9h30: Đại hội mới chính thức bắt đầu, chậm 30' so với kế hoạch chương trình.

Báo cáo về tình hình kinh doanh tại Đại hội, ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Techcombank cho biết năm 2015, tổng tài sản tăng thêm hơn 9% lên gần 192 nghìn tỷ đồng. Vốn điều lệ vẫn ở mức 8.878 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tăng thêm 1.471 tỷ đồng lên trên 16 nghìn tỷ.

Dư nợ cho vay khách hàng đạt 111.626 tỷ đồng, tăng gần 39% so với thời điểm cuối năm 2014, trong đó dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm hơn 72%. Tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 1,66% trên tổng dư nợ, giảm mạnh so với mức 2,38% hồi đầu năm. Huy động tiền gửi từ khách hàng năm qua tăng 8% đạt 142.239 tỷ đồng.

Cả năm, ngân hàng lãi trước thuế 2.037 tỷ đồng, tăng 43,8% so với năm 2014. Lợi nhuận chưa phân phối là 2.834 tỷ đồng, trong đó 2.215 tỷ đồng quản lý tại Techcombank và phần còn lại được quản lý tại các công ty con.

Ngân hàng trình cổ đông phương án với 2.215 tỷ đồng lợi nhuận còn lại duy trì dưới hình thức lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Techcombank.

Về kế hoạch năm 2016, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3.543 tỷ đồng.

Cũng tại Đại hội năm nay, Techcombank trình cổ đông về việc đăng ký chứng khoán tập trung tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết do Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội tổ chức (UpCom) và/hoặc đăng ký niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM hoặc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Ngân hàng cũng đưa ra tờ trình chỉnh sửa Chương trình lựa chọn phát hành cổ phần cho người lao đông (ESOP). Lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong 2 năm Techcombank chưa thục hiện và sẽ thực hiện năm 2016, đảm bảo quyền lơi cho nhân viên.

10h15: Đại hội tiến hành thủ tục biểu quyết tại Đại hội.

Tuy nhiên ngay sau đó, 3 cổ đông của ngân hàng đã lần lượt đứng lên chất vấn tại Đại hội về việc tại sao lại không cho cổ đông chất vấn mà đã tiến hành biểu quyết ngay. Ngoài ra cả 3 cổ đông đều hỏi tại sao từ năm 2011 đến nay ngân hàng quên quyền lợi của cổ đông, không chia một xu cổ tức cho cổ đông, trong khi thù lao của lãnh đạo vẫn cao.

Giải đáp các thắc mắc này, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh thay mặt ngân hàng xin lỗi cổ đông vì đã chậm trễ tiến hành Đại hội. Về việc cổ đông thắc mắc tại sao lại biểu quyết trước khi thảo luận, thực ra trong chương trình gửi đến cổ đông ngay từ đầu đã nêu rõ sẽ thảo luận sau khi bỏ phiếu, các điều này đều ghi đầy đủ trong chương trình. Trong những năm qua đều như vậy không riêng gì hôm nay.

Về việc không chia cổ tức, ban lãnh đạo ngân hàng cho biết ngân hàng giữ lại lợi nhuận để tăng năng lực cạnh tranh và Techcombank cũng là 1 trong 10 ngân hàng sắp tới sẽ áp dụng Basel II, cần phải có giai đoạn chuẩn bị để áp dụng tuân theo đúng tiêu chuẩn quốc tế.

Những năm qua, tình hình kinh tế khó khăn, tuy nhiên Techcombank đã làm được những việc quan trọng. Từ năm 2012 đến nay, Techcombank đã chủ động áp dụng mọi biện pháp nhằm kiểm soát và xử lý nợ có vấn đề. Đến cuối năm 2015, tỷ lệ xấu của Techcombank ở mức 1,67%. Về cơ bản, Techcombank đã xử lý xong các vấn đề nợ xấu và chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững, lành mạnh.

Ông Hồ Hùng Anh cho biết, Techcombank năm nay đã trình ĐHCĐ thông qua việc lên sàn niêm yết trong năm nay theo quy định, khi chúng ta lên sàn niêm yết phải có chương trình đầy đủ và lựa chọn thời điểm để nhà đầu tư hiểu được giá trị của Techcombank và họ bỏ tiền mua giá trị đó ở mức hợp lý nhất. Thời gian vừa qua Techcombank tập trung xây dựng nội lực để vượt giai đoạn khủng hoảng và bây giờ là thời điểm bước sang xu thế mang lại giá trị lợi nhuận cho ngân hàng.

"Việc chia cổ tức hay không chia cổ tức, tôi cũng là cổ đông nếu các quý vị được 1 thì tôi được nhiều hơn chút, các quý vị không được chia tôi cũng không được chia. Không chia cổ tức vẫn nằm ở giá trị cổ phiếu, ngân hàng không ai rút đi 1 đồng nào của cổ đông cả, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu cần lựa chọn thời điểm quyết định. Chia cổ phiếu để cổ đông bán với giá 10.000 đồng/cp hay thời điểm nào để bán với giá 30.000 đồng, giá trị đó vẫn nằm ở cổ phiếu chứ không phải tiền này sử dụng vào vấn đề khác”, ông phân trần.

Theo ông Hồ Hùng Anh, hiện nay Techcombank bắt đầu áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về Basel II, “nếu chúng ta phát triển được để đạt được kỳ vọng quy mô và lợi nhuận thì việc ưu tiên hàng đầu đủ vốn chủ sở hữu để đạt đủ điều kiện an toàn về vốn, nếu trong trường hợp việc phát triển không cần thiết số vốn như vậy thì chúng ta chia cổ tức, còn các chỉ số cho rằng cần phải tăng vốn thì chúng ta phát hành cổ phiếu để tăng vốn để phát triển ngân hàng. Mọi trường hợp nào thì chia hay không chia đều nằm trong giá trị cổ phiếu của cổ đông.

Trước câu hỏi tại sao thời gian qua, Techcombank đã 3 lần thay CEO lý do là vì sao là do áp lực hay do môi trường, bao giờ thì ổn định được bộ máy để phát triển lâu dài.

Trước vấn đề này, ông Hồ Hùng Anh cho biết Techcombank luôn có xu thế muốn phát triển và hội nhập và nghĩ rằng cần có chất xám và kinh nghiệm của cán bộ quốc tế theo thông lệ quốc tế và thị trường. Khi mời CEO nước ngoài bình thường họ có kỳ hạn 2-3 năm. Vai trò của họ đóng góp cho tổ chức ở mức lâu hơn thì không phải ai cũng phù hợp vì họ gặp vấn đề về hàng rào ngôn ngữ và văn hóa. Dự kiến, ông Nguyễn Lê Quốc Anh là một Việt kiều Mỹ có nhiều năm kinh nghiệm và hiểu văn hóa Việt. Việc bổ nhiệm 1 CEO mới đạt tính chuyên nghiệp mà ngân hàng sẽ theo đuổi và tạo ra sự ổn định lâu dài.

11h30: Đại hội đã thông qua tất cả các tờ trình.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên